Câu 14 Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm kinh doanh
Trước khi đi vào phân biệt hai loại hình bảo hiểm này việc đầu tiên chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Bảo hiểm xã hội là gì? Bảo hiểm thương mại là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự tổ chức bảo đảm bù đắp hoặc thay thế một phần cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập từ nghề nghiệp do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc sức lao động không được sử dụng, thông qua việc hình thành và sử dụng một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội và các nguồn thu hợp pháp khác nhằm góp phần đảm bảo an toàn kinh tế cho người lao động và gia đình họ đồng thời góp phần đảm bảo an toàn xã hội
Câu 14 Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm kinh doanh |
Như vậy qua các khái niệm trên cho chúng ta thấy có một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại hình bảo hiểm:
Thứ nhất: Đối tượng bảo hiểm
Đối tượng của bảo hiểm xã hội là thu nhập của người lao động, chỉ khi thu nhập của người lao động bị giảm hoặc bị mất mà nguyên nhân do bị giảm hoặc mất khả năng lao động thì người lao đống sẽ nhận được khoản chi trả từ quỹ bảo hiểm xã hội. Trong khi đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm thương mại rộng hơn bao gồm: Tài sản, con người, trách nhiệm dân sự
Thứ hai: Đối tượng tham gia bảo hiểm
Trong khi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động và người sử dụng lao động và như vậy bảo hiểm xã hội phát sinh trên cơ sở quan hệ lao động. Trong quá trình lao động, bản thân người lao động phải tham gia để tự bảo hiểm cho mình đồng thời người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người lao động thông qau việc trích một phần quỹ lương đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. Đối tượng tham gia bảo hiểm của bảo hiểm thương mại là các tổ chức có tư cách pháp nhân, các cá nhân có đủ năng lực hành vi, năng lực pháp lý
Thứ ba: Quỹ bảo hiểm
Quỹ bảo hiểm xã hội là một quỹ tài chính độc lập tập trung ngoài ngân sách Nhà nước được hình thành chủ yếu từ ba nguồn: Đóng góp của người lao động, đóng góp của người sử dụng lao động và Nhà nước bù thiếu. Cơ chế quản lý quỹ bảo hiểm xã hội là cân đối thu chi, không nhằm mục đích sinh lời. Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng chủ yếu cho hai mục đích đó là:
- Dùng để chi trả cho các chế độ bảo hiểm xã hội
- Chi cho sự nghiệp quản lý bảo hiểm xã hội
Trong khi quỹ bảo hiểm thương mại được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp phí bảo hiểm của các đối tượng tham gia tạo nên ngoài ra được bổ sung một phần lãi từ việc đầu tư quỹ "nhàn rỗi" mang lại. Quỹ bảo hiểm thương mại được sử dụng cho năm mục đích chủ yếu đó là:
- Bồi thường chi trả
- Dự trữ dự phòng
- Đề phòng hạn chế tổn thất
- Nộp ngân sách Nhà nước
- Chi quản lý
Quỹ bảo hiểm thương mại được quản lý theo cơ chế hạch toán kinh doanh có lãi. Điều này được thể hiện rõ trong việc lãi suất cho công ty bảo hiểm được tính vào cơ cấu phí toàn phần cho mọi nghiệp vụ bảo hiểm cụ thể, bảo hiểm thương mại có thể tham gia tái bảo hiểm với các công ty bảo hiểm ở nước ngoài
Thứ tư: Phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm xã hội được xác định bằng số tương đối và phụ thuộc chủ yếu vào tiền lương và quỹ lương của doanh nghiệp. Theo kết cấu các chế độ bảo hiểm xã hội thì mỗi chế độ có một loại phí tương ứng, đồng thời có phí bảo hiểm xã hội tổng hợp chung cho tất cả các chế độ gọi là phí tổng hợp hay phí toàn phần. Phí toàn phần được xác định theo công thức:
Ptp = Ptt + Pql + Pdp
Trong đó: Ptp: Phí toàn phần
Ptt: Phí thuần túy
Pql: Chi phí quản lý
Pdp: Phần an toàn, dự phòng phí
Phí bảo hiểm thương mại được xác định bằng số tuyệt đối và phụ thuộc chủ yếu vào số tiền bảo hiểm, xác suất rủi ro. Phí bảo hiểm thương mại là giá cả của sản phẩm bảo hiểm và được xác định theo công thức:
P = f + d
Trong đó: P là phí bảo hiểm toàn bộ
f là phí thuần
d là phụ phí
Trên thực tế mức phí bảo hiểm toàn bộ còn được xác định theo công thức:
P = Tỷ lệ phí x Số tiền bảo hiểm
Trong đó tỷ lệ phí phụ thuộc rất nhiều vào xác suất rủi ro, cường độ tổn thất
Thêm vào đó, trong khi phí bảo hiểm xã hội được đóng đều đặn theo tiền lương hoặc thu nhập hàng tháng của người lao động từ lúc bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi hết tuổi lao động, ngược lại nhìn chung phí bảo hiểm thương mại được nộp ngay khi hợp đồng bảo hiểm thương mại được ký kết. Trong trường hợp phí bảo hiểm thương mại là một khoản tiền lớn thì người tham gia có thể thỏa thuận với công ty bảo hiểm để đóng làm nhiều lần, lúc đó công ty bảo hiểm có thể thu định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng
Thứ năm: Thời hạn bảo hiểm và hình thức bảo hiểm
Hình thức bảo hiểm trong quan hệ bảo hiểm giữa người tham gia với công ty bảo hiểm trong bảo hiểm thương mại chủ yếu mang tính tự nguyện (Trừ nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự) đồng thời mối quan hệ này chỉ phát sinh và tồn tại trong một khoảng thời gian xác định kể từ khi người tham gia bảo hiểm ký kết hợp đồng bảo hiểm, thời hạn này thường là một năm hoặc một chu kỳ hoạt động. Trong khi mối quan hệ này trong bảo hiểm xã hội là mối quan hệ lâu dài, tương đối ổn định và hình thức bảo hiểm chủ yếu là mang tính chất bắt buộc dựa trên quan hệ lao động và quan hệ phân phối theo quy định của Nhà nước mục đích nhằm bảo vệ người lao động trước những sự kiện, "rủi ro xã hội" như: ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp vv…bên cạnh đó còn ràng buộc trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đối với người lao động từ đó thắt chặt tình đoàn kết giữa "chủ" với "thợ" góp phần thúc đẩy ổn định xã hội
Trên đây là một số điểm khác biệt cơ bản giưă bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại, tuy nhiên sự khác nhau giữa hai loại hình bảo hiểm này không tạo ra sự đối lập mâu thuẫn mà trái lại chúng còn bổ sung hỗ trợ cho nhau giúp con người chống lại những rủi ro trong cuộc sống ngày càng đa dạng và phức tạp.
David Nguyễn