Thanh Hóa, dải đất miền Trung, miền đất thiêng của những thần tích, của nền văn hóa Đông Sơn, của thành lũy nhà Hồ, và của điệu hò Sông Mã… Tất cả đã làm nên một Thanh Hóa kỳ diệu.
Hào hùng văn hóa Đông Sơn
Dù Thanh Hóa không phải là nơi duy nhất có nền văn hóa Đông Sơn, nhưng cái tên “Đông Sơn” là được đặt theo địa phương nơi các dấu tích đầu tiên của nền văn minh này được phát hiện, gần sông Mã, Đông Sơn, Thanh Hóa. Chính vì vậy, nhắc đến văn hóa Đông Sơn, người ta không khỏi nghĩ đến Thanh Hóa.Thanh Hóa: Vùng đất hào hùng, độc nhất vô nhị |
Văn hóa Đông Sơn cho thấy sự cảm nhận tinh tế của các cư dân thời đó qua khả năng chạm khắc, tạo hình đặc sắc và một đời sống ca múa nhạc phong phú. Hình chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn có những hình người thổi kèn, các vũ công đầu đội mũ lông chim trĩ hay chim công, nhà sàn của cư dân vùng nhiệt đới Đông Nam Á, cùng với hình ảnh của các loài chim cổ mà ngày nay rất nhiều đã bị tuyệt chủng.
Đồ dùng Đông Sơn gồm có các loại thạp, có nắp hay không nắp, với những đồ án hoa văn trang trí phức tạp, những thổ hình lẵng hoa có chân đế và vành rộng, các loại gùi, vò, ấm, lọ, chậu. Đó là bằng chứng về một xã hội phức tạp trên cơ sở các đại gia đình, các dòng họ trong cộng đồng. Chính vì vậy, đặc trưng cơ bản của Văn hoá Đông Sơn là tính thống nhất trong đa dạng.
Đỉnh cao của văn hoá Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn mà ở đó, người Việt cổ đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Đồ đồng đúc có mặt trong toàn bộ đời sống vật chất tinh thần của người Đông Sơn. Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời này đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với bất cứ nền văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới. Trống đồng là loại di vật điển hình nhất của văn hóa Đông Sơn.
Trống đồng Đông Sơn (Ảnh: Internet) |
Thành nhà Hồ độc nhất vô nhị Việt Nam
Thành nhà Hồ hay còn gọi là thành Tây Đô hay thành An Tôn, là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á.Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Thành nhà Hồ (Ảnh: Internet) |
Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng Tiền – Hậu – Tả – Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.
Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa, còn ba cổng khác chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5 – 6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao, nơi nhà vua tế lễ.
Thành nhà Hồ (Ảnh: Internet) |
Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành nhà Hồ còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.
Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, thành nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng vẫn là một trang sử Việt.
Vùng đất thiêng với những truyền thuyết về Thần
Ngọn núi Thạch Bi ở Thanh Hóa không biết từ khi nào xuất hiện một chữ “Thần” bằng Hán tự, nét chữ mềm mại và tinh xảo, xung quanh cũng không có lối đi nào có thể tiếp cận được di tích này. Chữ “Thần” này cách mặt đất 20 m, rộng 3 m, cao 3,5 m. Bên cạnh chữ “Thần” còn có các chữ nhỏ khác nữa, nhưng vì nước chảy và rêu bám khiến chúng bị lu mờ, không còn có thể đọc được. Nước từ trên núi nhỏ xuống, chảy qua chữ “Thần”, trông như một dòng nước mắt vậy.Núi có chữ Thần (Ảnh: Internet) |
Theo một truyền thuyết thì khi vua Lý Thái Tông đưa quân xuống đánh Chiêm Thành ở phía Nam, đi ngang qua cửa biển Thần Phù thì gặp sóng to gió lớn khiến không thể tiến quân. May nhờ có một vị đạo sĩ cao cường giúp gió lặng sóng yên, đoàn quân mới có thể đi tiếp. Thắng trận trở về, nhà vua cho lập đền thờ tưởng nhớ vị đạo sĩ nọ. Đền thờ có tên là Áp Lãng chân nhân và nhà vua gọi tên nơi này là cửa biển Thần Phù, hay còn gọi là Thần Đầu.
Vùng đất Thanh Hóa còn gắn liền với câu chuyện về Từ Thức gặp tiên. Chuyện kể rằng Từ Thức vốn là người nhân hậu, đã hiệp nghĩa cởi áo gấm đền bù, cứu giúp một cô gái xinh đẹp vào ngày hội. Sau này chàng từ quan, vui thú thanh nhàn, đã đi lạc vào hang động tại cửa biển Thần Phù, rồi bất ngờ lọt vào chốn tiên cảnh. Tại đây, Từ Thức gặp lại nàng thiếu nữ Giáng Hương, chính là người chàng cứu thuở nào. Hai người nên duyên vợ chồng kể từ đó.
Động Từ Thức (Ảnh: Internet) |
Mênh mang điệu hò sông Mã
“Vắng cơm một bữa chẳng saoVắng em một bữa lao đao cả ngày
Vắng em chỉ một phiên đò
Trầu ǎn chẳng có chuyện đò thì không”
Các làn điệu Hò sông Mã được hát theo lối xướng – xô, câu kể của một người bắt cái (thường là người cầm lái) được luân phiên với câu đồng thanh phụ họa của các trai đò.
Các điệu hò được thể hiện theo suốt chặng đường đò đi. Khi con thuyền bơi ngược dòng nước, người ta thể hiện điệu Hò đò ngược, sau mỗi câu kể của người bắt cái như hiệu lệnh để cùng thống nhất động tác lấy đà, các trai đò vừa hùa nhau hát câu xô vừa chống sào đẩy thuyền tiến về phía trước. Khi con thuyền phải đối đầu với thác gềnh, các câu xướng – xô trong Hò vượt thác đều ngắn gọn, chắc nịch. Khi thuyền thong dong trôi theo dòng nước êm ả, người giữ tay lái cất giọng hò các làn điệu Hò xuôi dòng, bốn trai đò chia ra hai bên mạn thuyền thong thả chèo vừa hòa giọng xô vừa nhịp nhàng giậm chân lên mặt ván.
Trong đêm khuya thanh vắng. Khoảng nửa đêm đến sáng trong cảnh tĩnh lặng mênh mông, tiếng Hò khuya đưa khách vào giấc nồng. Lúc thuận buồm xuôi gió, thảnh thơi ngơi chèo, cũng là lúc trai đò tha hồ tâm tình ngẫu hứng. Cùng chia sẻ buồn vui với các chàng trai đò là những khúc hát của các nàng khách buôn trên thuyền và đôi khi cả các cô gái ở dọc bên bờ sông . Có khi chẳng biết mặt biết người trên bờ, nhưng mê tiếng hát, phục tài đối đáp đến nỗi thuyền phải cắm lại để hò với nhau vài ba câu.
Đặc sản Thanh Hóa
Nem chua, chả tôm, bánh cuốn, gỏi cá, mắm tép, bánh răng bừa, bánh gai hay đồ hải sản đều là những món ngon xếp vào hàng đặc sản mà người dân Thanh Hóa tự hào giới thiệu khắp chốn.Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối. Thịt nạc được chọn là loại thật nạc, ngon, tươi, không dính mỡ, không dính gân, trộn đều với bì luộc thái chỉ, gia vị. Không thể thiếu một chút ớt cho thêm đậm đà, tiêu để dậy mùi, một chút tỏi để khử trùng và một vài lá đinh lăng.
Chả tôm Thanh Hóa (Ảnh: Internet) |
Gỏi cá nhệch là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn của tỉnh Thanh. Món ăn khiến người ta nhớ đến cả một vùng xứ sở bởi gỏi nhệch ở đây mang nét vị riêng có. Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
Gỏi cá nhệch (Ảnh: Internet) |
Những đặc sản Thanh Hóa mang đậm phong vị quê hương là cả một sự khám phá đầy lôi cuốn đối với thực khách.
Sourse: Trí Thức Trẻ