Hãy nhân ái với kẻ thù của con, và hãy cầu nguyện cho những người ngược đãi con’.
Khi con không sẻ chia
Nhiều bậc làm cha làm mẹ ngày nay dồn sức và tiền của để đầu tư cho con cái học hành, bồi dưỡng những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn để mong con sau này học thành tài, kiếm nhiều tiền, sống sung sướng. Nhưng hình như họ đã bỏ quên một điều những mầm non bé nhỏ của mình vẫn rất cần nuôi dưỡng tình yêu, sự nhân ái và cả những rung cảm từ bên sâu tâm hồn.
Trẻ em thành thị thông minh hơn trẻ em nông thôn, nhưng chúng lại thiếu đi 'bản năng' biết chia sẻ, quan tâm đến người khác |
Bé Quang Minh (4 tuổi, Q.Phú Nhuận) trông rất bụ bẫm dễ thương. Cậu bé có lúm đồng tiền và nổi bật bởi làn da trắng hồng, ai nhìn cũng yêu. Nhiều người yêu nựng quá nên cậu bé lúc nào cũng có ý “phòng thủ”, thấy người lạ nhoài vô hỏi chuyện, ngay lập tức cậu khóc ré lên, xua xua tay ra ý không muốn tiếp cận gần. Chưa kể khi đòi chơi xe hơi, siêu nhân trong giờ ăn cơm nhưng không được đáp ứng, cậu bé liền giở trò nằm vạ và khóc la um sùm. Hết ba dỗ, mẹ vuốt, ông bà trong nhà ôm nựng, cậu bé vẫn cố gào khóc to hơn để ‘phủ đầu” tất cả mọi người. Và để giải quyết ổn thỏa, ba mẹ phải đáp ứng yêu cầu của cậu con trai cưng vô điều kiện. Lâu dần mọi thứ đến với cậu một cách rất tự nhiên, cậu không cần quá nhọc công để đòi được một thứ thành công. Trong suy nghĩ non nớt của một cậu bé lên 4 tuổi như Quang Minh, việc người lớn và ngay cả bạn bè đồng trang lứa có “nhiệm vụ” nhẫn nhịn và đáp ứng toàn diện mọi yêu cầu của cậu là điều tất yếu. Từ đây đã hình thành nên một tính cách khá “lỳ” ở bé, không biết nhường nhịn và sẽ chia với mọi người.
Với bé Quang Minh do được cưng từ nhỏ nên cậu bé đã bắt đầu “mọc’ lên những thói quen hành xử khá ích kỷ, lâu dần bé sẽ ít và không quan tâm đến người khác nhưng vẫn bắt mọi người phục tùng mình với tình yêu vô điều kiện. Hệ quả này không hề lạ lùng với nhiều em bé được sinh ra trong gia đình danh giá ngày nay, khi xung quanh bé có đủ vú nuôi, người giúp việc hầu hạ phục vụ mỗi ngày. Nếu không điều chỉnh và uốn nắn ngay từ hồi còn nhỏ, những thói quen lẫn suy nghĩ ích kỷ sẽ đi theo suốt cuộc đời con trẻ.
Yêu thương từ tâm hồn
Theo thạc sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, đây là phản ứng của lứa tuổi lên 3, lên 4 “ồn ào”, nếu các bậc cha mẹ cho con rơi tự do theo đúng bản năng của mình rất dễ xảy ra những bất ổn trong tiến trình phát triển tâm sinh lý con trẻ. Bao giờ cũng vậy, dù bận rộn đến mấy bạn vẫn nên tận dụng bất cứ những khoảng thời gian rảnh rỗi để chơi, trò chuyện, chia sẻ của con. Bằng cách này bạn dễ kiểm soát được sự phát triển mỗi ngày của con, từ đó uốn nắn cho trẻ hướng đến lòng yêu thương, nhân ái với con người và vạn vật xung quanh. Dĩ nhiên giống như bất kỳ sự rung cảm và tình yêu thương nào, lòng trắc ẩn len lỏi vào tâm hồn trẻ từ những điều rất giản dị.
Hãy bắt đầu từ những điều bé thích. Chẳng hạn một chú cún cưng, bạn có thể dạy bé tập chăm sóc, chơi đùa với chú chó nhỏ trong nhà. Thủ thỉ, trò chuyện, cho chó ăn… tất cả những tình cảm nhẹ nhàng yêu thương này sẽ giúp bé thay đổi dần thái độ ương bướng và hung dữ, tạo thành những thói quen tốt cho con yêu một cách rất tự nhiên. Cha mẹ luôn là những tấm gương sáng để con cái soi rọi vào đó học tập. Nếu bạn thường kể bé nghe những câu chuyện vượt khó trong học tập, chỉ con thấy hình ảnh những người bán dạo giãi nắng dầm mưa, những mảnh đời cơ cực, nó sẽ khắc đậm trong tâm trí trẻ và khơi gợi tình cảm yêu thương, xót xa và muốn giúp đỡ người cùng khổ. Những giá trị này luôn có sức mạnh ghi dấu trong trẻ. Với những đứa trẻ nhạy cảm, trẻ rất có thể sẽ rơi nước mắt, hoặc với trẻ có bản tính gan lì, nó vẫn có sức lay động đến tình cảm của con.
Không có gì tuyệt vời bằng những giá trị lớn lao có được thông qua sự hy sinh. Giá trị ấy có khi rất cụ thể nhưng có khi lại rất trừu tượng. Nếu bé còn nhỏ, những câu chuyện cổ tích thần kỳ hay các khúc hát dân ca chứa chan tình cảm thực sự là những hạt giống tâm hồn nuôi dưỡng cây non thêm xanh. Giai điệu nội dung của câu hát ru, lời kể chuyện ngấm vào trong trẻ, thổi đến những rung cảm hiền hòa, thân thiện đáng quý. Ngoài ra, việc cho trẻ tham gia những công việc xã hội như đi từ thiện, đóng góp ủng hộ bão lụt, chiến dịch thu gom sách vở, đồng phục cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn… chưa bao giờ là quá trễ để tự mỗi đứa trẻ thấm dần lòng trắc ẩn đáng quý.
Đừng để con thờ ơ
Thái độ thờ ơ, thiếu sự chia sẻ, quan tâm của người lớn có thể làm trẻ cảm thấy lạc lõng và nhụt chí. Lâu dần, bé sẽ trở nên lạnh lùng với mọi người, bàng quan với những vấn đề xung quanh. Để lòng trắc ẩn luôn là một đức tính đẹp đẽ trong con trẻ, bạn nên tập cho con những hành vi tốt sơ khởi như sự lễ phép, tính kiên trì, khiêm nhường… Lòng trắc ẩn luôn tồn tại trong mỗi con người, chỉ cần bé đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ, sự nhân ái sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nguồn: Linkhay