Trên xe tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm HTX Vân Xuân, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú cuối vụ gặt 1988, Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ xúi: “Cậu hỏi giùm Tổng Bí thư khi nào Ngọ về Thanh Hóa nhé!”. Tôi ớ ra. Bí thư phân trần: “Cậu hỏi tiện hơn. Mình muốn biết sớm để thu xếp việc đi, người ở!”.
Giờ nghỉ. Chờ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh uống cạn bát vối quê, khen thơm, ngon. Tôi chen lời: “Dạ. Vối là nước uống thường ngày của Bí thư tỉnh em đấy ạ!”. “Ngọ à!” - Tổng Bí thư đưa mắt ngó tìm. Tôi vội hỏi: “Kính thưa Tổng Bí thư, khi nào sếp Ngọ của chúng em về Thanh Hóa ạ?”. “Ờ. Sắp rồi. Tuần này cậu ấy sẽ nhận quyết định!”. Tôi ngây ra. Tổng Bí thư lắc lắc vai tôi, giọng vui vẻ: “Sao. Buồn hả? Thế là tốt. Bí thư Tỉnh ủy khi xa cán bộ nhớ, dân thương, Đảng cần những cán bộ như thế. Thanh Hóa đang khó khăn. Đảng cần, dân cần. Lê Huy Ngọ phải về những nơi như thế!”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Huy Ngọ với nhân dân xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú năm 1988 - Ảnh Nguyễn Uyển. |
Chuyện là thế, vậy mà tôi lục sục hết tuần này sang tuần nọ tự trao cho mình quyền minh chứng công lao Lê Huy Ngọ góp sức mở đường xóa nghèo đói cho dân Vĩnh Phú...
Dịp ấy, nhân ông bà thân sinh ra Boha, Tham tán Đại sứ quán Hungaria tại Việt Nam sang thăm con và thăm Vĩnh Phú, tôi thiết kế mời Bí thư Lê Huy Ngọ cùng họ đến với mùa ngô đông của xã Hợp Thịnh, huyện Tam Đảo (đặc sản khoán gọn của Bí thư Tỉnh ủy. Xe lăn bánh trên đất đai Hợp Thịnh, cái gì tôi cũng phô, cũng khoe cứ như cảnh ấy, tình ấy, người nơi ấy là của tôi. Tôi thao thao chẳng biết các vị khách Tây xứ trời Âu có say, có mê không, nhưng tới khi Chủ nhiệm Phùng Đắc Thành và kỹ sư Phó Chủ nhiệm Phùng Quang Hùng đón tiếp, thì họ lấy sổ ghi chép và gom lại những ý tôi thao thao trên đồng bãi để hỏi về cách thức trồng ngô đông. Kỹ sư Hùng cặn kẽ nói với họ về cách làm ngô bầu, cách gieo ngô trực tiếp trên đất bùn; cách ủ mầm, chăm bón... có tính dân gian, thiết thực kết hợp với hiện đại. Tiếp nối, Chủ nhiệm Thành nói về hướng giải quyết lương thực của HTX bằng cách tăng diện tích lúa mùa sớm, giảm mạnh lúa mùa muộn, mở rộng diện tích ngô đông và đậu tương hè thu!...
Ông Boha hỏi tiếp: “Hợp Thịnh thành đất gọi khách nhờ mở ra vụ ngô đông. Vậy điều Hợp Thịnh làm nên là do con người hay giống mới? Con người hay chính sách?”. Kỹ sư Hùng nói ngay: “Cả ba. Sự bùng nổ vụ ngô đông với hai nguyên cớ giống và chính sách”. Giọng khơi khơi, Chủ nhiệm Thành bảo: Người quê tôi hay nhắc đến ông Kim Ngọc, nhắc đến Lê Huy Ngọ đây (xưa là Chủ tịch, nay là Bí thư Tỉnh ủy). Chúng tôi luôn coi các ông ấy là người vực chúng tôi vượt lên xóa đói nghèo trên chính đồng đất của mình!... Ông Ngọ khẽ thu người lại, lời khiêm nhường: “Cao kiến của tập thể Đảng bộ, sự năng động của nhân dân, mình chỉ là cá thể!”.
Lan man ngẫm ngợi, những kỷ niệm của tôi với Lê Huy Ngọ cứ ào về. Nào là thời ông trong vai Chủ tịch tỉnh, dẫn đầu Đoàn đại biểu cao cấp của Vĩnh Phú ròng rã đường núi dằng dặc cả tuần lễ men theo đường đất lổng cổng, cấp kênh ổ voi ổ trâu sang thăm Luông Nậm Thà (nước bạn Lào) kết nghĩa từ những năm 1981 - 1982. Ngày cuối, ông kéo tôi ra chợ tỉnh (gọi là chợ tỉnh) của bạn khi ấy cũng chẳng được như chợ xã Thổ Tang bên ta để mua đôi tông, chiếc áo thun, đồ lót cho vợ con. Ông bảo, muốn mua nhưng túi lép: Thôi, ít nhưng có quà là quý. Công việc bấn bận, nhưng đừng quên gia đình.
Nhớ hôm ông dẫn Đoàn cán bộ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đi học điển hình Định Công của Thanh Hóa; trở về Tĩnh Gia thăm công trình thủy lợi Lạch Bạng, ngăn mặn. Ngồi trên bờ đập, nhìn về xóm nhỏ nơi chân sóng xa mờ, ông nhỏ giọng chỉ riêng tôi biết: “Uyển ơi. Nơi ấy là làng mình đấy. Mẹ đẻ mình nay tuổi ngoại 80 ở với anh trai mình ở đó. Mình ước mua mảnh lụa đen để mẹ may chiếc quần mà vẫn không lo nổi!”. Tự dưng ông và tôi nước mắt nhòa nhoạt. Sau ngày ấy, tôi thấy ông năng nổ tổng kết, ngẫm nhiều về đồng đất trung du. Ông bảo: Khó như Định Công mà họ thành công. Đất chuyên lúa như Đằng Hải, Hải Phòng, nay họ cũng mạnh bạo chuyển đổi sang nuôi lợn và trồng hoa xuất khẩu nên giầu có nhất vùng. Cớ chi Vĩnh Phú mình bó tay?
Hôm về Ðoan Hùng gặp Bí thư Huyện ủy Trần Văn Ðăng (sau này làm Bí thư Tỉnh ủy thay Lê Huy Ngọ về Thanh Hóa), anh Ðăng bảo: Việc làm rừng bây gió cũng phải xen ghép, xen ghép các cây chu kỳ khác nhau để khi khai thác rừng không bao giờ bị trống mà giá trị kinh tế lại lớn. Nhưng phải đất nào cây ấy. Phải từ điểm mà nhân ra diện theo vết dầu loang. Làm ào ạt, không nắm hết, khi cần uốn nắn thì không kịp nữa! Ấy là ý kiến chỉ đạo rất sát thực của anh Lê Huy Ngọ Chủ tịch tỉnh khi chúng tôi triển khai thực hiện khoán gọn; giao đất giao rừng cho hộ xã viên.
Giọng chia sẻ, anh Ðăng tâm sự: Việc của tỉnh nhưng công lớn chính là Lê Huy Ngọ. Anh ấy là người am tường công việc nông nghiệp - nông dân và nông thôn. Cái tài của anh ấy là khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề, suy nghĩ logic và toàn diện, từ đó hình thành nên tầm nhìn cho tổ chức. Hiểu người, hiểu lòng dân, hiểu việc một cách chuyên sâu như chuyên gia nên anh ấy có cách truyền cảm hứng và động lực cho họ! Ðem lời Bí thư Huyện ủy, tôi soi vào thực tế quả là như vậy.
Ở Chân Mộng lại thí điểm trồng vầu dưới tán mỡ... hỗ trợ nhau cùng phát triển. Những cách này đang mở ra ở nhiều nơi của huyện...
Không hiểu trời xui, đất khiến gì chăng nên ít năm sau tôi và anh lại gặp nhau, cùng về làm việc giữa đất thủ đô. Mỗi khi thăm nhau lại uống nước vối quê, nói chuyện quê. Với công việc dù ở tỉnh, hay công tác cán bộ (Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Ðảng) và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn thì Lê Huy Ngọ đều lưu dấu ấn. Dấu ấn rất riêng, cho dù đời có những lúc thăng trầm. Ở đâu, khi nào, ngay cả khi tuổi cận kề 80 thì ông vẫn được Ðảng, Nhà nước trọng dụng, dân tin yêu mến mộ. Mỗi khi ông xuất hiện trên các phương tiện nghe, nhìn của quốc gia thì khắp chốn quê người dân vẫn reo to: “Lê Huy Ngọ. Bộ trưởng. Bộ trưởng Nông dân của chúng ta!”.