Thứ Bảy

Nhân loại này thật là khốn khổ, chúng ta vẫn xoay xở để có được một cuộc đời riêng

Tôi đợi hết dịp lễ mới ngồi xuống viết những dòng này để tránh làm mất hứng bất cứ ai đang vi vu tận hưởng những ngày không phải lo toan công việc.  

Trong bộ phim tài liệu “Human” (Nhân loại) của đạo diễn kiêm nghệ sĩ Yann Arthus-Bertrand có một cảnh thật không thể quên: khoảng 500 người Trung Quốc chen chúc nhau trong một cái bể bơi ở Thành Đô, hồ hởi chờ đợi làn sóng nhân tạo cuộn đến nơi, đẩy cả hàng người nhích lên cùng lúc. Một vũ điệu đẹp mắt nếu nhìn từ trên cao. Với hàng trăm chiếc phao và đồ bơi đủ màu sắc. Màu da người. Màu của những mái đầu đen. Chỉ không thể thấy màu nước. Bởi giữa hàng trăm con người đó là không một kẽ hở. Không một kẽ hở của không gian. Không một kẽ hở trong tâm trí. Không một kẽ hở cho sự sống.

Nhân loại này thật là khốn khổ, chúng ta vẫn xoay xở để có được một cuộc đời riêng
Nhìn hình ảnh đó, trong lòng ai cũng dội lên một cảm giác ngột ngạt có thể cầm nắm được. Những người quen sống sạch sẽ có thể còn rùng mình vì tưởng tượng ra lượng... nước tiểu thải ra từ hàng trăm con người vốn chẳng mấy ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Bộ phim ra mắt 2015. Hình ảnh ở bể bơi Trung Quốc được ghi lại xung quanh thời gian đó. Ai cũng có thể tặc lưỡi, ừ đó là đất nước đông dân nhất thế giới. Sự quá tải này sẽ không xảy ra với đất nước của chúng ta.

Cho đến khi chúng ta có những hình ảnh trông tương tự. Vào dịp lễ vừa qua. Và có lẽ vào mùa hè sắp tới. Sầm Sơn, Đồ Sơn, Bãi Cháy, Mỹ Khê, Nha Trang, Tam Đảo, Đại Lải, Hồ Núi Cốc, Tràng An Bái Đính... Người từ đâu đổ về hằng hà sa số. Chúng ta đã đợi quá lâu để được rời thành phố, ngồi trên những chiếc xe hơi cá nhân đang ngày một nhiều trên đất nước này, loa bật nhạc Sơn Tùng M-TP giết thời gian trên những con đường cao tốc liên tỉnh tắc nghẽn trong cái nắng tháng Tư.

Khi xe cập bến, thường là một vùng biển, ít hơn chút thì là vùng núi, chúng ta thở phào, mở Facebook ra cập nhật trạng thái “Tôi đang ở một nơi rất xa, nơi không có khói bụi thành phố” (lời bài hát của Soobin Hoàng Sơn, hồi trước thì là câu “Cuộc đời là những chuyến đi” nhưng giờ nó cũ rồi).

Đầy tự hào, như thể đã đi trốn thành công. Để rồi gặp lại chính những người từ chính thành phố đó cũng đến đây để đi trốn, như chúng ta. Giống như một cuộc tháo chạy tập thể khỏi cuộc sống thường nhật.

Cùng nhau, chúng ta thuê khách sạn hoặc homestay, rồi mua vé, thuê đồ, lên xe xuống thuyền,di chuyển theo những dòng người đã được hướng dẫn sẵn để thực hiện công cuộc tham quan, trải nghiệm du lịch. Leo hàng trăm hàng nghìn bậc thang dẫn vào những hang động mà ban quản lý không buồn mô tả về ý nghĩa lịch sử của chúng. Chúng ta thấy mình lọt thỏm trong hàng nghìn người trên bãi biển một chiều đầu hè. Phảng phất đâu đó là nỗi ám ảnh về “đại dương nước tiểu” nhưng thôi kệ, nhiều người muốn có mặt ở đây còn chẳng được.

Nếu không ra biển cũng không lên núi, chúng ta sẽ ở nhà dạo chơi giữa phố phường vắng vẻ và ca ngợi sự vắng vẻ này, cho đến khi cảm giác nhàm chán sắp bóp nghẹt tay chân, chúng ta lại đổ ra đường tiến đến các trung tâm thương mại đông nghịt, nơi có mọi thứ. Trẻ con có không gian để chạy nhảy chơi đùa, người lớn có thứ để ngắm nghía và mua sắm chút đỉnh. Cả hai đều không thiếu hàng quán để tiêu tiền. Cùng nhau tiêu để quên đi nhàm chán của rảnh rỗi.

Chúng ta nói rằng cần một kỳ nghỉ để giãn cách bản thân khỏi những áp lực cuộc sống nhưng khi lịch trình vừa kịp có kẽ hở thì lại vội vàng lấp đầy nó bằng đủ mọi hoạt động. Giống như lấp đầy một hồ bơi rộng lớn đến nỗi không thấy nổi màu nước.

Kỳ nghỉ này đánh dấu sự kết thúc của một mùa xuân (đã hết vài lần rồi nhưng lần này là hết hẳn, cũng không còn rét nàng Bân), và mở ra một mùa hè (cũng mở đến vài lần rồi nhưng lần này là mở hẳn). Năm ngoái, cũng ở thời điểm này, ta bồi hồi nghĩ vậy vào những ngày đi làm sau kỳ nghỉ. Năm kia, cũng vào thời điểm này, các trạng thái trên Facebook đều xoay quanh tâm trạng này. Rồi năm kìa nữa. Rồi năm sau nữa.

Một nhịp sống như vòng tròn xoay đi xoay lại. Đồng bộ đến khó tin. Và thật may chúng ta vẫn xoay xở để có được mỗi người một cuộc đời riêng.

Theo MILY / TIỀN PHONG