Trong bối cảnh khủng hoảng trong khu vực leo thang, Qatar phải làm gì để đối phó với các mối uy hiếp từ bên ngoài khi tiềm lực quốc phòng yếu, phụ thuộc chủ yếu vào hợp tác quân sự với Mỹ?
Tiềm lực quân sự “mỏng”, phụ thuộc vào Mỹ
Nằm trong top đầu những quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trên thế giới, trong khi toàn bộ lãnh thổ chỉ bằng kích thước của bang Connecticut, Mỹ (gấp khoảng 3 lần Hà Nội), Qatar nổi tiếng là “thiên đường” trên mặt đất khi GDP bình quân đầu người đứng đầu thế giới vào năm 2016, ở mức 155.000 USD (khoảng 3,5 tỷ đồng) và chất lượng dịch vụ, cũng như chất lượng sống cao.
Tuy vậy, sức mạnh quân sự của quốc gia vùng Vịnh này rất yếu, chủ yếu phụ thuộc vào quan hệ hợp tác với Mỹ.
Khoảng 11.000 lính Mỹ tại căn cứ không quân Al-Udeid ở Qatar |
Không chỉ vậy, trang bị khí tài rất nghèo nàn với 92 xe tăng, 464 khẩu lựu pháo tự hành, 24 lựu pháo kéo xe, 12 hệ thống pháo phản lực phóng loạt, 21 hệ thống tên lửa đa nòng, cùng vài trăm xe bọc thép các loại.
Trang thiết bị dành cho không quân cũng ít ỏi không kém: Khoảng 98 máy bay đánh chặn, 9 máy bay tấn công, 15 máy bay vận tải, 53 máy bay huấn luyện, 28 trực thăng, 43 trực thăng tấn công. Trong số đó, Mirage-2000 do Pháp chế tạo vào những năm 1970 là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất.
Doha đặt mua 18 tiêm kích đa năng hiện đại Rafale của Pháp và 36 tiêm kích F-15E Strike Eagle của Mỹ, nhưng các chiến đấu cơ này vẫn chưa được chuyển giao.
Với các thống kê như trên, Qatar đứng thứ 90 trên tổng số 126 quốc gia trong bảng xếp hạng về năng lực quân sự tổng thể của Global Fire Power.
Tiềm lực quân sự yếu, nhưng kể từ khi Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani lên nắm quyền vào năm 1995, Qatar vẫn đạt được mức độ an ninh chưa từng có tiền lệ.
Bí quyết là vua Qatar đồng ý cho Mỹ thiết lập trung tâm quân sự đầu não ở ngoại ô thủ đô Doha, căn cứ không quân Al-Udeid – căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nơi đặt sở chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm và cơ sở hậu cần của quân đội Mỹ.
Cùng với Hiệp định quốc phòng ký vào năm 2013, căn cứ Al-Udeid trở thành “lá chắn” vững chắc cho Doha trước các mối đe dọa bên ngoài.
Làm gì giữa khủng hoảng?
Qatar đang ở trong giai đoạn khủng hoảng chưa từng có khi bị loạt quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao vào hôm 5/6 vừa qua.
Ngay sau đó, quân đội Qatar được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất. Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ trên CNN, Bộ Quốc phòng Qatar ngày 5/6 gửi cảnh báo chính phủ Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, sẽ bắn chìm bất kỳ tàu chiến nào của các nước này xâm nhập lãnh hải.
Tuy Mỹ khẳng định quan hệ đồng minh và cho biết, các hoạt động của Mỹ tại căn cứ Al-Udeid không bị gián đoạn vì khủng hoảng, Qatar vẫn phải dè chừng bởi suy cho cùng, Mỹ chính là nguyên nhân sâu xa khiến thế giới Ả Rập “quay lưng” với Doha.
Thậm chí, chuyên gia quân sự của Syria, Thiếu tướng về hưu Muhammed Abbas, còn dự đoán, đảo chính sẽ xảy ra ở Qatar và đó là chiêu thức của Mỹ để chi phối Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật cho phép triển khai binh lính tới căn cứ đồn trú của nước này tại Qatar, thể hiện sự ủng hộ với quốc gia vùng Vịnh giữa lúc bị cô lập, theo Middle East Eyes.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok tiết lộ, ít nhất 3.000 binh sĩ sẽ được triển khai tới Qatar. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ thành lập căn cứ quân sự tại Qatar vào năm 2014, theo thỏa thuận giữa hai nước.
Bên cạnh đó, dù bị “tẩy chay” một phần do mối quan hệ với Iran, với tình hình hiện tại, hợp tác với quốc gia này được đánh giá là giải pháp tình thế đối với Qatar.
Ông Foad Izadi, một nhà phân tích chính trị ở Tehran, nhận xét: “… Đây có thể là một cơ hội để Iran tạo dựng quan hệ tốt hơn với chính phủ Qatar bởi vì cả hai đều bị các nước láng giềng ở phía nam, phía đông và phía tây cô lập. Cửa còn lại duy nhất cho họ là ở phía bắc, ở đó có Iran”.
Theo Tienphong.vn/ Global Fire Power, CNN, Middle East Eyes