Ngay sau lễ nhậm chức, việc đầu tiên là tân bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đến thắp hương viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và hứa quyết tâm đưa thành phố khởi sắc. Người dân thành phố này chờ đợi ở ông làm một cuộc thay đổi lớn. Nhưng liệu điều đó có dễ dàng, khi ông nhậm chức trong một bối cảnh đầy áp lực, với một cơ đồ còn đầy rẫy những ngổn ngang?
Nếu như ngày đón ông Đinh La Thăng về làm bí thư thành ủy TP.HCM rạo rực bao nhiêu thì không khí hôm nay lại đa dạng cảm xúc hơn thế nữa.
Tân Bí thư có vực được một Sài Gòn ‘ngổn ngang trăm mối’? |
Chính vì những điều đó mà báo chí khi đưa tin ông Nguyễn Thiện Nhân về làm bí thư, đều có sự dè dặt, không hớn hở như trước. Họ ái ngại cũng bởi, chưa nói những cái gì lớn lao to tát, chỉ những cái giờ đã trở thành vấn nạn, là nỗi đau đầu cố hữu, là những thách thức cho bất cứ lãnh đạo nào, và giờ trở thành thách thức cho tân bí thư. Tất cả các thế hệ lãnh đạo đã không thể giải quyết nổi nạn kẹt xe, kẹt đường, ngập nước, khói bụi, ô nhiễm, kể cả an ninh trật tự cũng ngày càng tệ đi chứ không khá hơn lên.
Tuy nhiên trên các trang mạng thì tràn ngập lời bàn tán trái ngược. Nhiều, rất nhiều sự hồ hởi chào mừng. Họ kỳ vọng ông Nhân như một cứu tinh cho thành phố đang khắc khoải. Cũng không ít ý kiến dè dặt, cho rằng phải chờ đợi kết quả “xem sao”, bởi chưa có gì để khẳng định hay dở. Bên cạnh đó cũng không ít ý kiến trái ngược lại, không chịu… tin điều gì cả! Người ta không tin tân bí thư mới sẽ gánh vác nổi thành phố 10 triệu dân này.
Còn trong hiện tại, ai cũng biết ông Nguyễn Thiện Nhân về TP.HCM đảm nhiệm trong bối cảnh đầy áp lực. Trong khi đó, người ta cho rằng, ông Nhân gốc gác vẫn là một nhà sư phạm, nhà khoa học, bản tính hiền hậu, chứ ông không phải là nhà kỹ trị, tố chất mạnh mẽ quả quyết. Người ta cũng có đặt vấn đề ông Nhân thời làm Phó chủ tịch TP.HCM, rồi Phó thủ tướng kiêm cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng không có công trạng, thành tích hay giải pháp nào thể hiện là một chính khách. Kể cả thời ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, cũng có không ít lời kêu ca cho rằng không hiệu quả và thậm chí còn khiến cho lĩnh vực này lúng túng hơn. Đó là chưa kể, cả hai bí thư cũng có điểm giống nhau, đó là có những lời tuyên bố ấn tượng nhưng việc thực hiện không được như mong muốn, có cái không thực hiện được.
Sự đa chiều trong suy nghĩ là đương nhiên. Điều đó lại càng hợp lý và dễ nảy nở khi những điều chờ đợi lại không được như chờ đợi. Thế nhưng, vậy tại sao, người ta vẫn cứ có nhiều cung bậc cảm xúc khi đón nhận tân bí thư như vậy?
Có lẽ, yếu tố đầu tiên được nghĩ tới, đó là ông Nhân là một người con dân miền Nam.Chính trong buổi lễ nhậm chức, ông nói việc ông trở vể TP.HCM là “về nhà”. Người dân hy vọng ông hiểu người miền Nam, hiểu người Sài Gòn. Người Sài Gòn hiền lành, không nặng về chính trị, chỉ yêu chuyên môn và kinh doanh, kỹ nghệ. Nhưng người Sài Gòn lại rất quả quyết. Đã nói là làm, đã làm là làm cho có kết quả, chứ không dằng dai, nói ra để đấy.
Cũng có thể người ta chào đón ông, cũng bởi những năm tháng ông làm Phó Chủ tịch thành phố này, đã để lại một hình ảnh thân thiện trong lòng người Sài Gòn, là một trí thức, đôn hậu, hiền hòa (thực ra, một phần cũng do mảng phân công phụ trách. Ông Nhân lúc đó thiên về phụ trách khoa học, công nghệ, giáo dục, là những mảng ít va chạm với người dân như mảng đô thị).
Xem trong buổi lễ nhậm chức, tân bí thư không nói nhiều những lời cao siêu nữa, nhưng cũng đủ để thấy sự quyết tâm của ông. Đáng chú ý là trong lời phát biểu, ông có nhắc đến “dân”. Đó là một tư tưởng tiến bộ lớn của người lãnh đạo. Ông nói rằng cán bộ lãnh đạo thì phải biết sợ dân, phải biết lấy sự hài lòng của dân làm thước đo, đánh giá công việc của mình. Động tác đầu tiên sau nhậm chức là ông đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ cũng là để nhắc ông tâm niệm câu dặn dò của Người: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Nhưng có lẽ trên hết, trên bình diện tổng quan, có thể thấy, việc chào đón tân bí thư hôm nay, tận trong sâu xa tâm tư tình cảm người Sài Gòn, có lẽ là sự chờ mong một sự thay đổi cho vùng đất này. Sài Gòn, như đã nói, luôn đi trước trong cách nghĩ, cách làm, luôn khao khát sự đổi thay. Và người ta chờ đón chọn được một con người có đủ tố chất dẫn dắt. Trước đây người ta chào đón ông Đinh La Thăng một cách rạo rực cũng vì điều này. Nhưng vì sự chờ mong này đã không đáp ứng được, thì cứ mỗi khi có sự đổi thay là lại một lần chào đón và hy vọng. Sự hy vọng có khi cũng không có cơ sở gì, có khi chỉ là cảm xúc, tâm tư. Nhưng cũng có hy vọng rằng, có khi một người được đặt đúng vị trí sẽ phát huy được tất cả năng lực, tố chất của họ. Lâu nay họ không có ấn tượng gì chỉ vì trước đây họ chưa có môi trường hoặc cơ hội để thể hiện. Người ta hy vọng tân bí thư Sài Gòn sẽ như một Nguyễn Phúc Vĩnh San (vua Duy Tân), chỉ sau một ngày lên ngai, đã hoàn toàn đổi khác.
Nguồn: Đặng Vỹ/nhaquanly.vn