5h sáng ngày 14/06/1970, ban chỉ huy của đơn vị còn lại đã thức hết. Chúng tôi phân công nhau tranh thủ xuống các hầm lán trại (bộ đội vẫn còn ngủ trừ bộ phận nuôi quân đang vùi đầu vào bếp) thấu hiểu được nỗi mệt nhọc và mất ngủ suốt mấy ngày qua của anh em. Trở về C bộ chúng tôi nuốt vội vài bát cơm mà anh nuôi đã thức nấu từ 4h sáng . Rồi cả 5 anh em trong ban chỉ huy quây quần tại lán hầm anh Lộc, uống nước trà. Lúc này hậu cần lâu lâu phân phối cho gói trà, to bằng bắp chân. Chỉ việc nấu nước sôi đổ vào bình tông và bỏ trà vào cái ca inox Mỹ (đồ chiến lợi phẩm) chụp ngược bình tông nước sôi lên chiếc ca, là đã có được ấm trà tuyệt hảo. Sau khi rót một loạt ra bát (lúc này chẳng có ly cốc gì) nếu thấy cạn chỉ nhắc nhẹ bình tông lên là nước lại ùng ục tuôn xuống ca, tiếp tục hòa tan trà cho những lần rót tiếp sau. Nhấp ngụm trà nóng, hưởng phút giây thanh bình hiếm hoi giữa chiến trường, tôi không thể ngờ rằng đây là lần cuối cùng tôi được ngồi cùng anh Lộc trong căn hầm này…
Khoảng 7h sáng, bỗng nghe tiếng “Ùng” từ hướng một con suối cách vị trí đóng quân độ 200m. Thời kỳ này đã bước sang đầu mùa mưa nên các dòng suối đã nhiều nước bộ đội ta thường ra đây tắm giặt. Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Không hiểu có chuyện gì xảy ra…
“Lại mấy chú nhóc nhà mình đi ném cá đây”: anh Lộc buột miệng. Tôi quơ đại khẩu súng ngắn choàng vào lưng: “Các anh ở nhà, tôi ra đó xem sao”.
Vậy là được đánh lớn rồi: “Cứ như là tiên đoán”, phen này có dịp trả thù cho anh Lộc và đồng đội đây… |
Thấy tôi xuất hiện, đc Tuých như vớ được “vị cứu tinh”, ngay lập tức trong bụi phóng ra và tỏ rỏ vẻ “anh hùng”, nhào đến đc Toản gây gổ, chân tay vung loạn xạ…Hai chú nhóc chẳng để ý gì đến “ trang thiết bị” đang “phơi” giữa thanh thiên bạch nhật, cứ lòng thà lòng thòng…
Tôi vừa buồn cười, vừa quạo, vội thét toáng lên “ra dáng người chỉ huy”:
- “Hai đồng chí có thôi ngay đi không! Mặc quần áo vào”.
Cảm nhận được âm thanh “rất uy lực”. Toản và Tuých lầm lì di tìm quần áo mặc. Tôi khoát tay 2 đc đến gần kéo ngồi xuống cạnh:
- “Sao? Có chuyện gì xảy ra?”
Đc Tuých xỉa xỉa: “Nó chọi bộc phá suýt nữa em chết”.
Đc Toản rống lại: “Em và nó đang tắm. Gặp mấy con cá to quẫy gần. Em lên bờ, lấy quả bộc phá đem theo. Bảo nó lên để em chọi cá. Nó đã không lên, còn hụp xuống, chổng đít lên mặt nước, bảo em ăn cái… của nó… Tức quá, em cho nó luôn một quả. Nhưng em thừa biết quả này chỉ có 200gr lại xa 4 - 5m làm sao nó chết được”.
Vừa tức vừa buồn cười, vừa mừng vì hai “thằng” không làm sao, tôi ân cần khuyên giải rồi dẫn 2 đc trở về đơn vị.
Đc Toản xạ thủ B41 trung đội 1
Đc Tuých xạ thủ B41 trung đội 3
Cả hai đều là người dân tộc, bổ sung đợt với đc Thành và tính khí giống hệt nhau. Bình thường đc Tuých ở trung đội 3, ỷ mình có sức khỏe chẳng biết sợ ai. Hôm nay gặp người “cao tay ấn” nên chịu “cụp vòi”. Các cụ xưa thường có câu: “Lấy độc trị độc” mà.
Các anh trong ban chỉ huy thống nhất chỉ mời 2 đc trung đội trưởng lên nhắc nhở, để có điều kiện giúp đỡ, kềm cặp Toản và Tuých (là 2 hạt nhân thực sự của 2 trung đội đấy).
11h, chuông điện thoại hữu tuyến của hầm ban chỉ huy reo vang. Anh Lộc vội đến nhấc máy. Tiểu đoàn thông báo: “Trận địa anh Đỉnh đang bị bao vây. Các mũi khác cũng đang nổ súng”.
Anh Lộc lệnh cho các trung đội gom hết quân số còn lại và dẫn đầu đoàn quân, theo sau là anh Thiệp. Anh dặn 3 người chúng tôi ở lại. Anh Ưng, anh Nhưng cứ quyết đi theo.
Vậy là đoàn quân súng đạn đầy đủ, hộc tốc ra hướng trận địa, súng đang nổ đì đùng.
Tôi ở nhà với bộ phận phía sau mà ruột gan cứ rối bời. Bước ra, bước vô… chui lên, chui xuống… tiếng súng xa xa nơi trận địa cứ rền vang lúc trầm…lúc bổng… lúc liên tục…lúc lại thưa thớt… Con tim tôi cứ thổn thức, nhịp nhàng cũng lên…cũng xuống như tiếng súng ngoài trận địa (những người anh, người em , người đồng đội không biết lúc này ra sao?).
Phải đến tận 6h tối mới có một vài cáng thương và liệt sĩ về tới đơn vị. Tôi vội ra đón và tiếng đồng hồ sau đã có hơn chục cáng . Người đầu tiên trong ban chỉ huy tôi gặp được là anh Ưng. Tôi vội hỏi dồn: “Các anh có sao không?”
Mắt tôi bỗng nhạt nhòa, đầu tôi choáng váng…: “Anh Lộc hy sinh rồi, anh Đỉnh bị thương nặng,.”… Thêm 15 phút nữa, cáng 2 anh về tới. Tôi vội vàng sắp xếp cho cáng anh Đỉnh và 4 thương binh chuyển ngay lên trạm cấp cứu trung đoàn. Mấy đc bị thương nhẹ được y tá băng bó, uống thuốc và ở lại đơn vị.
11 liệt sỹ chúng tôi sắp xếp và lại mang ra vị trí tối qua. “Đào đất, hạ huyệt”... Đc văn thư còn cẩn thận lấy từng lọ thuốc Peniciline viết trích ngang từng người bỏ theo từng mộ. Để sau này có dịp khai quật khỏi bị nhầm lẫn.
Cả đại đội làm lễ truy điệu cho 11đc hy sinh trong đó có anh Lộc. Người mà tôi đã coi như người anh ruột. Lúc hạ anh xuống huyệt để đồng đội thảy những leng đất lấp dần anh. Tim tôi quặn đau như muốn xé toang lồng ngực, nước mắt tôi thấm đẫm nơi anh nằm. Vừa thương anh, vừa cảm thấy mình giống như bị “côi cút, bơ vơ”. Cả đoàn quân cứ vây quanh mộ anh và những đồng đội vừa hy sinh khóc thương như không có gì đau đớn hơn thế, nước mắt của chúng tôi rơi như mưa xuống từng nấm đất nhỏ vừa chôn cất đồng đội. Lòng chúng tôi nghẹn ngào thầm hứa trả thù cho đồng đội .
Hình ảnh giống như trong bài thơ Viếng bạn của nhà thơ Hoàng Lộc :
“ Hôm qua còn theo anh.
Đi ra đường quốc lộ.
Hôm nay đã chặt cành.
Đắp cho người dưới mộ.
Đứa nào bắn anh đó.
Súng nào nhằm trúng anh.
Khôn thiêng xin chỉ mặt.
Gọi tên nó ra anh…
…..
Mai mốt bên cửa rừng.
Anh có nghe súng nổ.
Là chúng tôi đang cố.
Tiêu diệt kẻ thù chung.”
Đc Hoạt trung đội trưởng trung đội 2 nghẹn ngào kể lại:
- “Nếu không có đại đội trưởng Lộc dẫn quân đến kịp thời thì trung đội em và cả anh Đỉnh chắc đã nghẻo hết… 8h sáng, xe tăng địch mới nổ máy đi càn. Em và anh Đỉnh chỉ tập trung chú ý cho bộ đội phòng thủ hướng trước mặt. Lúc 9h, lực lượng 2 bên gặp nhau. Lần này tụi nó khôn lắm. Cứ ở cách xa vài trăm mét mà bắn lai rai. Tụi em chưa nổ súng vì chỉ tốn đạn. Mấy quả mìn định hướng và mìn Claymo cũng chưa được phát huy hiệu lực. Địch đã phát hiện được bãi mìn chống tăng của ta nên xe tăng chúng cứ thập thò ở xa. Bất ngờ, ở hướng cánh trái và hướng sau lưng trận địa chúng em quân địch xuất hiện. Anh Đỉnh nói với em giọng rất bình tĩnh: “Chúng ta bị địch bao vây rồi”. Thì ra trong lúc làm cho chúng em chú ý về phía trước, địch đã dùng một mũi cắt sâu về bên cánh trái, vòng lại quặp vào sau lưng đội hình phòng ngự của ta. Anh bèn giao cho em chỉ huy bộ đội phòng thủ phía trước. Và truyền lệnh ½ quân số quay lại, chiến đấu bảo vệ phía sau.
Bộ đội ta cơ động khỏi công sự do anh chỉ huy vượt lên chiếm lĩnh các gốc cây, ụ mối. Khi chỉ còn cách địch 30 – 40m là hàng loạt lựu đạn được tung lên vào đội hình địch cộng với những loạt AK đanh gọn diệt ngay những tốp lính đi đầu.
Bọn địch lùi lại và nằm ẹp xuống các gốc cây rừng, thi nhau xả đạn.
Hướng trận địa phía trước bọn địch hưng phấn và hí hửng vì đã kẹp được ta vào giữa. Lũ bộ binh “lóc nhóc” xông lên thực hiện chiến thuật: “Trước đánh vào, sau đánh tới”.
2 tiếng “Ầm ầm” mấy tốp lính dính mìn DH10 và Claymo banh xác. Chúng hoảng loạn không dám liều lĩnh rồi lùi lại từ xa vãi đạn. cả 2 mặt trận trước sau địch cũng không tiến thêm được một bước nào. Chúng thừa hiểu nếu tiến lên bằng bộ binh trong rừng cây thì chỉ làm mồi cho quân giải phóng. Bởi ưu thế của chúng là hỏa lực dày đặc, binh lực đông nhưng bị cây rừng che chắn thì làm sao chúng phát huy được. Bộ đội ta lại chiến đấu rất “lỳ”, đã nổ súng là xác giặc lăn nhào.
Địch quyết định dùng xe tăng đột kích để yểm trợ cho lũ bộ binh. Ngược lại bọn bộ binh cứ phải tiến trước để “vô hiệu” tầm đạn xuyên thép của những khẩu súng chống tăng của ta.. Lũ bộ binh địch vừa tiến trước vừa dò mìn để cho lũ xe tăng bò theo. Bộ đội ta lại thi nhau bắn tỉa hạ những tên địch liều mạng đem máy dò mìn, làm cho lũ xe tăng sợ vấp mìn cũng nằm ỳ tại chỗ.
Ở mặt trận phía sau địch đã tổ chức tấn công nhiều đợt nhưng vẫn chưa thể phá vỡ được trận địa . Lúc này anh Đỉnh sử dụng khẩu AK của đồng đội đã hy sinh bình tĩnh nhả từng loạt đạn vào tốp địch đang trườn tới. Nhiều tên địch rống lên rồi nằm im.
Một mảnh lựu đạn của địch làm gãy ống chân bên trái, anh mở cuốn băng cá nhân cột lại cầm máu và tiếp tục vừa nổ súng, vừa chỉ huy bộ đội tiêu diệt những tốp lính đang liều mạng xông đến
Lúc 13h, bỗng ở phía sau hàng loạt đạn bất ngờ găm vào lưng địch (đoàn quân chi viện do anh Lộc chỉ huy đã kịp đến) bọn địch hoảng hốt quay lại chống đỡ. Trận địa mịt mù khói lửa giữa ta và địch cứ đan xen. Biết không chịu nổi, địch phải mở đường máu cánh trái tháo chạy. Trong lúc điên cuồng, chúng tung đủ các loại đạn về hướng anh Lộc. Một viên đạn A R15 trúng đầu, anh Lộc ngã xuống.
Bọn địch ở phía sau liều chết thoát thân để lại nhiều xác chết và vũ khí cá nhân. Trận địa ta 2 bên gặp nhau như tiếp thêm sức mạnh hơn bất cứ lúc nào. Hướng trước mặt lũ bộ binh và xe tăng địch nhắm không kham nổi nên tiếng súng và tiếng xe tăng địch cũng xa dần: Địch đã rút lui”.
Ở trận địa C5 và C7, địch cũng chẳng tiến thêm được một bước rồi cũng lại lặng lẽ lui quân. Trận đánh phục kích ngày hôm đó, tiểu đoàn 2 (mà sau này là nòng cốt thành lập trung đoàn 207) đã chặn đứng 3 mũi tiến quân của địch. Tiêu diệt hon 40 tên địch, phía ta hy sinh trên 20 đc và gần 10 đc bị thương.
Đêm hôm đó, cả ban chỉ huy còn lại hầu như không ngủ. Nhớ lại hồi tối, sau khi mai táng anh Lộc và các chiến sỹ xong. Tôi như người “mất hồn”. Anh Thiệp cứ phải luôn miệng nhắc: “Kiên ơi! cái này… rồi Kiên ơi! Cái kia…” thau cơm của C Bộ bữa đó, như mọi lần thì sạch sẽ, bữa nay hầu như nguyên vẹn. Tôi chỉ nuốt được mấy miếng mà cảm thấy vị mặn chát của những giọt nước mắt chan chứa trong cơm.
Hình ảnh của anh Lộc và 10 chiến sỹ cứ hiện rõ trong tâm trí tôi. Cũng bằng giờ này đêm qua anh còn hăng hái xuống tận các lán trại trung đội, kiểm tra đôn đốc bộ đội để anh Đỉnh xuất kích. Rồi mới sáng nay còn cùng chúng tôi uống trà. Tôi còn nhớ như in câu nói của anh: “Chắc lại mấy chú nhóc đi chọi cá đây”. Vậy mà giờ đây thân xác anh đã vùi sâu trong lòng đất. Căn hầm mà từ trước đến giờ tôi vẫn được ngủ cạnh anh từ nay vĩnh viễn vắng anh rồi…! Người anh thân thiết ân cần luôn chia sẻ khó khăn trong lửa đạn, người chỉ huy dũng cảm tài ba… “Cả trung đoàn cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Nước mắt tôi lại chảy dài! Và lòng căm thù trào sôi!
“ …Khóc anh không nước mắt.
Mà lòng đau như cắt.
Gọi anh chửa thành lời.
Mà hàm răng nghiến chặt…” ( Viếng bạn-Hoàng Lộc )
Thấy tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác, hiểu rõ được tâm trạng của tôi, anh Thiệp lại đến bên vỗ về an ủi: “Thôi Kiên đừng quá đau lòng, em cứ khóc hoài làm sao anh Lộc và những đồng đội mình được yên lòng nơi chin suối”….
Tôi gạt nước mắt vội nắm lấy tay anh: “Hay là trận phục kích ngày mai mình đề nghị sử dụng hết binh hỏa lực của cả tiểu đoàn, của cả trung đoàn, của cả sư đoàn nện cho chúng một trận nghe anh. Em mà làm sư đoàn trưởng thì cái cụm xe tăng và mấy cụm pháo hướng lộ đỏ ngoài kia em đã cho “ thịt” tụi nó lâu rồi. Chứ đâu cứ để bộ đội mình chịu cái cảnh: Đánh nhỏ đánh lẻ, phục kích nhỏ lẻ. Tụi nó mới có cơ hội bao vây anh Đỉnh dẫn đến anh Lộc và 10 đc chiến sỹ hy sinh!”.
Anh Thiệp mỉm cười: “Trước sau gì cái chức đó sẽ là của em và còn có thể cao hơn nữa. Nhưng bây giờ em còn quá trẻ. Ở vị trí cái tuổi của em bây giờ toàn trung đoàn cũng chỉ có vài ba người thôi đấy”.... Bỗng chuông điện thoại nổ giòn. Đc thông tin hữu tuyến của tiểu đoàn tăng cường đến truyền đạt lệnh: “Tiểu đoàn mời đích danh anh Ưng, anh Thiệp lên họp gấp”.
Lúc này là 10h tối. Bộ phân nuôi quân cũng đang chuẩn bị những vắt cơm để cho cánh đêm nay đến phiên đi phục kích đánh địch ngày mai. Anh Ưng và anh Thiệp đi rồi, tôi chui xuống hầm và phán đoán: “Họp khẩn cấp” chắc là được đánh lớn đây… rồi thiếp đi…
1h sáng (phiên trực của đồng chí gác đêm) xuống hầm đánh thức tôi dậy. Anh Ưng và anh Thiệp đi họp cũng vừa về tới. Mắt vẫn còn cay xè vì mới thiếp đi được một chút. Tôi vội vã bậtdậy, tháo võng, nai nịt gọn gàng.
Cái đèn dầu le lói được anh Ưng thắp lên ngay trên nắp hầm của tôi và anh Lộc. (Lúc đó bộ đội ta thường cưa quả đạn M79 lép. Rồi lấy vỏ ống bút bic bằng nhôm dẫn tim đèn để thắp làm việc ban đêm trong hậu cứ). Anh Ưng thông báo họp ban chỉ huy và các trung đội trưởng khẩn cấp.
Tôi khoái quá. Vậy là được đánh lớn rồi: “Cứ như là tiên đoán”, phen này có dịp trả thù cho anh Lộc và đồng đội đây…
Khoảng 10 phút sau, 3 đc trung đội trưởng đã có mặt. Tôi và anh Nhưng cũng được mời tới. Lúc đầu là giọng nói của anh Thiệp rất nhỏ nhẹ và đầy vẻ khiêm tốn:
- “Đc Ưng được chỉ định thay thế đc Lộc làm đại đội trưởng. Tôi (anh Thiệp) được chỉ định làm chính trị viên thay đc Đỉnh. Đề nghị các đc giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Lẹt đẹt ít tiếng vỗ tay. Cũng chỉ có mấy người làm sao “rôm rả” như hội nghị bây giờ được? Và cũng chỉ là quyết định truyền miệng từ trung đoàn, tiểu đoàn, còn giấy tờ thì để sau. Trong chiến đấu thường là như vậy. Có khi bổ nhiệm chức vụ ngay chỉ trong tích tắc. Chủ yếu cho đơn vị có người chỉ huy không bị như “rắn mất đầu” và những đc được nhận phong chức thêm trách nhiệm nặng nề. Còn cuộc sống vẫn thế, vẫn là “đồng cam cộng khổ” cùng nhau, với những trận đánh ác liệt.
Xin giải thích thêm là: Lúc còn ngoài miền Bắc, chúng tôi được ăn đều chi 700gr gạo/ngày, bằng 21kg/tháng. Phụ cấp của chiến sỹ, hạ sỹ quan, lương sỹ quan cũng khác nhau. (Càng có cấp bậc, chức vụ cao hơn lương cũng càng cao). Chỉ mới tính lương chính:
- Chuẩn úy = 54 đồng (một chỉ vàng là 40 đồng)
- Thiếu úy = 65 đồng
- Trung úy = 75 đồng
- Thượng úy = 86 đồng
- Đại úy = 100 đồng v.v…
Vậy mà khi làm lễ “hạ sao” (nghĩa là chuyển từ Quân đội nhân dân Việt Nam thành Quân giải phóng miền Nam Việt Nam) thì chế độ cũng chuyển sang “cào bằng”. Tất cả bộ đội cùng no đói bên nhau.
Ở chiến trường, lương thực, quân trang đều chẳng có quy luật gì cả. Nhiều lúc đến kho gạo: “Tự giác” bộ đội ta được thoải mái lấy. Nhưng sức người có hạn, cõng làm sao được nhiều? thời gian lại dài, vậy là bộ đội ta đâu dám ăn no, phải để dành cho những ngày sau chứ! Quân trang, quần áo cũng vậy, quân nhu lo được thì cấp, không có thì thôi. Cũng chẳng ai đòi hỏi thắc mắc. VÌ vậy qua những trận đánh, nhiều cán bộ, chiến sỹ quần áo rách nát tả tơi…lòi cả đít, cả đùi, cả chân, cả bụng… Ôi! Nhìn thấy thật thương mà chẳng biết làm sao! Riêng “tiền lương” thì chỉ có 2 bậc duy nhất:
- Hạ sĩ quan và chiến sỹ là 300 đồng (tiền Sài Gòn) tương đương với 30 ria (tiền Campuchia)
- Sỹ quan là 500 đồng tương đương với 50 ria.
Với số tiền nêu trên chỉ mua được vài gói kẹo, gói trà, cục xà bông, cây kem đánh răng. Vậy mà tiền vẫn “xài không hết” vì chỉ có rừng và núi nên biết mua hàng ở đâu?...
Sau khi anh Thiệp nói xong tới anh Ưng có vẻ nghiêm nghị hơn:
“Đêm nay đơn vị dừng đi phục kích. Sáng mai cơm nước sớm và mỗi người có một vắt cơm. Đem theo tất cả mọi thứ. Đúng 5h30 hành quân di chuyển”.
Tôi liền “toáng lên”: Vậy là thế nào anh Ưng! Không được đánh nữa hả? Mấy bố cấp trên sao mà “nhát thế”. Cả 3 – 4 sư đoàn trong tay vậy mà nửa tháng nay cứ bắt đánh nhỏ,đánh lẻ. Phục kích nhỏ,lẻ. Bây giờ có dịp không nện cho tụi nó một trận, lại còn bắt hành quân dời vị trí. Bỏ anh Lộc và đồng đội nằm heo hút nơi này sao??? Cả anh Nhưng và 3 đc trung đội trưởng cũng “hậm hực” ủng hộ ý kiến tôi.
Anh Thiệp phải nghiêm nghị giải thích: “Tôi và đc Ưng cũng như các đc thôi. Ở cuộc họp tiểu đoàn mới nãy, không những chúng tôi và các đại đội 5 – 7 – 8 cũng đều lên tiếng. Nhưng cũng phải “chịu thua”. Đc chính trị viên tiểu đoàn giải thích rất cặn kẽ: Đây là ý định của quân ủy trung ương của bộ chỉ huy chiến dịch, chúng ta không được nôn nóng. Chúng ta phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh…”.
Mãi sau này chúng tôi mới hiểu được ý định tác chiến của trên. Lúc đầu mở trận càn, địch còn đang sung sức, vì có quân Mỹ trực tiếp tham chiến nên hỏa lực của chúng thật là hùng hậu. Nếu ta quyết định đối đầu ngay với chúng sẽ lọt đúng ý đồ chi viện hỏa lực tối đa, “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Ta cố ý cho các đơn vị chủ lực luồn lách, để kéo chúng rời xa biên giới, làm cho việc vận chuyển hậu cần của chúng gặp khó khăn, tinh thần của chúng uể oải. Chọn đúng địa điểm và thời cơ thích hợp, mà sau này chính là: “Chiến dịch tổng phản công” từ 20 – 30/06/1970 của cả 3 sư đoàn 5 + 7 + 9 và đoàn pháo 75 giáng cho chúng trận đòn thất điên bát đảo. Đập tan trận càn Đông Dương mà cả bọn quan thầy chúng hí hửng. Tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn sau này….
Còn nữa...
* Hồi ký chiến trường: Trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 207 'Phần 1'
* Hồi ký chiến trường: Phục kích đánh xe tăng địch 'Phần 2'