Thắp nén nhang tưởng nhớ tới những người lính của mình nằm lại trên mảnh đất này chắc chắn từ trong xa thẳm của cõi lòng, Ông lại nấc lên:" Các con ơi, bố đây, bố lại về với chúng mày đây, dậy đi để bố điểm mặt nào…"
Ông là một người lính già - như ông vẫn nói với chúng tôi - là một vị chỉ huy quả cảm của trung đoàn 101 trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc. 34 năm về trước, tại khu vực Chợ Sãi, An Tiêm, Nại Cửu…phía Đông Bắc thị xã Quảng Trị dưới sự chỉ huy của Ông, những gã lính trẻ chúng tôi xuất thân từ mọi tầng lớp và từ mọi miền quê khác nhau đã gồng mình trước mưa bom, bão đạn của B52, của đủ loại pháo bầy, pháo dàn từ hạm đội 7 Mỹ trong suốt Mùa hè đỏ lửa 1972, lớp này ngã xuống, lớp khác xông lên giành đi giật lại từng mảnh đất thiêng liêng của Thị xã-Thành cổ Quảng Trị. Cũng những ngày này cuối tháng 1 năm 1973 ấy, tại cao điểm 12 Nam Cửa Việt, khi xe tăng địch cùng lữ đoàn 147 thuỷ quân lục chiến của chúng đã thọc sâu vào khu vực chỉ huy sở trung đoàn, Ông đã cùng các chiến sĩ vệ binh, thông tin của mình và các cán bộ chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ với tiểu liên AK và lựu đạn trong tay xông lên cản phá quân thù quyết tâm giữ vững Cửa Việt dù phải hy sinh đến người cuối cùng quyết không để cho địch chiếm được cảng. Mùa xuân năm 1975, với cương vị tham mưu phó sư đoàn, Ông đã dẫn dắt chúng tôi ngược lên Trường Sơn đánh xuống Tây Thừa Thiên cắt ngang đường 1 tại Phú Lộc để tiến vào Huế cắm lên Phú Văn Lâu ngọn cờ giải phóng của trung đoàn 101 - đứa con của mảnh đất cố đô - lúc 13 giờ ngày 25/3/1975. Vượt đèo Hải Vân, Ông cùng chúng tôi tiến đánh bán đảo Sơn Trà, giải phóng Đà Nẵng ; băng qua duyên hải miền Trung công phá phòng tuyến Phan Rang-Tháp Chàm, sân bay Thành Sơn. Trong những ngày cuối tháng tư năm 1975 không thể nào quên ấy, dưới sự chỉ huy của Ông chúng tôi đã giành giật với địch từng căn nhà góc phố tại Long Thành - Thành Tuy Hạ để mở đường cho pháo tầm xa của ta vào Nhơn Trạch, đánh chiếm bến phà Cát Lái tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Các con ơi, bố đây, bố lại về với chúng mày đây, dậy đi để bố điểm mặt nào |
Tôi cũng là 1 người lính sinh viên, tôi ra trận với cặp kính cận 3 đi-ốp. Trong trận Chợ Sãi ngày 16/9/1972, c3 của tôi bị vây, tôi bị thương khi phá vây và lết về tới chốt của c6. Tại đây, lính C6 cho rằng tôi là thám báo ngụy vì “chỉ có lính địch ra trận mới đeo kính”, may mà đại đội trưởng của tôi bị thương nằm ở đó nhận ra. Sau khi ra viện trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, cho tới 1 hôm, đại đội trưởng gọi tôi lên đưa cho 1 đôi pin Con thỏ và nói rằng: từ tháng này trở đi tiêu chuẩn nhu yếu phẩm của đồng chí được thêm 1 đôi pin đèn, đây là lệnh của trung đoàn trưởng. Cầm đôi pin trong tay, tâm trạng tôi lúc ấy rất khó tả, thời đó chỉ có cán bộ trung đội trở lên mới có tiêu chuẩn pin đèn, mà tôi chỉ là 1 anh lính quèn mới được phong từ binh nhì lên binh nhất. Khoảng cách giữa người lính với vị chỉ huy trung đoàn xa lắm thế mà Ông biết đến 1 người lính trong số hàng nghìn lính của Ông mắt bị cận đã phải vất vả như thế nào trong đêm tối nhất là những đêm mưa dai dẳng làm nhoè nhoẹt mắt kính của mùa mưa Quảng Trị để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cái ơn đó theo tôi suốt cuộc đời cùng với ký ức của chiến tranh khốc liệt với những kỷ niệm không thể nào quên về những người đồng đội thân yêu.
Mới đầu năm ngoái thôi, sau lễ mừng Ông thượng thọ 80 tuổi, Ông còn gửi thư và quà cho mấy thằng lính C3 chúng tôi vì bận việc không về với Ông được:“…cho người lính già hỏi thăm và có chút quà tới con cháu những người lính trẻ …”.
Và tháng 5/2005 vừa qua trong dịp công tác qua Hải Phòng, tôi tới thăm Ông sau hơn 30 năm. Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp hầu chuyện Ông, tôi kể lại câu chuyện đôi pin năm nào, Ông không còn nhớ nữa. Với Ông bây giờ là lính của mình hoàn cảnh gia đình ra sao, kinh tế thế nào, đã được mấy cháu gọi bằng ông…Ông vui khi biết có những thằng lính của mình giờ đã trưởng thành, Ông buồn vì quân của Ông còn quá nhiều thằng vất vả vì miếng cơm manh áo... Nhắc đến những trận đánh ác liệt với bao người lính của mình ngã xuống, mắt Ông rưng rưng ngấn lệ. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, Ông đã 4,5 lần nhắc lại câu hỏi: “…ngày ấy chúng mày chết nhiều quá, có oán bố không? ”. Dường như câu hỏi đó day dứt trong lòng Ông như một món nợ của cả 1 thế hệ đã chiến đấu và hy sinh vì sự tồn vong của cả dân tộc. Và cũng chỉ có ở những người chỉ huy như Ông nghĩ tới những người lính của mình với tấm lòng phụ tử mới có thể thốt lên những nỗi đau như vậy. Tuy về nghỉ, nhưng Ông vẫn tập hợp tất cả những người lính cũ của trung đoàn ở mọi vùng quê khác nhau từ Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, ra đến Quảng Ninh … để động viên giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn của ngày hôm nay cũng như ngày xưa Ông dẫn dắt chúng tôi xông lên tiêu diệt quân thù.
Đầu tháng 9/2005, trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 101 Cao Vân (5/9/1945-5/9/2005), thiếu vắng Ông, lòng chúng tôi se lại khi biết Ông không còn khoẻ nữa…
Thế nhưng trong cuộc hành quân MỘT THỜI HOA LỬA trở lại với Thành cổ Quảng Trị cuối tháng 10/2005, lũ lính chúng tôi rất vui khi thấy Ông vẫn có mặt trong hàng quân như năm nào Ông đưa trung đoàn từ Trường Sơn hùng vĩ vượt Bến Hải, băng qua Cam Lộ về Đông Hà, Ái Tử, chọc thủng màn bom pháo của địch dăng trên dòng Thạch Hãn, tấn công địch phía Đông Bắc thị xã, chia lửa với đồng đội đang chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị. Trở lại mảnh đất nơi Ông đã cùng chúng tôi chiến đấu, rưng rưng thắp nén nhang tưởng nhớ tới những người lính của mình nằm lại trên mảnh đất này chắc chắn từ trong xa thẳm của cõi lòng, Ông lại nấc lên: các con ơi, bố đây, bố lại về với chúng mày đây, dậy đi để bố điểm mặt nào… Cho tới nay, sau hơn 33 năm mới lại có được 1 cuộc hành quân trở lại Quảng Trị lớn như vậy - đây là một cuộc hội ngộ của tâm linh - để thế hệ những người lính già còn sống hôm nay thăm lại mảnh đất đã thẫm đẫm bao máu xương và nước mắt của biết bao anh em đồng đội. Trong số những người lính của Ông ra đi ở lứa tuổi 20 ấy có Nguyễn Văn Thạc (chiến sĩ thông tin 2 Watt của tiểu đoàn 1) và Nguyễn Kỳ Sơn (chiến sĩ của đại đội 10, tiểu đoàn 3) - là những người đã để lại cho đời hôm nay những trang viết cháy bỏng của MỘT THỜI HOA LỬA.
Thế mà hôm nay Ông đã rời xa chúng tôi.Trên đường ra Hải Phòng để tiễn biệt Ông, xem lại bức ký hoạ Lê Duy Ứng vẽ ông trong căn hầm chỉ huy tại cao điểm 12 cuối tháng 1/1973: Ông đang chỉ huy tác chiến qua điện thoại, nét cương quyết của người chỉ huy hằn trên khuôn mặt vào thời khắc ngàn cân treo trên sợi tóc ấy nhưng dáng vẻ lại rất ung dung, tự tại với tư thế chân co chân duỗi như 1 lão nông chi điền sau khi cầy xong thửa ruộng khoan khoái với điếu cầy trên tay…
Lần này, Ông ra đi thực sự để trở lại những nơi ngày xưa ấy, nơi những người đồng đội, những người lính của Ông đang chờ đợi mà với tấm lòng nhân từ của mình Ông vẫn thường nhắc đến họ từ trong vô thức sâu thẳm của cõi lòng của một người lính già.
Cho tôi được dâng lên Ông bài viết nhỏ này như một nén tâm nhang để tưởng nhớ tới một người lính già, một người chỉ huy quả cảm, một người cha già nhân hậu của trung đoàn. Ông là Đại tá Bùi Đức Ngoan, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 101, sư đoàn 325 trong những năm 1972-1973 tại mặt trận cánh Đông Quảng Trị.
Hải Phòng - Hà Nội ngày mất của Ông - (20/1/2006 tức 21 tháng chạp Kỷ Dậu)
L.X.T - Cựu Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972
* Hồi ký chiến trường: Những Seri kể lại những câu chuyện thực của người lính