Tiểu đoàn 2 được lệnh hành quân rời vị trí. Sau 3 ngày chúng tôi đến điểm tập kết tại một khu rừng (gần Sa Lông – Cần Ché CPC). Mới dừng chân được ít tiếng đồng hồ, anh Ưng, anh Thiệp đã có lệnh đi họp. Lúc 2 anh trở về đơn vị, tôi “lấm lét” thăm dò. Thấy khuôn mặt 2 anh không buồn mà cũng không vui, “chịu” chẳng biết đường nào mà đoán cả.
Rồi vào cuộc họp chi ủy, chi bộ tụi tôi mới vỡ lẽ: cấp trên quyết định dùng tiểu đoàn 2 làm nòng cốt thành lâp trung đoàn mới để làm nhiêm vụ đặc biệt (. Đã có một tiểu đoàn của đơn vị bạn vào thế chân trong đội hình trung đoàn 141).
“Làm nhiệm vụ đặc biệt” thì cảm thấy vinh dự. Còn phải tách ra khỏi đơn vị, nơi đã có biết bao kỷ niệm gắn bó, thân thương thì làm sao vui được. Dẫu biết rằng đâu cũng là nhiệm vụ, đâu cũng là người lính, người chiến sỹ Giải phóng quân...Vậy rồi, một QUYẾT ĐỊNH từ quân ủy trung ương thành lâp trung đoàn chính quy mới “độc lập” đã được công bố.Công tác tổ chức cũng được nhanh chóng thông báo.
Đc Ba Trắc trung đoàn trưởng
Đc Phạm Dốc chính ủy
Đc Nông Ngọc Cận trung đoàn phó
Đc Tư Sen phó chính ủy.
Cùng 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cũng được hình thành.
Hồi ký chiến trường: Xé tan Nguỵ Lon Non lập chiến công chào mừng 2/9/1970 'Phần 4' |
Đại đội 6 ban chỉ huy giữ nguyên (vì vừa mới khuyết 2 người: anh Lộc, anh Đỉnh) chỉ điều 2 trung đội trưởng 2 + 3 làm cán bộ đại đội cho các đơn vị trực thuộc trung đoàn.
Sau khi đã hình thành cái xương sống (tất nhiên là phải có sự chi viện tối đa của cấp trên) quân số, trang bị vũ khí được bổ sung ngay. Ngày 2/7/1970, trung đoàn chính thức ra mắt và được mang tên TRUNG ĐOÀN 207
Lúc đầu là 3 cơ quan, 2 tiểu đoàn bộ binh 1 +2 và 9 đại đội trực thuộc sau một thời gian tiếp tục thành lập tiểu đoàn 3
Bộ đội được học tập, chỉnh huấn xác định rõ nhiệm vụ và kẻ thù của nhân dân 3 nước Đông Dương. Quân Mỹ vẫn là “trùm sỏ” đang trực tiếp điều khiển quân Ngụy Sài Gòn + quân Ngụy Lon Non hòng dập tắt cuộc cách mạng của nhân dân 2 nước Việt Nam – Căm Pu Chia
Chính phủ đoàn kết dân tộc Căm Pu Chia, mặt trận thống nhất Căm Pu Chia và quân giải phóng Căm Pu Chia đã được thành lập nhưng còn rất non trẻ. Để đối đầu với quân Mỹ, quân Ngụy Sài Gòn, quân Ngụy Lon Non lúc này chủ yếu vẫn là Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Do yêu cầu của bạn, Bộ chính trị và quân ủy trung ương thành lập quân khu C40 để giúp nhân dân CPC tiêu diệt kẻ thù chung, mở rộng vùng giải phóng làm bàn đạp cho quân đội và nhân dân 2 nước tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trung đoàn 207 được bàn giao trực thuộc quân khu C40 (Cũng phải nói thêm là: kể từ cuộc kháng chiến chống Mỹ về sau này, chúng ta đã có 2 lần đưa quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn. Đánh quân Ngụy Lon Non từ 1970 – 1975. Đánh quân Pôn Pốt từ 1979-1989).
Ngày 15/08/1970, chúng tôi được lệnh hành quân tiến sâu vào đất bạn. Đội hình hành quân cấp trung đoàn nhưng mỗi tiểu đoàn cách nhau một giờ và mỗi đại đội cách nhau 20 phút.
Tới ngày 18/08/1970, khoảng 9h sáng chúng tôi phải vượt qua một con suối rộng độ 30m nhưng rất sâu (chỉ có 1 chiếc xuồng nhỏ ưu tiên chở súng lớn và gạo) nên bộ đội ta phải tự lực.Tới ven suối anh Ưng ra lệnh dừng lại để chuẩn bị. Vậy là những kiến thức trong huấn luyện lúc này được đem ra áp dụng. Bộ đội ta trải tấm nylon che mưa xuống đất rồi cởi hết quần áo (chừa quần đùi) gói cùng ba lô (tất tần tật) chừa lại khẩu súng. Vậy là được chiếc phao, chỉ cần hạ xuống nước, đặt khẩu súng lên đẩy là qua sông, suối một cách dễ dàng (mà đồ đạc không bị ướt). Mấy chục chú lính tân binh mới bổ sung, mặt búng ra sữa, sợ mặc quần đùi ướt hành quân dễ bị “hắc lào” đùi có sẹo, xấu, sau này trở về khó kiếm vợ… bèn tuột hết cả quần áo gói vào bọc nylon. Bởi ở đây toàn “đực rựa” các “tướng” chả thấy “nhằm nhò gì”, mặt cứ tỉnh bơ.
Thật không may cho mấy tướng nhà ta. Còn đang “tồng ngà tồng ngồng” chưa kịp xuống nước… thì bất ngờ có một tốp nữ (chắc là của bộ phận hậu cần quân khu) cũng hành quân cùng chiều ở phía sau lướt tới. Mấy chục chú lính “hoảng hồn” phóng ào xuống nước. Chú nào chú nấy tìm cách thoát thân… Nhìn cái cảnh mấy chàng bộ đội “bì bà bì bõm” giành nhau vượt suối, nước suối trong vắt khó bề che dấu, các cô gái đều ôm mặt cười. Các chú lính trẻ bị một phen “nhớ đời”…
Sau 5 ngày đêm băng rừng lội suối, chúng tôi đã tới một phum (sóc) gần quốc lộ số 6, tất cả được lệnh dừng chân.
Thị xã KomPông Thơm nằm ngay trên quốc lộ số 6. Đườngsố 6 Bắt nguồn từ Xi Kun chạy qua Tăng Cốc, Ba Khom, Ba Rài, Kom Pông Thơ Mo, Tăng Cà Xăng. Qua Kom Pông THơm, chạy gần như song song với đường số 5 đến Xiêm Riệp, vào Bắc Tam Băng và gặp đường số 5 gần biên giới Thái Lan.
Đường số 5 chạy từ Phnom Pênh qua U Đông, Kom Pông Chi Năng, qua Pua Sát tới Bắc Tam Băng rồi gặp đường số 6 (con đường số 5 này khi đánh tụi Pôn Pốt lúc đã về sư đoàn 339 tôi và đc Thi cứ đi lại như cơm bữa nên cũng rất rành các ngóc ngách của con đường này).
Từ chỗ dừng chân ra đường số 6 rồi về thị xã Kom Pông Thơm. Hai bên đường dân cư đông đúc và những phum sóc thành cụm làng mạc mọc xen giữa cánh đồng lúa mênh mông bát ngát. Nhân dân Căm Pu Chia bao nhiêu năm được sống hòa bình dưới sự trị vì của quốc trưởng Nô rô dom Xi Ha Núc nền kinh tế tương đối phát đạt. Nhà cửa khang trang rộng rãi, vật dụng sinh hoạt chẳng thiếu thứ gì. Dân nông thôn đã có xe Honda 90. Nhiều gia đình ở thị xã có cả xe hơi bốn bánh. Con sông Kom Pông Thơ Mo chạy vắt ngang quốc lộ số 6. Là phân giới ngăn cách giữa vùng thành thị và nông thôn. Dưới sông cá nhiều vô kể. Cặp ven sông là những chiếc vó bè. Mỗi mẻ cất lên là vài ba ký cá đủ các cỡ.
Địch co cụm tới 8 tiểu đoàn quân Ngụy Lon Non ở các vùng lân cận dồn về. Dựa vào một mặt là sông 3 mặt là cánh đồng nước mệnh mông (lúc này là mùa mưa) thị xã Kom Pông Thơm chẳng khác gì một ốc đảo.
Sau mấy ngày trinh sát điều nghiên rất kỹ càng, quân khu sử dụng trung đoàn 207 và 2 tiểu đoàn đặc công tiến hành chiến thuật vây ép.
Tiểu đoàn 1 hướng Đông.
Tiểu đoàn 2 chính diện hướng Bắc
Một tiểu đoàn đặc công hướng Tây
Tiểu đoàn đặc công cơ giới hướng Nam (thời kỳ này quân khu mới được tăng cường tiểu đoàn đặc công, các chiến sỹ đều biết lái tất cả các loại xe tăng, và xe thiết giáp của địch để khi có chiến lợi phẩm là sử dụng được ngay).
Đêm 25/08/1970, từ các mũi, hướng bộ đội ta bí mật áp sát trận địa địch (lúc này nhân dân đã rời khỏi thị xã cách xa 4-5,km) địch lợi dụng những khoảng trống làm công sự phòng thủ. Chúng coi hướng tiểu đoàn 2 có cầu vượt sông là hướng chính nên bố trí hỏa lực ở đây rất dày đặc. Đội hình tiểu đoàn 2 gồm có:
Đại đội 5 cánh trái
Đại đội 6 cánh phải
Đại đội 7 dự bị.
Đại đội 8 (hỏa lực)nằm phía sau chi viện.
Đại đội 6 chúng tôi đã sử dụng hết binh hỏa lực với hơn trăm tay súng và 2 khẩu cối 61.
Trung đội 1 ở giữa
Trung đội 2 cánh trái
Trung đội 3 cánh phải
12h khuya chúng tôi đã áp sát bờ sông tiến hành đào công sự. Con sông chỉ rộng độ 150m nên nghe rất rõ những âm thanh và hoạt động của bọn lính gác đêm ở bên kia.
4h sáng, pháo cầu vồng của ta bắt đầu nhả đạn. Đầu tiên là cối 120 ly của quân khu tăng cường chỉ nghe tiếng ồng ộc đềpa từ phía sau, qua đầu là những tiếng hu hú và ầm ầm ngay trận địa đầu cầu bên kia của địch. Rồi tiếp tới cối 82 của trung đoàn, tiểu đoàn. 2 khẩu cối 61 của A hỏa lực C6 tụi tôi cũng “công cốc” đềpa. Trận địa phía đầu cầu bên kia của địch mịt mù khói lửa.
4h30 địch bắt đầu phản pháo, cối 106.7 và cối 81 gần trung tâm thị xã bắn ra. Đạn của địch nổ tứ tung xung quanh trận địa ta, quả gần quả xa, chập chà chập chõm. Xác định được trận địa pháo địch. Pháo của ta tăng tầm chuyển làn. Khoảng 30 phút sau tiếng pháo địch dần dần thưa bớt.
5h30 trận địa DKZ57, DKZ75 và 12 ly 8 bắt đầu khai hỏa, xác định được những lô cốt và ụ súng của địch bên kia sông, DKZ thổi tung nhiều lô cốt và ụ súng địch. B41 của đại đội 5, đại đội 6 cũng bắt đầu phát huy hiệu lực. Từ bên kia sông, khẩu 12 ly 7 của địch “cùng cùng” nhả đạn. Đc Toản xạ thủ B41 phụt ngay một quả trúng đích, ụ súng của địch bên kia sông bung lên một ánh chớp, khẩu 12 ly 7 của địch im bặt. Anh Ưng lệnh cho các trung đội: lúc này B40, RBD, AK chưa được nổ súng để bảo tồn vũ khí (ở tầm xa chỉ gãi ngứa cho địch).
8h sáng các loại cối của ta và địch hầu như im hẳn. Chỉ còn lại 2 trận địa cách nhau một con sông. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ùng oàng của các khẩu DKZ, B41 khi phát hiện được ụ súng địch.
Cả ngày hôm đó 26/08/1970, toàn bộ trận địa bên này sông của tiểu đoàn 2 và trận địa bên kia sông của địch vẫn chỉ nổ súng ở những hỏa lực tầm xa. Bên hướng tiểu đoàn 1 và hướng đặc công cũng vậy. Và cứ như thế liên tiếp qua đêm 26, ngày 27, qua đêm 27, ngày 28, hai bên vẫn cố gắng bảo toàn lực lượng. Ta rải quân vòng ngoài, địch cố thủ bên trong.
16h ngày 28/8/1970 ban chỉ huy tiểu đoàn được mời về sở chỉ huy trung đoàn họp khẩn cấp. 18h anh Thiệp, anh Ưng được gọi về ban chỉ huy tiểu đoàn. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định “Thắt chặt vòng vây”.
Hướng tiểu đoàn 2 được trên tăng cường 6 khẩu DKZ75, 6 khẩu 12 ly 8, 6 khẩu cối 82.
Hướng tiểu đoàn một 4 khẩu DKB.
12h khuya, cối 120, cối 82 bắt đầu nả đạn vào trận địa địch (không cấp tập như ngày đầu nổ súng mà như kiểu bắn “cầm canh”). Lúc đầu địch còn phản ứng bằng cối 106.7 + cối 81 ly đến 2h sáng thì chúng im bặt. DKZ75 + DK57 + 12 ly 8 được điều lên tiền duyên trận địa.
2h30 sáng, đại đội 5 và 6 được lệnh vượt sông cách vị trí cầu khoảng 1km.Đại đội 6 Chúng tôi được một A trinh sát của tiểu đoàn bám địch ở đoạn sông này.Sau khi A trinh sát bí mật vượt sông trước bảo vệ bến bãi an toàn 6 chiếc thuyền bằng cây thốt nốt được nhân dân CPC giúp đỡ. Mỗi thuyền chở được khoảng 3 – 4 người. Chúng tôi tổ chức từng trung đội bí mật vượt sông. Đến 4h30 sáng, cả 2 đại đội 5 + 6 đã ém dọc bờ sông bên kia mà bọn địch vẫn chưa hay biết. 5h sáng, cối 120, cối 82, cối 61 dồn dập bắn phá trận địa địch bên kia đầu cầu. Đại đội 7 dự bị được lệnh chuẩn bị xung phong. 6 chiếc xe nồi đồng (lốp cao su) có gắn trọng liên 12 ly 8 do quân khu tăng cường được điều lên trước trận địa. Với những tiếng gầm rú của động cơ xe kết hợp hỏa lực trên xe vậy là các loại súng ở bên kia của địch thi nhau vãi đạn lên mặt cầu. Phát hiện được những ụ súng của địch các loại hỏa lực bắn thẳng của ta thỏa sức khóa mõm và dập tắt ngay những hỏa điểm địch.
2 mũi của đại đội 5 + 6 từ mé sông chọc lên ngay sườn quân địch. Bị bất ngờ toàn bộ quân địch ở đầu cầu tháo chạy thục mạng về phía sau. Đại đội 7 dũng mãnh vượt qua cầu….
Bị mất trận địa đầu cầu địch lùi sâu khoảng 500m lập trận địa cố thủ. Tiểu đoàn 2 tiếp tục truy bám địch và lập thành tuyến vây ép số 2. Hướng tiểu đoàn 1 cũng băng qua cánh đồng trong đêm chiếm lĩnh và đẩy lùi địch co vào gần 700m. Hướng của đặc công bộ đội cũng chiếm được trận địa phòng tuyến bên ngoài. Như vậy trận tập kích bất ngờ rạng sáng 29/081970 ta đã chiếm được phòng tuyến thứ nhất của địch. Toàn trung đoàn hy sinh trên 30đc mà thiệt hại nặng nhất là tiểu đoàn 1 vì lúc vượt qua đồng trống bị lộ, hỏa lực lại mỏng
Chiến thuật vây ép của ta làm cho địch mỏi mệt và mất ăn mất ngủ. Cối 82 và 61 lâu lâu lại toong vào trận địa địch. 12 ly 8 thỉnh thoảng lại cùng cùng,toang toác. Đạn bắn tỉa lâu lâu lại bùm, chíu…Tạo nên một âm thanh rất “khủng bố” khiến quân địch mất ăn mất ngủ. Ban đêm địch sợ ta tập kích nên các loại súng của chúng cứ bắn loạn xạ chẳng có hiệu quả gì. Đêm 29 rồi cũng qua đi…
Tiếp ngày 30, qua ngày 1/9, lúc 10h sáng địch bắt đầu phản kích ra cả 4 hướng. Sau những loạt đạn và cối pháo là chúng la ó om sòm rồi xông ra như “ong vỡ tổ”. Địch bắn vào bất cứ chỗ nào, gầm nhà, góc phố, góc tường… Bộ đội ta cứ 2 người một công sự, phát hiện tốp địch thì tung lựu đạn diệt gọn, chúng phân tán thì bắn tỉa tiêu hao lính địch. Những loạt đạn AK của lính ta rất điệu nghệ, trăm phát trăm trúng, làm cho địch phải chùn bước không dám liều lĩnh. 16h chúng co đầu về vị trí phòng ngự chấm dứt một ngày phản kích điên cuồng.
20h ngày 1/9/1970, bộ đội ta được bổ sung đạn dược, đặc biệt được tăng cường nhiều lựu đạn mini (loại nhỏ dùng cho đặc công).
2h sáng ngày 2/9/1970 cả bốn hướng được lệnh tập kích tuyến phòng thủ số 2 của địch. Bộ đội ta lại bí mật áp sát trận địa địch. Hướng tiểu đoàn 2 bao gồm:
Đại đội 6 ở giữa chính diện, đại đội 5 cánh trái, đại đội 7 cánh phải.
Đại đội 8 hỏa lực + hỏa lực trung đoàn tăng cường nằm sau lưng bắn chi viện.
Đúng 4h sáng pháo các cỡ của ta lại ầm ầm nhả đạn. Những tiếng nổ long trời của cối 120ly, DKB, rồi đủ các cỡ từ 61 trở lên thi nhau khạc lửa. Trận địa “tưng bừng “ như đêm 30 Tết. Bọn địch dường như rất đỗi kinh hoàng.
Sau hơn 1h đồng hồ bọn địch thụt đầu dưới làn hỏa lực của ta.
5h30 sáng các mũi ào ạt xông lên. Phát hiện được xung lực của ta, 2 khẩu đại liên từ 2 góc nhà có bao cát làm công sự điên cuồng bắn ra. Cả đội hình đại đội 6 rạp xuống. 2 khẩu B40 của trung đội 1 đi đầu khai hỏa. 2 tiếng nổ đinh tai, 2 khẩu đại liên của địch câm họng. Anh Ưng dẫn trung đội 1 đánh thẳng vào trung tâm. Rồi tạt ra 2 bên. Nhiều hầm địch bị ăn lựu đạn, xác địch nằm co quắp trong hầm. Trung đội 2 và 3 cũng phát triển tiếp theo cùng tạt ra 2 hướng.
Hướng đại đội 5 + 7 cũng vượt qua tuyến phòng ngự đánh vào trung tâm.
Hướng tiểu đoàn 1 và các đơn vị đặc công cũng đánh chiếm xong vị trí phòng thủ số 2 của địch..
6h trời mờ sáng rất nhiều tốp địch từ trong nội ô kéo cờ trắng xin đầu hàng. Số ngoan cố lùi về tuyến phòng thủ số 3. Sáng hôm đó ngày 2/9/1970 hơn 1000 tù binh địch được đưa về tuyến sau. Anh Thiệp vặn chiếc đài chiến lợi phẩm thu được của địch. 8h sáng, giọng phát thanh viên vang lên hùng tráng: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa…mời các bạn nghe tin chiến thắng trên khắp chiến trường chào mừng ngày mùng 2/9 ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”... Trong lòng chúng tôi dâng lên niềm tự hào và lâng lâng một niềm vui khó tả tự nhủ rằng “Ngày thiêng liêng của tổ quốc TRUNG ĐOÀN 207 đã có một chiến công lừng lẫy nhưng lúc này chắc ngoài Hà Nội chưa nhận được tin”…
Địch tập trung co cụm về tuyến cuối cùng. Bán kính phòng thủ của chúng còn khoảng 1 km Ta được lệnh tiếp tục siết chặt vòng vây. Quân số của địch lớp chết, lớp bị thương, lớp đầu hàng đã gần phân nửa. Trung đoàn đã hy sinh hơn 70 (các đơn vị bạn thì không rõ).
Trận địa phòng tuyến cuối cùng giữa ta và địch rất gần nhau có chỗ chưa đầy 100m. Cứ 2 người một công sự (1 ngủ nghỉ, 1 thức canh chừng), có thời cơ là nổ súng. Bọn địch bị ta vây ép mất ăn mất ngủ làm cho tinh thần chúng ngày càng suy nhược…
14h ngày 2/9, máy bay vận tải quân sự địch thả dù tiếp tế. Chỉ ½ lọt vào trận địa địch, còn ½ rớt ra ngoài “tiếp viện cho ta”. Đủ những hàng đồ hộp Mỹ, đạn Mỹ. Chúng còn cho rất nhiều phi vụ máy bay ném bom xung quanh trận địa ta nhưng không gây thiệt hại vì 2 trận địa đã quá gần nhau.
18h tiểu đoàn 2 được lệnh rút đại đội 6 lui về phía sau “Nhận nhiệm vụ mới”. Đại đội 5 + 7 phải rải quân ra thế chỗ. Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo: để cứu nguy cho thị xã Kom Pông Thơm địch đã mở cuộc hành quân nhằm khai thông đường số 6. Ta mở chiến dịch mang tên “ Chen La 1” nhằm chặn đứng cuộc hành quân của địch….
18h, ngày 2/9/1970, C6 chúng tôi được lệnh rời khỏi trận địa “vây ép” tại thị xã Kom Pong Thom. Anh Ưng nhận được mệnh lệnh và cho liên lạc thông báo xuống các trung đội. Cũng phải chờ một trung đội của C5 và một trung đội của C7 vào vị trí thay thế. Chúng tôi bí mật bàn giao công sự và những mục tiêu quan trọng cho đơn vị bạn xong, mới lặng lẽ cho bộ đội lui về phía sau.
Được về phía sau mà trong lòng chúng tôi “tức anh ách”.
“Mấy bố cấp trên chơi kiểu gì…”. Gần đến giờ toàn thắng lại “đuổi” cánh tụi tôi ra. “Vậy còn có công bằng không?”. Bọn địch ở Kom Pong Thom đang sống dở, chết dở. Nếu cứ để cho đơn vị tôi tham gia vây ép, chúng tôi chắc chắn chẳng bao lâu nữa quân địch sẽ phải đầu hàng. Mà tại sao không phải là C5, C7 hay D1 mà lại nhằm vào đúng C6 tụi tôi? Vừa hành quân lui về phía sau, vừa “hậm hực” nghĩ vơ nghĩ vẩn… chẳng mấy chốc chúng tôi đã vượt qua cầu trở về đúng vị trí xuất phát ban đầu khi mở màn cho trận đánh vây ép Kom Pong Thom. Đồng chí Huy tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng tiểu đoàn và một lực lượng cối pháo, đã chờ sẵn. Một cuộc hội ý chớp nhoáng ngay bên vệ đường do đc Huy tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng tiểu đoàn truyền đạt: “Đại đội 6 và hỏa lực tiểu đoàn, trung đoàn, tăng cường hành quân khẩn cấp…”1 máy thông tin vô tuyến của trung đoàn được phái xuống để nhận các chỉ thị mệnh lênh trực tiếp từ trung đoàn.
Hơn 30 chiếc xe honda 90 kéo thùng, do hậu cần trung đoàn thỏa thuận với nhân dân CPC được điều đến và bộ đội thứ tự sắp xếp lên xe. Cứ bình quân 6 người 1 xe (cả ba lô, súng đạn) riêng bộ phận hỏa lực thì chỉ 4 người (còn phải chừa trọng tải cho súng). Hai xe đi đầu là trinh sát tiểu đoàn. Kế đến là trung đội 1, trung đội 2, trung đội 3, rồi bộ phận hỏa lực. Đoàn quân “dũng mãnh” ngược đường số 6 về hướng thị trấn Kom Pong Tho Mo.
Lần đầu tiên hành quân bằng “cơ giới thô sơ”, lại ngồi bệt trên chiếc thùng gỗ (chiếc thùng này là phương tiện của nhân dân CPC để chất chở hàng hóa , có thùng còn hôi cả mùi phân heo,phân bò) bây giờ được vận dụng chở lính ta, thế mới “oách” chứ, đậm chất “chiến tranh nhân dân”… Đoàn xe cứ vùn vụt lao đi, ánh đèn pha loang loáng của xe sau nhìn rõ xe trước. Những hình ảnh lính ta nhiều lúc nghiêng bên này…ngã bên kia…chúi đầu về trước…ngửa người về sau…trông thật ngộ nghĩnh và gợi nhớ da diết những ngày thơ ấu theo xe Trâu ra đồng.
Nhưng tóm lại là “ vẫn sướng và nhanh hơn nhiều so với hành quân bộ”.
Khoảng 12h đêm chúng tôi đã đến vị trí tập kết. Được trinh sát quân khu và trung đoàn đã nằm sẵn ở đây từ bao giờ bàn giao trận địa. Bộ đội ta được lệnh triển khai đào công sự. Lúc này từ cán bộ đến chiến sỹ đã được phổ biến quán triệt nhiệm vụ của mình nên không còn băn khoăn gì nữa. Chúng tôi có nhiệm vụ chốt chặn phòng ngự đầu cầu bên này. Không cho địch vượt qua cầu, nhằm chặn đứng cuộc hành quân “khai thông đường số 6” của bọn Lon Non và quân Ngụy Sài Gòn. Trên thông báo lực lượng chúng tôi chỉ là tạm thời, sẽ có bộ phận khác tăng cường, chi viện trong thời gian ngắn nhất.
Cuộc hành quân của địch bắt đầu từ Xicun, sau 4 ngày chúng đã chiếm được 4 thị trấn trên đường số 6 là Tăng Cốc, Ba Khom, Ba Rài và một nửa thị trấn Kom Pong Tho Mo mà chúng chưa hề gặp phải sức kháng cự nào của ta. Chắc chắn ngày thứ năm sẽ xua quân vượt cầu tiến về thị trấn Tăng Cà Xăng.
Thị trấn Kom Pong Tho mo nằm 2 bên bờ sông. Con sông Kom Pong Tho Mo chảy vắt ngang từ thượng nguồn xuống tận hạ lưu. Nó rộng khoảng 300m nhưng rất sâu và nước chảy siết. Cầu Kom Pong Tho Mo là huyết mạch nối liền đường số 6 chạy về Tăng Cà Xăng rồi đến thị xã Kom Pong Thom. Thời gian đầu lực lượng của ta còn mỏng nên cấp trên quyết định chọn đầu cầu bên này làm trận địa phòng thủ chặn bước tiến quân của địch (đã có phương án dùng thuốc nổ đánh sập cầu nhưng cấp trên không đồng ý). Giữ cầu sau này cho ta và bạn vận chuyển hàng hóa nữa chứ.
Được trinh sát bám địch và bảo vệ, bộ đội ta trong đêm đã nhanh chóng đào công sự. Lợi dụng địa hình, địa vật ven sông, các công sự, các ụ súng của ta được hình thành và ngụy trang rất kỹ.
Trung đội 1 chính diện
Trung đội 2 cánh trái
Trung đội 3 cánh phải
Phía sau là trận địa cối 82, cối 61. Hai khẩu ĐKZ 75 + hai 12 ly 8 + 2 ĐKZ57 cũng được bố trí ngay trước tiền duyên trận địa. Hầm của ban chỉ huy có anh Huy tiểu doàn phó gần ngay trận địa cối. Bộ phận nuôi quân nằm ở phía sau.
4h30 sáng, anh Huy, anh Ưng đã xuống trận địa của các trung đội, các điểm bố trí hỏa lực để kiểm tra. Mỗi người chúng tôi được 2 vắt cơm và một bình tông nước do bộ phận nuôi quân cung cấp.
5h30 bộ đội ta đã “cơm nước xong xuôi” (chừa lại một vắt cơm để trưa và chiều). Các họng súng của các chiến sỹ ta từ các công sự đã sẵn sàng nhả đạn.
6h trời đã sáng rõ.
7h sáng trôi qua.
Đúng 8h địch bắt đầu tấn công vượt cầu. Lính Lon Non đi trước, lính Sài Gòn theo sau. Mỗi thằng lính Lon Non đều đeo một chiếc bùa trên ngực. Chúng tin rằng, đeo bùa này thì đạn bắn không trúng mà trúng cũng không chết (Cam phơ lơn banh ót ngóp). Vì vậy chúng rất chủ quan và liều lĩnh. Tưởng dễ ăn như 4 ngày đã qua, chiếm được 4 vị trí như tiến quân vào chỗ không người (vì bộ đội ta chưa về kịp mà). Lúc này cũng thế, sau hồi kèn tây vang lên là chúng xông ào lên mặt cầu đông như kiến cỏ. Qua ống kính thu gần (ống nhòm) từ đài quan sát, những tên lính Lon Non đen thùi thũi, súng lăm lăm trên tay, vừa đi vừa la, vừa thét, mặt mũi đằng đằng sát khí.
Bộ đội ta được lệnh để chúng đến thật gần mới được nổ súng.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, những tốp địch đi đầu đã tới giữa cầu rồi tới 2/3 cầu. Địch chỉ còn cách trận địa ta hơn 100m.
Bất ngờ, các loại hỏa lực bắn thẳng của ta đồng loạt “gầm lên”. Đạn 12 ly 8, trung liên đan xéo mặt cầu, B40, B41 thi nhau bắn hạ những tốp lính dồn cục. AK điểm từng loạt vào những tên cố sống cố chết vượt cầu. Cối 61, cối 82 nã đạn vào đội hình phía sau bên kia đầu cầu. Chiếc cầu dài khoảng 300m mịt mù khói đạn.
Sau hơn nửa giờ đồng hồ, địch vẫn không thể vượt qua cầu, số chết nằm ngổn ngang mặt cầu, số rơi xuống sông, số sống sót quay đầu tháo lui và trận địa tạm ngưng tiếng súng. Nhưng chỉ khoảng 20 phút sau, trận địa của chúng tôi bị hàng trăm quả đạn pháo 105 ly bắn phá. Các công sự của bộ đội ta tung mù khói bụi. Tường của nhà dân xung quanh bị bắn vỡ tan từng mảng, đá gạch dội xuống ào ào.
Sau đợt bắn phá dữ dội của pháo binh địch. Tiếng pháo vừa dứt ở phía đầu cầu bên kia, tiếng kèn tây lại vang lên và quân địch lại liều lĩnh ồ ạt xông lên mặt cầu. Các loại súng của ta ở các công sự lại thi nhau nhả đạn và xác địch lại chất lớp thêm trên mặt cầu.
Ngày hôm đó bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi 2 trận tiến công của địch mặc dù chúng tổ chức rất quy mô và có lực lượng đông hơn hẳn .
Màn đêm buông xuống, trận địa 2 bên đã im hẳn tiếng súng. Bộ phận trinh sát tiểu đoàn bí mật bám lên mặt cầu. Ở đầu cầu bên này hơn chục xác địch nằm chết chỏng queo. Ta thu 17 súng các loại. Ở gần giữa cầu và phía bên kia, rất nhiều vũng máu của địch, lênh láng trên mặt cầu. Địch đã lôi xác đồng bọn rút về phía bên kia đầu cầu cố thủ.
10h sáng ngày hôm sau, pháo binh địch bắt đầu bắn phá, hàng trăm quả đạn 105, 155 phủ trùm xuống trận địa ta. Mảnh đạn bay vèo vèo, gạch đá bắn tung tóe. Bên kia đầu cầu 4 khẩu DKZ của địch cũng bắt đầu khai hỏa, 5 - 6 khẩu 12ly7 của địch đã “cùng cùng” vãi đạn. Thì ra địch đã điều hỏa lực bắn thẳng lên trước trận địa để chi viện cho lũ bộ binh.
Tiếng pháo địch vừa dứt, lũ bộ binh bắt đầu tấn công vượt cầu. Hôm nay bọn địch thận trọng hơn và không dám liều lĩnh (bởi những chiếc bùa đeo trên ngực chúng đã không có linh nghiệm). Bọn địch vừa đi lom khom, vừa bò từng tốp nhỏ sát rạt trên mặt cầu. Phía sau, 2 bên mé đầu cầu, trận địa DKZ và 12ly7 của chúng vẫn ầm ầm nhả đạn bắn chi viện. Nhiều thành công sự của ta bị DK địch thổi bay. Đạn 12 ly 7 vẫn “bốp chát, phầm phập” quanh các công sự, ụ súng của ta. Phát hiện được hỏa điểm của địch bên kia đầu cầu.DKZ75+ DKZ57 và B41 của ta bắt đầu khai hỏa. Nhiều cụm khói bung lên ở phía đầu cầu bên kia. Tiếng DKZ và 12ly7 của địch dần dần im bặt. Địch đã tiến gần phân nửa cầu, bên phía trận địa ta súng bộ binh vẫn còn nằm êm chờ cho quân địch đến gần hơn nũa.
Khoảng 11h trưa địch đã đến rất gần. Bất ngờ 12ly8 và trung liên của ta hạ nòng rà sát mặt cầu. cối 61 + cối 82 được lệnh nhả đạn. Các xạ thủ AK điêu luyện hợp đồng hạ những tên địch vào đúng tầm đạn. Hơn 12h trưa, bọn địch sống sót trên mặt cầu lôi xác đồng bọn rút lui. Chấm dứt đợt tấn công mà chúng cho rằng: “Đã tinh khôn” hơn.
Ngay đêm đó bộ đội ta tiếp tục củng cố công sự và được hậu cần trung đoàn chi viện, bổ sung đạn dược. Đ/C chính ủy và trung đoàn trưởng gửi công điện khẩn cấp cho anh Huy và chúng tôi. Cấp trên chỉ thị: “ Cán bộ chiến sỹ trung đoàn 207 tiếp tục chốt giữ cầu” quân chi viện vẫn chưa về kịp. Vậy là những ngày tới sẽ rất gay go đối với 207 chúng tôi!
9h sáng ngày thứ 3, trận địa ta lại phải chịu những đợt bắn phá rất dữ dội của pháo binh địch.
9h45 vừa ngớt tiếng pháo thì đã nghe rất rõ tiếng động cơ và tiếng xích sắt của xe thiết giáp và xe tăng địch. Qua ống kính thu gần của đài quan sát. Một đoàn xe thiết giáp và xe tăng đã lấp ló bên kia đầu cầu. Địch quyết định dùng thiết giáp đột kích vượt cầu (cầu vừa nhỏ, trọng tải lại yếu) nên lũ xe tăng không dám bò qua.
Gần 10 chiếc M113 được vượt lên trước, theo sau là lũ bộ binh. Mỗi xe cách nhau độ 50m. Chiếc đi đầu mới tới giữa cầu thì đã ăn gọn mấy quả DKZ75+ DKZ57 và B41. Chiếc xe ngùn ngụt bốc cháy rồi tiếp theo chiếc xe thứ 2 cũng chung số phận. Các loại đạn nhọn bắn thẳng của ta cứ đan xéo ràn rạt trên mặt cầu. Lũ bộ binh hoảng hồn quay đầu tháo lui để lại 2 chiếc M113 trên cầu nghi ngút khói. Đoàn xe phía sau quay đầu tháo chạy và pháo cối địch sau lưng lại cấp tập bắn vào trận địa ta.
Cả ngày hôm đó địch cố thủ bên kia đầu cầu. Màn đêm lại buông xuống. Trinh sát bám lên 2 chiếc xe bị cháy (chỉ còn 2 khối thép nằm chình ình, bên trong xe đều đã ra tro). Đêm hôm đó bộ đội ta vẫn phải căng mắt canh phòng cả trên mặt cầu và dưới sông (đề phòng địch vượt sông ban đêm) nhưng điều đó đã không xảy ra vì bọn địch rất nhát về đêm.
8h sáng ngày thứ tư, hai chiếc máy bay phản lực cánh bằng A37 bất ngờ nhào tới ném bom vào trận địa chúng tôi, trận địa bên này đầu cầu mịt mù khói lửa, nhiều nhà dân gần đó bị sập đổ, nhiều công sự của bộ đội ta trúng bom địch. Ngay sau khi dứt tiêng bom, bạn chỉ huy đã ra lệnh cho bộ đội sửa sang ngay lại hầm hố và tiếp tục chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.
Đài quan sát của ta báo về địch vẫn còn “thụt ló” bên kia đầu cầu để chuẩn bị cho các đợt tấn công vượt cầu. Anh Huy và chúng tôi chưa thể xác định được kế hoạch mới của địch, chỉ ra lệnh cho các ụ súng của ta sẵn sàng nhả đạn và yêu cầu đài quan sát theo dõi thật kỹ những diễn biến của địch bên kia đầu cầu. Mãi tới 2h chiều, bộ phận nuôi quân (bỏ cả xoong nồi) hớt hải chạy đến hầm chỉ huy báo cáo: “Bọn địch bất ngờ xuất hiện sau lưng ta chỉ còn cách độ 500m”. Chúng tôi mới hiểu ý đồ của địch. Thì ra trong lúc nghi binh để ta chú ý về phía cầu, chúng đã dùng một mũi bí mật vượt sông cách dưới hạ lưu khoảng 3km quặp vào sau lưng trận địa ta (vì có nhà dân đan xen nên ta không phát hiện được).
Ban chỉ huy ra lệnh bộ đội nhanh chóng rút quân theo hướng thượng nguồn. Đi đầu là bộ phận cối pháo, tiếp đến là trung đội 3, trung đội 1, rồi trung đội 2, bộ phận trinh sát tiểu đoàn rút sau cùng, và chỉ không đầy 10 phút toàn đơn vị đã thoát ra khỏi vòng vây chưa kịp khép kín của địch. Chúng tôi chỉ đem theo được súng đạn và thương binh. Còn lại ba lô, xoong nồi, gạo, thực phẩm, toàn bộ liệt sĩ hy sinh trong trận bom hồi sáng cũng đành phải để lại.
Vậy là sau 4 ngày phòng ngự chốt giữ cầu, chúng tôi những cán bộ chiến sỹ trung đoàn 207 đã phải chiến đấu với lực lượng địch đồng gấp nhiều lần, có máy bay, thiết giáp và pháo binh yểm trợ. Tiêu diệt và làm bị thương ước tính trên 200 tên địch. Ta hy sinh 13, bị thương 19 giữ được trận địa 4 ngày, vượt chỉ tiêu 2 ngày. Được quân khu và mặt trận khen ngợi. Nhiều cá nhân được đề nghị tặng thưởng huân chương chiến công…
còn nữa...