Thứ Ba

Trò chơi vương quyền của chế độ phong kiến Việt Nam

Vẫn thường nghe câu:

“Nhất nhập hầu môn thâm tự hải
Tối thị vô tình đế vương gia”

(cửa quyền quý thâm sâu như biển cả,
vô tình nhất chính là nhà đế vương) [1].

Sinh trong nhà vua chúa, chuyện sinh tồn đã là khó, còn nói gì đến tình nghĩa, nhất là trong những giai đoạn cơ cấu hành chính và quân sự của đất nước còn chưa vững, vua cha mất sớm, quyền thần lâm triều. Đứng trước ngai vàng, các hoàng tử cũng chỉ có mấy loại số mệnh: hoặc lên ngôi cửu ngũ, hoặc bị cách ly, giam lỏng, thậm chí bị giết. Bản chất của chế độ phong kiến cộng với tình huống đặc biệt đã đặt các hoàng tử vào thế khó: hoặc là chủ động xông vào cuộc tranh đoạt, hoặc là bị động trở thành cái đích để các quyền thần nhắm tới hòng tôn phò lên ngôi. Mà đã vào cuộc tranh đoạt ngôi cao, thì chỉ có ngươi sống ta chết, làm sao còn dừng được nữa?

Bài viết dưới đây được viết bởi anh Nguyễn Đỗ Thuyên. Anh sẽ đến với chúng ta bắt đầu từ thời nhà Đinh, để người yêu Sử Việt Nam hiểu rằng: “Trò chơi vương quyền” ấy vốn đã diễn ra từ đâu? Từ khi nào? Bao nhiêu tấm màn lịch sử đã không thể vén lên hết. Không phải chỉ ở “Tứ vương đoạt đích” mà chúng ta được đọc hôm qua. Không đơn giản chỉ là chuyện của các “Hoàng thái tử”, mà còn ở các điểm khác.

(Trong bài có sử dụng một số ý kiến của mấy người bạn của tác giả: anh Thanhlong Phạm, Ngô Du Trần, Phù Vân).

Trò chơi vương quyền là chuyện của Quyền thần – Chính Thứ và Dục Vọng.

Trò chơi vương quyền của chế độ phong kiến Việt Nam
1 - "QUYỀN THẦN THOÁN ĐOẠT" THỜI ĐINH

Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, có ba viên đại thần được ông giao cho đại quyền là Lê Hoàn (Thập đạo tướng quân, nắm quân quyền), Lưu Cơ (Đô hộ phủ sĩ sư, coi việc hình phạt) và Nguyễn Bặc (Định quốc công, là một tước vị, không phải chức vụ thực sự). Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, những người phò tá Đinh Toàn lên ngôi có 2 trong 3 người này (Lê Hoàn, Nguyễn Bặc) cộng với một hoàng thân là Đinh Điền. Và sau khi Lê Hoàn “tự xưng là Phó vương” [2], thể hiện rõ ý định soán đoạt, thì Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp dấy binh cần vương nhưng thất bại cực kỳ mau chóng (chỉ trong chưa đầy 2 tháng).

Lí do Nguyễn Bặc, Đinh Điền thất bại không nằm ngoài việc quyền thần Lê Hoàn nắm giữ quân quyền quá lớn. Lực lượng cựu thần trung với Đinh Tiên Hoàng, ngoại trừ Đinh Điền giữ chức Ngoại giáp, “trông coi quân đội ở bên ngoài” [3], thì cả Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp hay Trịnh Tú đều không thấy nhắc đến là có quân đội trực thuộc (Trịnh Tú thậm chí còn “chuyển nghề” sang làm ngoại giao!). Dã sử và sử liệu dân gian cũng chỉ nhắc đến quan tước của các ông một các rất chung chung.

Tại sao Lê Hoàn có được quyền lực lớn như vậy? Không phải vì nhà Đinh trao cho họ Lê quá nhiều quân quyền, mà là cái chết ĐỒNG THỜI của cả hai cha con Đinh Tiên Hoàng - Đinh Liễn đã tạo ra lỗ hổng quyền lực cho Lê Hoàn lợi dụng. Uy tín và địa vị của Đinh Tiên Hoàng là bất đảo. Ngày nào ông ta còn tại vị, dù cho Lê Hoàn có nắm “Thập đạo” đi chăng nữa, sẽ không tướng lĩnh nào dám phản bội vương triều, Lê Hoàn càng không dám. Mà Đinh Liễn cũng đã có được uy vọng và tước vị của riêng mình (“Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ”, sau là “Khai phủ nghi đồng tam ti Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương” [4]), hoàn toàn khống chế quân đội và chính quyền.

Dẫu sao đi nữa, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn mất đi, không còn ai đủ uy tín, tài năng và danh vọng để áp chế Lê Hoàn nữa. Lê Hoàn thống lĩnh quân đội, có Phạm Cự Lượng là vây cánh trung thành, sách động các tướng lĩnh cấp trung. Trong khi các đại thần khác không có quân quyền đủ mạnh để chống lại ông ta, thì Lê Hoàn lại còn có thêm sự hậu thuẫn về chính trị từ phía nội đình (Dương hậu), thắng bại nhanh chóng phân định.

Từ lúc Đinh Liễn giết Hạng Lang, một cuộc tranh đoạt hoàng thống đã biến thành một trận binh biến soán đoạt của QUYỀN THẦN.

//

+ Bài viết liên quan +
VÉN BỨC MÀN BÍ ẨN LÊ HOÀN – LÊ ĐẠI HÀNH
https://goo.gl/UvdDJF

//

2 - "VƯƠNG TỬ CHI TRANH" THỜI TIỀN LÊ

Hiểu rõ tầm quan trọng của quân quyền và sự nguy hiểm của QUYỀN THẦN, đến khi làm vua, Lê Hoàn nhất quyết nắm giữ quân quyền. Gần như tất cả các chiến dịch, ông ta đều thân chinh cầm quân. Vai trò quân sự của các quan lại chủ chốt như Tổng quản Từ Mục, thậm chí Thái úy Phạm Cự Lượng đều rất mờ nhạt. Phạm Cự Lượng tuy là Thái úy (đứng đầu triều đình về quân sự) nhưng lúc chết lại đang làm công việc là đi khai sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hòa!

Để tránh lặp lại bài học đắt giá của họ Đinh (bị giết người đứng đầu là mất hết), Lê Hoàn quyết định chia quyền cho các con (“lọt sàng xuống nia”, người này bị giết thì vẫn còn người khác, quyền lực vẫn là của họ Lê). Tuy nhiên, nắm chặt quân quyền không có nghĩa là tránh được chuyện tranh đoạt hoàng thống. Quân đội Tiền Lê nằm trong tay 12 vương tử. Vì vậy, không có QUYỀN THẦN SOÁN ĐOẠT nhưng lại có VƯƠNG TỬ CHI TRANH. Lê Ngân Tích chết, Lê Long Việt làm vua được 3 ngày rồi bị giết; Ngự Bắc vương Lê Long Cân, Trung Quốc vương Lê Long Kính khởi binh chống đối. Kết cục của họ lẫn của cả vương triều đều không tốt đẹp gì.

3 - BA ĐIỂM CHUNG TRONG CÁC CUỘC TRANH ĐOẠT HOÀNG THỐNG THỜI ĐINH-TIỀN LÊ

Một, luôn hiện hữu sự mất cân bằng quyền lực. Thời Đinh, quyền thần giữ thế lớn, thừa cơ soán đoạt. Thời Tiền Lê, vương tử nắm đại quyền, cát cứ tranh đoạt.

Hai, tính chính thống của người được chỉ định kế vị bị suy yếu (hoặc trưởng tử bị phế - Đinh Liễn, hoặc là không chỉ định rõ người kế vị như trường hợp Lê Đại Hành). Mất đi tính chính thống, bộ phận quan lại thường có xu hướng hoang mang không biết tôn phò ai.

Ba, thời điểm diễn ra thường nằm ở sau cái chết của vị vua lập quốc, vốn là lúc các cơ cấu phân bổ quyền lực chưa hoàn thiện, các cơ chế vận hành hành chính-quân sự chưa được trơn tru và chưa có đủ quán tính để duy trì ổn định.

4 – NHÀ LÝ ĐÃ RÚT KINH NGHIỆM NHƯ THẾ NÀO?

Ngay sau khi Lý Thái Tổ mất, thời Lý cũng xảy ra loạn Tam Vương. Nhưng vì sao cuộc “vương tử loạn” này lại không kéo đổ vương triều nhà Lý? Có ba lí do:

4.1 - TÍNH CHÍNH THỐNG

Lý Thái Tổ đã sáng suốt chọn trưởng tử Phật Mã nối ngôi. Tính chính thống khiến cho các thần tử như Lê Phụng Hiểu, Lý Nhân Nghĩa ra sức dốc lòng phục vụ, mà binh sĩ cấp thấp và các tướng lĩnh cấp trung cũng không phải lâm vào tình trạng hoang mang và dễ bị sách động như thời của Phạm Cự Lượng.

4.2 – HOÀN THIỆN CƠ CẤU QUYỀN LỰC TRUNG ƯƠNG

Trong thời gian cai trị của mình, Lý Thái Tổ đã tích cực xây dựng và hoàn thiện cơ cấu phân bổ quyền lực, cơ chế vận hành hành chính-quân sự. Thời gian trị vì của Lý Thái Tổ là gần 20 năm, đủ để cho ông làm việc này; trong khi thời gian trị vì của Đinh Tiên Hoàng chỉ là 11 năm, và của Lê Đại Hành là tuy hơn 20 năm nhưng vấn đề xây dựng và bổ sung chế độ là rất hạn chế.

Còn nhà Lý?

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM), các hoạt động thiết lập điển chương, chế độ, hoàn thiện bộ máy quản lý trung ương được Lý Thái Tổ chú trọng hơn rất nhiều so với Lê Đại Hành.

Bộ máy quản lý tiến bộ hơn gián tiếp hạn chế sự mất cân bằng quyền lực. Các vương tử như Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương… tuy có nắm binh quyền, nhưng các thần tử như Lý Nhân Nghĩa, Lê Phụng Hiểu cũng không kém. Có sự cân bằng quân quyền, có chính danh và sức hiệu triệu, Lý Phật Mã thắng lợi là điều dễ hiểu.

4.3 – QUYỀN LỰC ĐỊA PHƯƠNG XUẤT HIỆN

Khác biệt quan trọng ở Đinh và Lý là chỗ này: một bên lấy sức mạnh quân sự từ Hoa Lư chi phối cả nước: ai nắm quyền kiểm soát Hoa Lư, kẻ đó sẽ làm chủ đất nước. Còn bên kia cơ cấu quyền lực vương triều đã thay đổi hoàn toàn. Thủ đô được dời về Thăng Long, triều đình tổ chức theo lối chư hầu, mỗi địa phương đều có đại diện ở triều đình, quân đội lúc này là tập hợp của toàn bộ các địa phương trên cả nước, nên nhà vua phải nhận được sự ủng hộ của toàn bộ/phần lớn quan lại mới có thể tại vị.

Ví dụ: Lý Thường Kiệt, Đỗ Anh Vũ nắm toàn bộ quân đội, nhưng chuyện soán đoạt (hoặc âm mưu soán đoạt) vẫn không xảy ra.

(Hết phần 1)

© Nguyễn Đỗ Thuyên
(viết cho The X file of History)

© Ảnh: Lê Hoàn & Thái hậu Dương Vân Nga

Các chú thích & nguồn tham khảo:

[1]: Hai câu thơ này không rõ tác giả, nhưng lấy ý từ bài thơ của Thôi Giao:

Công tử vương tôn trục hậu trần,
Lục Châu thuỳ lệ trích la cân.
Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
Tòng thử Tiêu lang thị lộ nhân.

Mà sau này, Nguyễn Du cũng mượn ý thơ này trong truyện Kiều:

"Có điều chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu"

[2, 3, 4]: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.

Nguồn: #TheXfileofHistory