Khi Cục nghệ thuật Biểu diễn công bố hơn 300 bài hát trên website (là trang web mà lâu nay Cục này dùng để công bố các bài hát được cấp phép), người ta té ngửa ra rằng hóa ra hơn 70 năm qua toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam – và chính các lãnh đạo Cục này – đã… hát lậu, hát trộm bài Tiến quân ca.
Vì bản nhạc Tiến quân ca được hát trong các buổi chào cờ mà ta vẫn gọi là quốc ca, cũng vừa được cấp phép đợt này!
Đã quá nhiều phiền toái, đã quá rắc rối bởi những việc làm bầm giập, trầy trật của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Sự trầy trật này chỉ có thể nói sinh ra từ hai thứ: Hoặc là non yếu nghiệp vụ nên vụng về cảm tính; hoặc là cửa quyền, muốn làm bề trên, ban phát, tìm cách duy trì cơ chế xin – cho. Và có thể nghiêng về trường hợp thứ hai nhiều hơn.
Hóa ra hơn 70 năm qua, chúng ta chào cờ… lậu! |
Kế đến, năm 2013, ca sĩ Ánh Tuyết khi ra album dòng nhạc bolero mang tên “Duyên kiếp” phát hành khắp cả nước, gần một năm sau báo chí phát hiện ca khúc “Tình bơ vơ” (Lam Phương) đã được cấp phép rồi lại rút phép vào năm 2008; còn trả lời trang thông tin điện tử Soha, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho rằng ca khúc “Chuyến tàu hoàng hôn” (Minh Kỳ – Hoài Linh) chưa được cấp phép. Ấy thế nhưng Album của nữ ca sĩ vẫn được phát hành bình thường đó thôi!
Những cách làm này nếu không phải vừa cửa quyền vừa bất nhất thì là gì?
Khi vụ việc “Con đường xưa em đi” chưa lắng hết, Cục này một mặt đổ lỗi cho Sở VH-TT-DL TP.HCM, một mặt phải kiểm điểm trước Bộ VH-TT-DL, thì ngay lập tức nổi lên chuyện cấp phép cho 324 tác phẩm nhạc cách mạng! Nếu xem cách làm này tương tự với cách làm với các ca khúc miền Nam trước 1975, thì việc cấp phép cho 324 khúc cách mạng này đồng nghĩa với tất cả những ca khúc “nhạc đỏ” còn lại hiện tại đều đang thuộc danh sách cấm!
Điều đáng nói là sự lạm quyền của Cục này đã lên tới đỉnh điểm. Chưa nói tới những “Như có Bác trong ngày đại thắng” (Phạm Tuyên), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Huy Du), “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” (Hoàng Điệp – Phạm Tiến Duật), “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh), “Việt Nam quê hương tôi” (Đỗ Nhuận), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn)… đã “bị” cấp phép, Cục này còn dám làm luôn động thái táo tợn là cấp phép luôn cho bài hát “Tiến quân ca”. Đây là bài quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1945-1975 và của CHXHCNVN từ 1975 đến nay, đã được quy định trong Hiến pháp. Động thái này không khác gì Cục này cho rằng đây là bài hát trước đây chưa được cấp phép!
Như vậy, bằng động thái này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cho rằng từ trước đến nay toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam hát “lậu” trong các buổi chào cờ. Mà hát lậu rồi thì không khác “chào cờ lậu” là mấy!
Hãy nghe một thanh minh của ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, là Cục “chỉ cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới đối với 300 bài hát”.
Cách làm việc cửa quyền, trầy trật của Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ khiến cho công chúng, giới văn nghệ sĩ giới kinh doanh thiệt thòi, và nghệ thuật bị khống chế phát triển.
Nói như thế này là lối nói vòng vo tam quốc. Cục Nghệ thuật biểu diễn nên nhớ rằng, từ lâu nay, chỉ có những bài mà Cục cập nhật lên đây mới được phép hát (vậy mà trước khi hát còn phải gửi danh sách bài hát sang cơ quan quản lý, xin phép lần nữa trước khi ra sân khấu). Như vậy đây chính xác là những bài hát được cấp phép. Không được cập nhật lên đây có nghĩa là không được cấp phép.
Phải được cấp phép mới được hát. Những bài hát mà không có trên danh mục này, ca sĩ nào hát đều bị cho là hát chui, hát lậu, sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có thể rút phép thông công, mất quyền biểu diễn.
Vậy thì, mọi công dân và sự việc đều công bằng trước pháp luật, thì việc đưa 324 bài hát nhạc “đỏ” lên đây, khi bị dư luận phản ứng dữ dội, tại sao lại được Cục này diễn giải là “cập nhật chứ không phải cấp phép”?. Vậy cũng cùng một trường hợp như nhau, thì có thể nói tương tự là, tất cả những bản nhạc trước 1975 đưa lên website này cũng là “cập nhật chứ không phải cấp phép” được không, có nghĩa là từ lâu nay những ca khúc khác được sáng tác trước 1975 cũng không hề bị cấm?
Để hiểu rõ hơn “quyền năng” của Cục này chúng tôi tìm kiếm và thấy trên trang tin điện tử của Cục, tại địa chỉ http://cucnghethuatbieudien.gov.vn/Content.aspx?sitepageid=417 là văn bản “Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Nghệ thuật biểu diễn”, số 4148 /QĐ-BVHTTDL ngày 27/11/2013 do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Tuấn Anh ký. Ở Điều 2 (Nhiệm vụ và quyền hạn) khoản 6 (Cấp phép), điểm e – quy định Cục này được quyền “Phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài sáng tác”.
Toàn bộ văn bản trên không hề trao cho Cục này bất cứ quyền cấm tác phẩm âm nhạc nào! Như vậy, việc Cục này đã ra các quyết định cấm các bản nhạc trước 1975, mà gần đây nhất là 5 ca khúc trong đó có “Con đường xưa em đi” là sự lạm quyền.
Đọc quy định trên đây, người bình thường cũng hiểu được ngay, là Bộ VH-TH-DL không hề liệt kho tàng âm nhạc trước 1975 và tác phẩm của người Việt Nam ở nước ngoài vào danh sách cấm. Phải khẳng định là không hề cấm, mà Bộ xem đó là tài sản văn hóa nghệ thuật, nên đã giao cho Cục nhiệm vụ là nghiên cứu để tìm ra các tác phẩm tốt để phổ biến, tham mưu cho công chúng sử dụng. Thế nhưng Cục này đã tranh thủ vận dụng, biến cái nghĩa vụ thành quyền lực, cấm bài này, cho bài kia, khiến hàng chục năm qua giới ca sĩ, kinh doanh âm nhạc (và nhiều loại hình nghệ thuật khác) phải lao đao lận đận khốn khổ vì sự cửa quyền này.
Tại Điểm e Khoản 6 Điều 2 trên đây, Bộ cũng chỉ trao cho Cục cái quyền nghiên cứu các tác phẩm miền Nam trước 1975 và sáng tác của người Việt định cư ở nước ngoài. Văn bản của Bộ hoàn toàn không giao cho Cục cái quyền nào về việc nghiên cứu, thẩm định các ca khúc cách mạng cả. Cho nên việc Cục này làm luôn cái việc là “rà soát” luôn các tác phẩm nhạc cách mạng, là chuyện nhanh nhảu đoảng, đi đếm cua trong lỗ. Đến đây thì không phải là sự cửa quyền, mà là vì do cái quyền kia bị đi quá trớn nên… trật đường ray.
Âm nhạc vốn có đời sống tự thân của nó. Nếu nó hợp lòng người, nó sống mãi. Vì thế mới có những tình khúc vượt thời gian như “Con đường xưa em đi”, dù cho có bị Cục này vùi lên dập xuống. Còn nếu nó không có tính nghệ thuật, không đáp ứng được tâm tư tình cảm, thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, thì chúng sẽ tự đi vào sọt rác chứ chẳng cần ai vứt hay ai cấm. Cho nên, sinh ra Cục Nghệ thuật biểu diễn là nhằm để hỗ trợ cho nghệ thuật phát triển, chứ không cần thiết sinh ra một cái Cục để đi cấm đoán.
Những việc làm của Cục này thời gian qua đã hành hạ giới ca sĩ, giới kinh doanh và thưởng thức văn hóa nghệ thuật quá nhiều, giờ đã đến lúc phải xem xét lại chức năng quyền hạn của nó. Bởi lẽ, nếu không, cứ để nó tung hoành thế này, thì đối tượng hứng chịu thiệt thòi chính là công chúng, văn nghệ sĩ và giới kinh doanh nghệ thuật. Mà 3 giới này bị thiệt, thì đất nào để nghệ thuật ươm mầm, nảy nở, đơm hoa kết nhụy và tỏa hương?
Source: Đặng Vỹ/nhaquanly.vn