Chủ Nhật

Chệch hướng sang 'CNTB thân hữu': Nguy cơ có thật!

“Nguy cơ hiện hữu đáng lo nhất là chệch sang “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – một hiện tượng, sự biến tướng, sự tha hóa chứ không phải là giai đoạn phát triển nào của chủ nghĩa tư bản”, Vũ Ngọc Hoàng.

LTS:Đúc kết từ những trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống và những trọng trách được giao, ông Vũ Ngọc Hoàng đã gửi tới Tuần Việt Nam bài viết bàn về hướng tháo gỡ những rào cản mà đất nước đang vướng phải. Tuần Việt Nam đăng tải bài viết này để mọi người cùng đọc và suy ngẫm, trao đổi thêm.

Phát triển là mục tiêu quan trọng nhất

Đối với nước ta hiện nay, phát triển là mục tiêu quan trọng nhất. Hơn bất kỳ mục tiêu nào khác!

Và không chỉ là mục tiêu, phát triển còn là con đường duy nhất đúng để có Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và đủ sức mạnh để bảo vệ lâu dài chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. Đó là sự phát triển của một dân tộc, một đất nước.
Chệch hướng sang 'CNTB thân hữu': Nguy cơ có thật!
Trong đó quan trọng nhất là sự phát triển của con người, từng con người, những con người, và mối quan hệ của họ với nhau, cộng lại là một cộng đồng dân tộc Việt Nam hùng cường, bản lĩnh, trí tuệ và năng lực.

Tự do và sự phát triển của con người là mục tiêu cao quý của CNXH. Đất nước là sản phẩm của con người. Con người phát triển thì dân tộc phát triển. Dân tộc phát triển thì sẽ có một đất nước phát triển. Đất nước phát triển là môi trường để cho con người tiếp tục phát triển. Khi đất nước và dân tộc phát triển ở trình độ cao thì mới có CNXH hiện thực. Đó là điều không thể khác.

Từ lâu nước ta đã kiên định mục tiêu lý tưởng là độc lập dân tộc và CNXH. Điều đó không sai nếu như hiểu đúng bản chất của vấn đề! Nhưng rất cần thiết phải bổ sung và phát triển nội hàm của mục tiêu ấy cho rõ hơn và phù hợp với thời đại để khả thi hóa, dễ thực hiện. Ngày xưa, không phải Việt Nam ta thiếu anh hùng mà vì lạc hậu, vì không phát triển mà ta mất nước, mất độc lập dân tộc. Nhiều quốc gia và dân tộc khác cũng vậy.

Ngày nay, trong thế giới hội nhập, dân tộc Việt Nam phải phát triển mới giữ vững được độc lập, và độc lập cũng là để phát triển. Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì. Hồ Chí Minh đã nói thế! Người coi tự do và hạnh phúc của nhân dân mới là mục đích cuối cùng, mục đích của độc lập.

Có tự do mới có sáng tạo. Có sáng tạo mới có phát triển. Và có phát triển mới có tự do và hạnh phúc. Bản thân sự tự do là hạnh phúc lớn nhất của con người. Sau khi vượt qua cái đói  cái chết, sự sống bắt đầu và cùng lúc đó con người có nhu cầu tự do.

Nói cách khác, sự sống bắt đầu bằng tự do. Tự do xếp thứ tự trước tình yêu. Con người càng phát triển thì sẽ càng tự do hơn. Chính sự phát triển và tự do đem lại hạnh phúc cho con người.

Liên Xô cũng hiểu sai về chủ nghĩa xã hội

CNXH trước hết phải là kết quả của sự phát triển ở  trình độ rất cao. Và là kết quả tất yếu, tự nhiên, như chính nó tự trưởng thành lên vậy, dù không hô to một khẩu hiệu nào. Không có CNXH nào cả nếu không phát triển. Phát triển là mục tiêu quan trọng nhất và cũng chính là con đường lên CNXH. Một con đường duy nhất đúng! Một con đường đúng hơn các con đường khác.

CNXH là dự báo khoa học về sự vận động của thế giới khách quan chứ không phải ý muốn chủ quan vạch ra để bắt hiện thực phải khuôn theo. Chính C.Mác đã nói vậy. Vấn đề là thực chất, chứ không phải tên gọi.

Lâu nay, trên thế giới đã và đang có nhiều cách hiểu và quan niệm khác nhau về CNXH. Ngoài ra còn có những trường hợp nhân danh, lạm dụng danh từ đó (XHCN). Đảng của Hítle đã từng dùng từ XHCN để gọi tên mình. Thời kỳ Pôn Pốt diệt chủng ở Campuchia cũng nhân danh CNXH. Liên Xô và Đông Âu trước đây cũng có không ít những quan niệm rất sai lầm về CNXH, đến mức phải đổ ngã không cứu vãn được. Ngay cả ở nước Đức quê hương của C.Mác (và Châu Âu nữa) cũng đã có những cách nghĩ khác nhau về CNXH… Thôi thì, lịch sử không thể khác, lịch sử vẫn là lịch sử, có hoàn cảnh cụ thể, có dích dắt, có quanh co, đều có lý do cả, không thể giả định hoặc lẩn tránh.

Chỉ có điều nên hiểu cho đúng: CNXH phải là thực chất, chứ không phải tên gọi; là sản phẩm trí tuệ chứ không phải cực đoan duy ý chí; là kết quả khách quan của quy luật phát triển chứ không phải ý muốn chủ quan định ra của ai đó để bắt hiện thực phải khuôn theo; phải là văn minh chứ không phải mông muội hay dã man; ở trình độ phát triển cao chứ không phải lạc hậu; nhân văn và dân chủ thật sự chứ không phải áp đặt hay dân chủ hình thức hoặc chế độ toàn trị.

Cơ chế chất lượng cao cho Việt Nam

Về thực tiễn thì nước ta dù đã phát triển khá nhiều so với ngày chưa đổi mới, nhưng vẫn rất chậm, đã tụt hậu và đang có nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Trước nhất là lãnh đạo và tiếp theo là  các thế hệ công dân sau 1975 chưa xứng đáng với lịch sử dân tộc và truyền thống của Đảng, với hàng triệu người đã hy sinh xương máu để giành lại một đất nước đã mất, chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thống nhất nước nhà, đưa dân tộc ta lên một tầm cao mới về chính trị và ngoại giao.

Ngày nay nước ta lại đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới rộng lớn (và hội nhập là đúng và không thể khác). Trong cuộc hội nhập ấy nếu không nỗ lực phấn đấu và không biết cách tiến lên thì sẽ tiếp tục tụt hậu.

Còn nước láng giềng Phương Bắc thì đang dùng nhiều thủ đoạn lấn ép nước ta để chiếm biển, đảo ở phía Đông. Họ đã bộc lộ bản chất của một “đế chế” phương Bắc, trái nghịch và xa lạ với mục tiêu XHCN.

Thực tiễn đang đòi hỏi Việt Nam phải phát triển để mạnh lên, mạnh hơn gấp nhiều lần để đủ sức giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; để đạt được mục tiêu quốc gia hưng thịnh, dân tộc có đẳng cấp cao và xã hội tốt đẹp như bao thế hệ hằng mong muốn.

Có ý kiến luôn nhắc rằng phải chống nguy cơ chệch hướng. Phát triển nhưng không được chệch hướng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng “sự chệch hướng” nguy hiểm hơn “chưa phát triển”. Nói cách khác “không chệch hướng” quan trọng hơn sự phát triển.

Cách đây 2 năm, trong bài viết về “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản (CNTB) thân hữu…”, tôi đã có lần trình bày vắn tắt ý kiến về “chệch hướng”. Nếu chệch thì chệch đi đâu? Không thể chệch trở lại chế độ phong kiến vì trình độ phát triển đã vượt qua, dù sự ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến còn nặng nề trên nhiều mặt. Và cũng không thể chệch sang CNTB phát triển vì trình độ phát triển của chúng ta chưa đến đó, giống như hai con đường không đồng mức thì không thể trượt qua được. [Mà nếu chệch sang CNTB phát triển thì cũng không phải đáng lo, vì khi ấy chúng ta sẽ đến được gần hơn với CNXH].

Nguy cơ hiện hữu đáng lo nhất là chệch sang “CNTB thân hữu” – một hiện tượng, sự biến tướng, sự tha hóa chứ không phải là giai đoạn phát triển nào của CNTB. Mà “CNTB thân hữu” là hậu quả tất yếu của “lợi ích nhóm” tiêu cực, nếu để nó phát triển tràn lan và nghiêm trọng. “Lợi ích nhóm” là sự kết hợp giữa quyền lực và đồng tiền, tức là có sự tham gia trực tiếp của những người có chức quyền.

Khi “lợi ích nhóm” phổ biến thì đất nước không thể phát triển và cũng là chệch hướng.

“Tự diễn biến” “tự chuyển hóa” đáng lo nhất là do “lợi ích nhóm”, tức là từ trong những cán bộ có chức quyền, chứ không phải từ đâu đến.

Cái chệch hướng rất đáng lưu ý là đường đi và cách làm không đúng quy luật khách quan, chứ không phải làm chệch đi so với những suy nghĩ chủ quan chưa đủ cơ sở khoa học. Định ra đường đi theo ý muốn chủ quan, duy ý chí, không khoa học cũng chính là sự chệch hướng. Phát triển mạnh mẽ và bền vững cũng có nghĩa là không chệch hướng. Đề phòng nghĩ sai rồi làm sai mà cứ tưởng là đúng; còn đổi mới, điều chỉnh theo đúng hướng đi thi bị qui là làm “chệch hướng”, là “xét lại”.

Lịch sử nước ta và các nước trên thế giới đã từng như vậy. Muốn phát triển phải hành động đúng quy luật khách quan. Và hành động đúng quy luật khách quan tức là không chệch hướng. Còn không phát triển được thì hoặc là do tham nhũng và “lợi ích nhóm” nhiều, hoặc là hành động không đúng quy luật khách quan, cũng đều là chệch hướng. Vì vậy, không được nhân danh “chống chệch hướng” hoặc “kiên định lập trường” để bảo thủ, cản trở phát triển. Mục tiêu của chúng ta là phát triển.

Con đường đi của chúng ta là phát triển. Kiên định là kiên định phát triển. Lập trường là lập trường phát triển. Mục tiêu của CNXH là phát triển. Nhờ có sự phát triển mà đi đến được mục tiêu XHCN như một tất yếu khách quan. Lực lượng nào cản trở sự phát triển thì đó là “phản động” – như cách nói của C.Mác.

Sourse: Vietnamnet.vn