Thứ Năm

Đặng Hữu Nghị người cha giàu đức hi sinh hay đang bán lòng tự trọng và lợi dụng lòng tốt của cộng đồng?

Trong thời gian gần đây, sự kiện người cha tự thân mình nuôi hai con bị teo não tham gia một cuộc thi trên sóng truyền hình - Chương trình "Hát Mãi Ước Mơ" - đã lấy rất nhiều nước mắt cũng như rất nhiều lòng thương cảm từ đông đảo khán giả.

Tuy nhiên, hậu sự việc, trong một diễn biến về tình hình mới nhất, thông tin từ một người dùng mạng nguyên là phóng viên một tờ báo nổi tiếng tại TP.HCM, người từng trực tiếp tiếp xúc và thực hiện bài viết về người cha đang được dư luận quan tâm này.

Phía sau những gì mà báo chí đề cập, có một nửa sự thật rất đáng thất vọng về chân dung và hoàn cảnh của anh Đặng Hữu Nghị, nó hoàn toàn trái ngược với những gì mà báo chí đề cập và có màu sắc ngợi ca quá đà.


Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được phép trích đăng nội dung này.
Đặng Hữu Nghị người cha giàu đức hi sinh hay đang bán lòng tự trọng và lợi dụng lòng tốt của cộng đồng?
“ĐẶNG HỮU NGHỊ - NGƯỜI CHA GIÀU ĐỨC HI SINH HAY KẺ BÁN LÒNG TỰ TRỌNG KIẾM TIỀN?

Từ sáng đến giờ, rất nhiều người hỏi tôi về trường hợp của “Người cha một mình nuôi hai con teo não”. Trong số này, có cả những bạn nghề, những mạnh thường quân đã tìm cách quyên góp tiền từ tứ phía để chuẩn bị chuyển đến tay kẻ mấy ngày nay được dư luận tung hô rầm rộ. Không muốn nhắc nhiều đến con người này, nhưng nghĩ im lặng thì thấy hổ thẹn với bản thân, áy náy với mọi người. Thôi thì tôi cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng xin lưu ý ngay từ đầu, đây chỉ là quan điểm và cảm nhận của bản thân tôi, hoàn toàn mang tính chủ quan cá nhân chứ không có giá trị như một sự thật được khẳng định.

Tháng 7-2016, mấy tiếng sau khi Vnexpress đăng tải một clip ngắn về trường hợp của cha con Đặng Hữu Nghị, trưởng ban phân công tôi bám sát đề tài này. Ngày còn là thực tập sinh và cộng tác ở Pháp Luật TP.HCM, chị hướng dẫn vẫn thường dặn đi dặn lại việc phải kiểm tra xem trước đó nhân vật của mình đã có báo nào viết chưa, viết như thế nào để vừa nắm được thông tin nền, vừa tìm hướng khai thác khác hoặc dừng hẳn (vì làm báo giấy).
Chính vậy mà sau khi được giao đề tài, tôi gõ ngay cái tên Đặng Hữu Nghị lên mạng. Một list bài hiện lên, Pháp Luật Đời Sống có, Tiin.vn có, nhưng đầu tiên là báo Dân Trí, viết năm 2014. Tôi cũng tìm hiểu và biết rằng thời điểm đăng bài, Dân Trí đã giúp cho hoàn cảnh trên một số tiền kha khá. Đồng thời, ngoài những bài sẻ chia thương cảm, có một luồng thông tin trái chiều của VTC, khi tác giả cho rằng người đàn ông tên Nghị chăn dắt, lợi dụng thân xác hai đứa bé kiếm tiền.

Dĩ nhiên tôi ghi nhận tất cả, nhưng điều quan trọng là phải mắt thấy tai nghe. Chiều hôm sau, tôi tìm đến nhà nhân vật. Đến nơi, người cha vừa chạy ra đón tôi, vừa tranh thủ nghe điện thoại liên tục từ mạnh thường quân gọi đến. Lúc này vì nóng lòng muốn gặp hai đứa bé, tôi chạy thẳng đến trước cửa nhà, và vô tình liếc qua chiếc xe bán kẹo của Nghị. Đập ngay vào mắt là tấm bảng lớn đính trên chiếc xe lôi, ghi trang trọng hàng chữ người cha tội ngiệp gà trống đi bán kẹo nuôi hai con tật nguyền, được báo Pháp Luật & Đời Sống đăng tải ngày...tháng...năm.

Tôi hơi lăn tăn, có cần thiết để Nghị phải tự tội nghiệp và ghi rõ ràng số báo đã đăng về mình như vậy không? Dù sau đó người đàn ông tên Nghị giải thích rằng ghi rõ vậy để tránh người ta hiểu lầm anh chăn dắt trẻ con, tôi vẫn lần mò tìm được tài khoản xã hội của anh, và rất bất ngờ khi thấy trước đây Nghị có dán tấm bảng khác lên xe, cũng viết y vậy nhưng thêm dòng "vợ bỏ", và thay bằng... báo Phụ Nữ.

Tôi bắt đầu khó chịu về kẻ này khi vừa tiếp xúc với tôi, anh ta liên tục nghe điện thoại và trả lời với cùng một mô típ như thể rất thuộc bài. Khi có một mạnh thường quân mới đến, Nghị lập tức lờ tôi và một bạn báo khác đi, nhanh nhảu chạy ra tiếp và xem như người đang nói chuyện chưa hề tồn tại. Thậm chí, anh còn phi xe ra tận đường lớn rất xa để đón khách, để hai đứa con trong nhà đang lên cơn, đập đầu lốp cốp vào tường.

Có thể tôi hơi cảm tính, vì từ những lời "mồi chài", lúc nhận tiền và tiếng cảm ơn của anh ta, tôi đều nghe ngọt ngào như kịch bản dựng sẵn. Điều quan trọng là Nghị luôn tìm cách để chứng tỏ rằng đây là lần đầu tiên anh được giúp đỡ, phủi sạch trơn thứ mà trước đây anh từng được nhận. Có lẽ, đây là lý do mà Nghị chuyển chỗ ở?

Tôi nhớ lúc ra về, cầm hai trăm ngàn đồng trước khi đi chị biên tập viên nhờ chuyển hộ vì thấy tội quá, mà đắn đo lạ. Khi ấy đã gần cuối tháng, và chắc chị cũng không rủng rỉnh tiền. Nghị cầm lấy tờ tiền bé nhỏ kia, nhét gọn lỏn vào túi, cười một cái, cảm ơn nhẹ rồi quay phắt vào trong, tiếp tục nghe điện thoại, nói chuyện với các mạnh thường quân khác cũng sửa soạn cho tiền rồi đi về, vì trời có vẻ sắp mưa. Cộng thêm thái độ này nữa là đủ để tôi quay phắt suy nghĩ về “người cha giàu đức hi sinh” này.

Chỉ trong vài ba ngày, một loạt các tờ báo lớn tìm đến nhà, đưa tin rầm rộ về trường hợp của cha con Nghị. Hệ quả tất yếu là việc Nghị càng được xã hội biết đến, và hàng tá người, chính xác là hàng trăm người giúp đỡ cả về tiền bạc lẫn chuyện sửa lại ngôi nhà. Nghị được một số tổ chức,cơ sở đề nghị hỗ trợ một công việc ổn định để vừa làm, vừa có thời gian nuôi con. Nếu Nghị sợ vất vả, thì hai đứa nhỏ cũng không thiếu những trung tâm bảo trợ xã hội đàng hoàng vào cuộc thu nhận. Nhưng chẳng hiểu sao Nghị khước từ những lời đề nghị ấy, dù tiền vẫn nhận, nhà vẫn sửa.

Đến lúc này Nghị lại làm một người cha cao thượng lần nữa khi viện cái cớ phải theo sát con, sợ con thiếu thốn hơi ấm tình cha mà vứt đi những lời đề nghị chân tình. Vậy là ngày này qua ngày khác, Nghị lại quẳng hai đứa nhỏ vào cái thùng xe được thiết kế độc đáo như một rạp xiếc mini để cho chúng “biểu diễn” hết tuyến đường này qua con lộ khác. Cộng với chất giọng truyền cảm tội nghiệp và màn diễn thuyết chuyên nghiệp, đêm nào rạp xiếc di động với diễn viên chính là hai đứa nhỏ bại não vô tội, người điều phối là Nghị cũng bội thu.

Không ít lần tôi gặp anh ta trên những tuyến đường sát nhà trọ mình, lúc 8-9 giờ đêm. Độ này, Nghị tân tiến hơn khi sắm hẳn bộ phát âm hiện đại. Chạy một quãng rồi dừng, Nghị hô to mirco vài tiếng là đám đông bu đen bu đỏ lại để xem diễn, trong khi hai đứa nhỏ mệt lả, hứng bụi đội sương. Và bạn biết nhà trọ tôi ở đâu không, tận quận Bình Thạnh.

Từ huyện Bình Chánh qua đây bán kẹo giữa thời giờ ấy, thì chừng nào mới về tới nhà. Đặng Hữu Nghị thương con kiểu gì lạ vậy? Mấy trăm triệu đồng mà mạnh thường quân vừa ủng hộ vài tháng trước đó, anh xài nhanh hết đến độ phải đem con phơi sương kiếm tiền sớm thế sao? Những lần vô tình lướt qua Nghị, tôi lại lắc đầu, ân hận vì trước đó đã ngậm bồ hòn viết bài, góp phần làm những đồng tiền của độc giả đổ sông đổ bể.

Rồi mấy ngày nay, chẳng biết vì sao người ta lại tìm đến và cho Nghị lên sóng truyền hình, trong một gameshow. Và kẻ ấy lại được dịp gây chấn động thiên hạ bằng màn “Gà trống nuôi con” và mớ nước mắt lúc nào cũng sẵn có. Nhưng như đã nói, Đặng Hữu Nghị không có lỗi, bởi anh ta đâu tự há miệng ra xin xỏ lên hình. Tôi cứ thắc mắc hoài, lẽ nào các báo mấy ngày nay đăng tải thông tin mà không tìm hiểu về Nghị. Hay vì quá tin vào anh em đồng nghiệp, tin vào uy tín đài truyền hình thành phố mà quên mất chuyện “mình còn chưa dám tin mình”.

Chiều nay, một anh bác sĩ thương quý gọi cho tôi, bảo rằng Hoàng ơi, anh đang định chuyển tiền cho ba cha con Đặng Hữu Nghị thì đọc được mấy dòng trên facebook của em nên gọi ngay để hỏi. Anh không dám bấm vào đường dẫn chi tiết, vì sợ virus. Mấy câu của anh khiến tôi nhận ra sức mạnh niềm tin của truyền hình ghê gớm thế nào. Cái gameshow kia đã làm rất tốt nhiệm vụ lấy nước mắt khán giả, đến độ tầm ảnh hưởng của nó đủ lôi kéo độc giả lẫn những tờ báo khác “hùa” theo mà bị tẩy não và quên mất rằng, mình đã từng khóc sướt mướt mới chỉ 10 tháng trước.

Riêng với Đặng Hữu Nghị, tôi xem xong tập gameshow có gã phát sóng, và khắc cốt nhất chi tiết không có tiền thuê đồ để lên thi hát. Nghị ơi, nếu là một người cha thương con, hay chí ít là một con người có lòng tự trọng, lẽ ra Nghị phải tự ngậm miệng rồi lấy búa vỗ vào đầu mình để trí não được phục hồi, đặng còn nhớ lại số tiền anh được nhận khi trước đủ mua một siêu thị quần áo. Mà thôi nếu Nghị tự trọng, thì Nghị đã không đem con giữa chợ, đã không tự hào mang cái mác người cha tội nghiệp, vĩ đại in lên sóng truyền hình.

Đem hai đứa con teo não đi bán kẹo, kiếm tiền vậy dễ dàng quá phải không anh.

Có khi sang năm, người ta lại bắt gặp Nghị ở một xó xỉnh nào đó. Rồi gõ lọc cọc, rồi quay, rồi chụp, rồi đăng báo. Rồi Nghị lại được đống người thương. Rồi túi Nghị sẽ lại đầy. Độc giả Việt Nam trí nhớ kém nhưng dễ tin người lắm".

Video Đặng Hữu Nghị hát trên truyền hình khiến độc giả rơi nước mắt

Dòng chia sẻ này hiện đang khiến dư luận xôn xao, nếu đây là sự thật thì quả thực người cha này đã quá khôn khéo trong việc “diễn trò” trước dư luận và truyền thông.

Mặc dù chỉ là ý kiến chia sẻ mang quan điểm của cá nhân, bên cạnh một bộ phận cư dân mạng tỏ ra đồng tình thì có rất nhiều ý kiến chỉ trích hành vi của người phóng viên trẻ này.

Nguồn: Phununews/ Hoàng Lê