Ông bà ta từ xưa đã dạy con cháu câu “Tham thì thâm”, có rất nhiều câu chuyện về hậu quả của lòng tham. Nhưng thời buổi hiện đại các tư tưởng tà niệm ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông làm cho mọi người trở nên nghi ngờ về những chân lý cổ xưa của loài người. Ngay cả Phương Tây cũng có quan niệm lòng tham là động lực cho sự phát triển, giới trẻ ngày nay được nuôi dưỡng bởi TV, Game, Internet nên đã không còn tin tưởng những gì ông cha đã từng dạy. Người lớn có thể biết nhưng lại không đủ lý luận để có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ, vậy quy luật và chân lý ở đâu để chúng ta có thể giải thích cho họ hiểu. May thay người xưa đã ghi lại những chân lý này từ rất sớm, và những đều đó được ghi lại trong Quần Thư Trị Yếu của Đường Thái Tông hơn 1300 năm trước, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chân lý của nó.
Quần thư trị yếu 4: Tham lam tài lợi, chuốc hoạ vào thân |
Đây là bức thư mà Nhuế Lương Phu gửi cho Lệ Vương:
“Vinh Di Công ưa thích độc chiếm tài lợi, mà không biết sẽ tạo thành vấn đề xã hội nghiệm trọng. Tài lợi, là tư-nguyên trong vòng trời đất nơi vạn vật nương tựa sinh tồn. Mà phát sinh hiện tượng độc chiếm, tạo thành tư-nguyên không đồng đều đúng là chỗ hại thì có nhiều. Bởi vì tất cả mọi người đều cần dùng đến, làm sao có thể độc chiếm? Hiện tượng bất bình rất nhiều, mà không biết vấn đề xã hội đã tồn tại, tất nhiên dẫn tới dân tình oán giận, chẳng đi phòng bị tai nạn lớn, lại dùng tư tưởng như thế đến xúi dục quân vương, vương vị có thể nào lâu dài đây?”Tại sao sự tham lam tài lợi lại dẫn đến mọi người oán hận, vì tài nguyên vốn là do trời đất tạo thành, từ cây lúa, đất đai, khoáng sản... Nếu như chiếm lấy làm của riêng sẽ làm cho mọi người căm ghét, tích trữ lâu ngày trở thành thù hận. Nếu như bạn chiếm hết tài sản của gia đình, anh em sẽ trở nên bất nhẫn vì tài sản là của cha mẹ để lại. Nếu chủ quản chiếm hết lợi ích trong công ty, người công nhân sẽ trở nên chán ghét người chủ, vì thực sự chính người công nhân mới trực tiếp làm ra sản phẩm vật chất. Nếu lãnh đạo tìm cách đoạt hết tài lợi của quốc gia, người dân sẽ sinh ra oán hận vì đất nước là của toàn dân.Nếu một quốc gia tìm cách để chiếm đoạt tài nguyên của quốc gia khác, người dân nước đó cũng sẽ sinh thù hằn, có thể phát sinh những hành vi khủng bố, nổi loạn.
Con người ngày nay tìm đủ mọi cách để sở hữu vật chất, tìm đủ thủ đoạn để lấy tiền từ trong túi người khác, thậm chí là đi lừa đảo, dối trá. Nhưng khi họ chiếm được một phần lợi không chính đáng thì người bị chiếm lợi sẽ trở nên tức tối và ghi hận. Ví dụ bạn bị người bán hàng lừa tiền, bạn sẽ không còn thiện cảm với họ và thậm chí là muốn trả đũa họ, đó là quy luật của cuộc sống. Khi lòng tham tăng trưởng thì chướng ngại trong cuộc sống sẽ ngày càng tăng, người tốt xa rời bạn. Đời người vốn là tâm tìm tâm, người tham lam sẽ tìm gặp người tham lam, người gian dối sẽ gặp người gian dối. Còn người tốt khi thấy bạn là họ muốn tránh xa ngay lập tức vì nguy cơ bạn lừa họ rất cao.
Trong xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay, sự bất bình đẳng giàu nghèo càng gia tăng, người giàu ngày càng trở nên tham lam và keo kiệt, tham chiếm tài nguyên làm cho người giàu ngày càng giàu và người nghèo thì càng trở nên nghèo hơn. Ở một số quốc gia những người siêu giàu khống chế chính phủ của họ, biến đất nước và người dân thành cỗ máy chiến tranh hằng ngày đi cướp đoạt tài nguyên, phá hoại giết chóc nước khác, đều này làm cho con người oán hận và sinh ra các hành động khủng bố và nổi loạn. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều đế chế hùng mạnh đã sụp đổ trong lịch sử, La Mã, Mông Cổ, Ba Tư, Ottoman, Thực Dân Anh, Thực Dân Pháp... Tất cả họ đều có chung công thức là độc chiếm tài lợi, lấy vũ lực để đe dọa người khác, cuối cùng là chuốc họa diệt vong.
Trải qua hơn 2800 năm lịch sử, lời khuyên can của Duế Lương Phu vẫn còn nguyên giá trị, bởi vì đó chính là chân lý của cuộc sống. Lệ Vương đã phải trả giá cho hành động của mình, phải lưu vong và trở thành tội nhân của lịch sử. Các quốc gia ngày nay động loạn, khủng bố đều có những nguyên nhân của nó, đa phần là hậu quả của những cuộc chiến mà chính họ đã gây ra. Muốn được yên thân thì chúng ta phải hàng phục tâm tham lam của mình, tạo ra sự bình đẳng của xã hội. Khi Liên Hiệp Quốc hỏi làm sao để chấm dứt chiến tranh, hòa thượng Tịnh Không đã trả lời họ với tứ bình đẳng.
“Đảng chính trị bình đẳng với Đảng chính trị
Dân Tộc bình đẳng với Dân Tộc
Tôn Giáo bình đẳng với Tôn Giáo
Quốc Gia bình đẳng với Quốc Gia”
Làm được 4 đều này lòng người sẽ được an, từ đó sẽ không còn họa của chiến tranh.