Trước khi người Pháp đưa điện tín, điện báo vào Việt Nam, việc truyền thông tin, công văn đều phải dùng đến sức người, sức ngựa là chính.
Sử sách chỉ ghi chép rõ ràng về việc truyền thông từ thời nhà Lý, năm 1043 khi vua Lý Thái Tông đặt ra các nhà trạm để chuyển công văn, giấy tờ trong nước. Đường cái quan được chia ra thành từng cung đoạn, mỗi đoạn đặt một nhà trạm (dịch trạm) để chuyển công văn. Nhà trạm cũng là nơi nghỉ chân, thay ngựa, thay phu của các quan chức được sai đi công việc.
Sách về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho biết, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, tướng Trần Nguyên Hãn đã sử dụng bồ câu vào việc chuyển thư tín. Tuy nhiên về sau, hình thức truyền tin này không được áp dụng chính thức.
Truyền thông thời phong kiến trước khi Pháp đưa điện tín, điện báo vào Việt nam |
Lính trạm ăn mặc như dân thường nhưng khi đi công vụ, họ đeo lục lạc đồng và khi trên đường đông người, họ lắc lên để dân biết mà tránh đường. Qua đò phà, phu trạm được ưu tiên đi trước. Nếu không cần gấp, phu sẽ đi bộ, còn nếu công văn khẩn thì cưỡi ngựa. Các công văn được đựng trong ống tre hoặc gỗ, có ghi số hiệu, mức độ khẩn, có niêm phong.
Đến thời Nguyễn, phu trạm được phát hỏa bài gỗ sơn trắng viền đỏ có khắc chữ tên huyện kèm hai chữ “hỏa bài”. Khi đi công vụ, họ đeo trên cổ báo hiệu đi gấp.
Với giấy tờ quan phê hai chữ hỏa tốc, phu trạm sẽ cầm các dấu hiệu như lá cờ, bó đuốc để làm hiệu cho mọi người tránh đường. Theo quy định, người dân nghe tiếng lục lạc ngựa trạm nếu không tránh đường, bị đụng phải gây thương tích thì lính trạm không bị phạt.
Thời nhà Nguyễn cả nước đặt 96 trạm dịch. Sử ghi năm Gia Long thứ 8, triểu đình “đặt thêm lính trạm từ Quảng Bình đến Bình Thuận, mỗi trạm trên 100 tên”. Từ Thừa Thiên đến Quảng Bình mỗi trạm có 80 người, từ Nghệ An đến Bắc thành đều 100 người. Mỗi trạm được cấp 3 con ngựa.
Đến giữa thế kỷ 19, tổng số trạm dịch tăng lên 133. Mỗi cung đường giữa 2 trạm cách nhau khoảng 20 km. Quãng đường từ Huế ra Hà Nội dài hơn 700 km nhưng phu trạm chỉ đi hết 8 ngày 8 đêm là đến nơi. Trong khi đó, khoảng cách từ Huế vào Gia Định (TP HCM ngày nay), nếu đi theo đường bộ hiện nay khoảng 950 km, còn đường thời xưa chưa chắc còn quanh co và dài hơn nữa. Vậy mà thời vua Gia Long, quy định tốc độ chạy trạm của quãng đường này phải là 15 ngày.
Triều đình đề ra quy định thưởng phạt đối với phu dịch trạm từ Gia Định ra Phú Xuân như sau: Đi 12 ngày là nhanh bậc nhất, 13 ngày là bậc nhì, 14 ngày là bậc ba, sẽ được hưởng các mức thưởng. Nếu đi hết 15 ngày thì không được thưởng; 16, 17, 18 ngày là chậm, phân biệt phạt roi; chậm đến 19 ngày thì bị xử tử.
Trước đây, hệ thống bưu chính cùng các dịch trạm của nhà Nguyễn thuộc về Bộ Lại, từ thời vua Minh Mạng mới đổi sang trực thuộc Bộ Binh, và lính trạm mới được cấp súng.
Đại Nam thực lục chép về thời vua Minh Mạng: “Vua cho rằng đất tỉnh Phú Yên, Bình Hòa (Khánh Hòa), Bình Thuận nhiều rừng núi, thường có thú dữ làm hại, ra lệnh cho sở tại xét trong địa hạt, có đường trạm nào nhiều thú dữ, thì cấp cho 5 khẩu súng điểu sang (điểu thương), máy Trung Quốc, kèm đủ 50 phát đạn. Nếu có công văn quan trọng thì lính trạm đeo 1-2 khẩu súng đi. Nếu gặp thú dữ, lính trạm phải bắn liền, hết đạn sẽ cho tiếp tục lĩnh”.
Vua Minh Mạng cũng đề ra quy định với ngành bưu chính: "Đặt ra bưu chính là để truyền đệ việc công. Điều cấm đã định, nhưng gần đây, các nha hoặc lạm sai lại dịch, ủy riêng thân quyến, người coi trạm thì hoặc có việc riêng đi vắng, đến khi có việc vội thì thúc giục chạy mau, hoặc việc công khẩn cấp mà bắt phu trạm chạy, còn thêm đánh đập. Lại có người giả mạo danh hiệu chức sắc, chẳng có bằng trái gì mà dọa nạt... nên truyền dụ nghiêm cấm”.
Dưới triều vua Minh Mạng, ở thành Thăng Long có hai trạm là Hà Trung (nay là phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm) và trạm Hà Mai (nay là phường Hoàng Mai, quận Hoàng Mai). Hà Trung là trạm đầu tiên chuyển công văn từ thành Thăng Long ra để chuyển đi các trấn (sau là tỉnh), nên rất tập nập. Cái ngõ bên cạnh phố Hà Trung ngày nay có tên là Ngõ Trạm là ghi dấu căn trạm dịch đó.
Đến thời Tự Đức bắt đầu xảy ra cuộc xâm lược của người Pháp. Khi đó, ngựa trạm phải chạy như mắc cửi báo tin chiến sự từ khắp 3 miền gửi về triều đình. Đến khi người Pháp áp đặt chế độ đô hộ, các phương thức truyền thông hiện đại của họ cũng được áp dụng, tuy nhiên hệ thống dịch trạm của triều đình nhà Nguyễn vẫn còn được sử dụng song song một thời gian dài sau đó.
Source: Lê Tiên Long/VNE