"…Chúng trói chị Sáu vào gốc bàng, hướng về nghĩa địa Hàng Dương. Chúng lấy khăn bịt mắt nhưng chị Sáu phản đối không cho bịt. Chị vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn hát bài “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên Đàng”… ".
Cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về anh hùng - liệt sĩ Võ Thị Sáu
Tại sự kiện “Những cuốn sách tri ân” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) vừa diễn ra tại Hà Nội, Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản CAND đã giới thiệu gần 100 cuốn sách về đề tài này.
Hình ảnh nữ anh hùng Võ Thị Sáu được tái hiện trên phim ảnh. Ca sĩ Thanh Thúy vào vai chị Võ Thị Sáu trong bộ phim "Người con gái đất đỏ", năm 1994. |
“Hiện nay trên mạng có những thông tin thất thiệt, không hiểu nguyên nhân vì sao lại xuyên tạc, bịa đặt Võ Thị Sáu là người không có thật. Chúng tôi rất buồn và phẫn nộ trước thông tin vu khống, bịa đặt này”, nhà văn Nguyễn Hồng Thái thể hiện sự bức xúc.
Theo nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Võ Thị Sáu- một nữ thanh niên xung phong, người con gái đất đỏ sinh năm 1933, hi sinh năm 1952. Trong cuốn sách “Thương binh, liệt sĩ Công an nhân dân” được xuất bản năm 2007 cũng có giới thiệu những tấm gương liệt sĩ, điển hình như nữ anh hùng - liệt sĩ Võ Thị Sáu- người con gái đất đỏ anh hùng.
“Cuốn sách ghi rõ ràng: Ngày 23/1/1952, Võ Thị Sáu hiên ngang trước họng súng của quân thù làm chúng phải run sợ, khiếp đảm, nhắm mắt bóp cò giết hại chị. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường trong lao tù ngày 2/8/1993, đồng chí Võ Thị Sáu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, nhà văn Nguyễn Hồng Thái chia sẻ thêm.
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng cung cấp thêm tư liệu về cuốn “Tình đất đỏ” của đại tá Lê Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM) để đấu tranh lại với những luận điệu sai trái.
Nhà văn cho biết: “Đại tá Lê Văn Thiện, năm 1960 hoạt động cách mạng bị bắt bị giam ở nhà tù Côn Đảo, bị giam với một người tù hình sự là Tám Vàng. Ông Tám Vàng là người chôn cất thi hài chị Võ Thị Sáu, là người chứng kiến buổi chị Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp bắn ở Hàng Dương. Ông Tám Vàng kể lại cho đại tá Lê Văn Thiện và đại tá có ghi rõ trong cuốn “Tình đất đỏ”: “… Khi bị đày ra Côn Đảo, giam chung phòng với một ông tên là Tám Vàng. Ông là tù thường án, cao tuổi nhất- 70 tuổi, đã ở tù hơn 40 năm. Được ông Tám Vàng tin tưởng, tôi lần lượt nghe ông kể về ngày xử bắn nữ anh hùng Võ Thị Sáu cùng những tác động sau đó mà ông được trực tiếp chứng kiến.
Sự kiện nữ anh hùng Võ Thị Sáu chiến đấu kiên cường bất khuất trước kẻ thù, gây xúc động cho nhiều người, nhiều tầng lớp, kể cả những người bên kia chiến tuyến và thực dân Pháp đều kính phục. Cho đến nay có hàng triệu lượt người đã đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu ở Hàng Dương, Côn Đảo. Đặc biệt gia đình các công chức, giám thị ở Côn Đảo phần lớn có thờ cô Sáu trong nhà mình…”
Trước thông tin thất thiệt về chị Võ Thị Sáu, nhà văn Đặng Vương Hưng cũng chia sẻ: “Có một số thông tin trái chiều về chị Võ Thị Sáu là điều rất đáng buồn. Tôi tin rằng, sự thật vẫn là sự thật, những thông tin sai lệch, nhằm bóp méo sẽ qua đi thôi, và người nào có những suy nghĩ như thế sẽ phải trả giá.”
Hé lộ những giây phút cuối đời của nữ anh hùng huyền thoại
Theo lời đại tá Lê Văn Thiện kể lại, trong thời gian bị giam cầm ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo, ông bị giam chung phòng với một tù nhân tên là Tám Vàng 70 tuổi, quê ở Trà Vinh, bị thực dân Pháp kết án chung thân, tù khổ sai, lưu đày biệt xứ. Dù gọi là tù thường án, nhưng ông Tám Vàng vốn là một tay lưu manh, anh chị có tiếng và đã ở tù hơn 40 năm ở Côn Đảo. Sau này được các chiến sĩ cách mạng giác ngộ nên ông Tám Vàng từng bước thay đổi nhận thức, chọn cách sống có ý nghĩa.
Nhìn cung cách, lối sống của bạn tù, ông Tám Vàng tin tưởng đem các sự kiện xảy ra trong ngày nữ anh hùng Võ Thị Sáu bị xử bắn (23/1/1952) kể lại cho ông Lê Văn Thiện.
Đây là đoạn ông Tám Vàng kể lại phút cuối cùng của chị Võ Thị Sáu trong cuốn “Tình đất đỏ”: “Khoảng 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, giữa mùa gió chướng, những cơn sóng giữ ào ào đập vào bờ, bầu trời u ám, có tiếng hô vang lên từ các trại giam vọng lại: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”. Tên chúa đảo và thuộc hạ hoảng hốt liền ra lệnh khóa chặt cửa các chuồng giam.
…Chúng trói chị Sáu vào gốc bàng, hướng về nghĩa địa Hàng Dương. Chúng lấy khăn bịt mắt nhưng chị Sáu phản đối không cho bịt. Chị vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn hát bài “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên Đàng”… Tên lính lê dương cách chị Sáu 15m, khi bắn chị không chết, vẫn hát, đôi mắt nhìn thẳng vào bọn lính bắn chị. Bọn lính run sợ không giám bắn tiếp. Tên chúa đảo chạy đến, hò hét bọn lính bắn tiếp…”
Cũng theo lời kể của nhân vật Tám Vàng, khi ông cởi dây trói cho chị Võ Thị Sáu thì mắt chị vẫn mở, cơ thể còn ấm nóng. Chính tay ông đã vuốt mắt cho chị. Và cũng vì nể phục chị Võ Thị Sáu nên thay vì lấp đất chôn xác, ông Tám Vàng đã bí mật tìm 4 tấm ván làm hòm dã chiến, chọn nơi an nghỉ cuối cùng và lập bia mộ bằng cột xi măng cho nữ chiến sĩ trinh sát Đội Công an xung phong Đất Đỏ - Võ Thị Sáu.
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho biết, có lẽ vì sự anh hùng, gan dạ, không khuất phục trước kẻ thù nên sau khi hi sinh, Võ Thị Sáu được nhiều người cho là "thần thánh" linh thiêng. Chính điều này đã khiến tất cả công chức, giám thị, binh lính của chế độ cũ cùng gia đình khi bị phân công ra đảo nhận nhiệm vụ hoặc sinh sống đều đến mộ thắp nhang cho "Cô Sáu". Thậm chí, trong gia đình họ còn thờ “Cô Sáu”…
Cuộc đời cách mạng cùng cái chết bất khuất ở tuổi đôi mươi của người con gái Đất Đỏ đã trở thành huyền thoại:
"Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hi sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát…"
(Trích từ bài thơ “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” - Phan Thị Thanh Nhàn)
Nguyễn Hằng/dantri.com.vn