Những lá thư thời chiến ẩn chứa rất nhiều câu chuyện chia ly, xa cách thấm đẫm nước mắt của người nghe. Góp vào kho tài sản giá trị của tuyển tập Những lá thư thời chiến của nhà văn Đặng Vương Hưng, PGS.TS Trần Đức Cường (Chủ tịc Hội khoa học Lịch sử Việt Nam) đã công bố một lá thư ông vẫn giữ bên mình lâu nay với quan niệm: “Không có nỗi đau nào của riêng ai”
“ Hà Nội, ngày 27-1-1971
Kính thưa ba má
Đã hơn 3 năm rồi con không được thơ của các em và của Tiệp hoặc của một ai thân thuộc khác, con rất lo buồn! Con đã gửi nhiều bức thơ về, bằng nhiều cách khác nhau, ba má có nhận được không? Con đã nhiều lần đầu đơn xin về Nam công tác, đã nhiều lần đi gặp những người có thẩm quyền, những cơ quan có trách nhiệm, những tổ chức chuyên lo đến việc điều động cán bộ đi B, nhưng mỗi lần chạy vạy là một lần tuyệt vô hy vọng! là một lần khóc thương vật vã! Người ta chỉ trả lời với con: chị đã quá tuổi rồi, chị cần cho sau này, bây giờ chưa nên vào!
Những lá thư thời chiến: 'Những tưởng 5, 3 năm, mà bằn bặt xa cách, chia lìa' |
Con có lỗi một trăm phần đối với ba má; con những tưởng con sẽ sống một cuộc đời đầy đủ tình nghĩa, hóa ra chỉ ham cảnh dứt áo ra đi, nỗi niềm trước sau, cặn kẽ thế nào cũng không hề nghĩ cạn!
Kính mong ba má được mạnh khỏe, bớt nhọc nhằn và tìm được nguồn an ủi to lớn trong vinh quang của gia đình, của con cháu và của đất nước. Kính mongg ba má bảo các em viết thơ cho con. Kính mong ba má thương xót, đùm bọc, chỉ bảo con Tiệp như đứa con út của ba má. Con xin gửi lời chào thăm anh chị hai con và tất thảy bà con. Nhị, con, anh em Nhuận, Quốc, chúng con đều bình thường.”
Bạn học thời phổ thông của PGS.TS Trần Đức Cường là Hoàng Xuân Nhuận (Cha là Hoàng Xuân Nhị và mẹ là bác Hừng quê ở Bến Tre). PGS. TS Cường cũng thường xuyên đến thăm gia đình người bạn phổ thông và được cha mẹ của bạn hết sức yêu mến.
Trong cuốn Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc, ông Trần Đức Cường đã kể lại một cách xúc động trong bài tham luận của mình câu chuyện ông được mẹ của bạn thân (Hoàng Xuân Nhuận) nhờ cậy mang thư vào cho gia đình bà ở Bế Tre khi ông được phân công đi chiến trường B2 – chiến trường Nam Bộ công tác.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Cường phải hoạt động tại chiến trường vô cùng khốc liệt, ở vào thế trận cài răng lược, một đi là một khó nên bức thư cứ mãi ở trong ba lô của người lính trẻ này. Cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, ông Trần Đức Cường mới gặp lại và hay tin từ chính cậu bạn Hoàng Xuân Nhuận rằng cả ông bà ngoại và em gái Tiệp đã ra đi (những người xuất hiện trong lá thư của mẹ Hoàng Xuân Nhuận). Điều này khiến ông vô cùng bang hoàng và đầy nuối tiếc.
“Tiệp thương yêu của má.
Năm nay con được 21 tuổi. Xa con đã 17 năm rồi, má không lúc nào không nghĩ đến công ơn của Ông Bà, không lúc nào không thương nhớ lo lắng đến con! Má có viết cho con rất nhiều thơ gởi hết tâm tình của má vào đấy, mong con mạnh khỏe, lớn khôn và nên người tốt.
Con ơi, lúc con bé bỏng, con sống với ba má và anh Nhuận, là những lúc má mắc bịnh mất ngủ ròng kéo dài hết năm này đến năm nọ rồi sau chuyển thành mất trí giữa lúc kháng chiến 9 năm gian khổ, gia đình phải tản cư và ba đang bận công tác lưu đọng. Tuy bé, nhưng con đã tỏ ra thông minh ngoan ngoãn và có tính gan góc; anh Nhuận con có khi không bì kịp; rồi hòa bình lại được lập lại sau chiến thắng Điện Biên Phủ; Ông Bà ngoại hồi cư; ba má phải đi tập kết lúc đó má suy nghĩ được rồi nhưng rất kém, rất thiếu sót, má đã nghĩ: sống ở miền Bắc sẽ rất túng thiếu, gởi con về với ông bà con sống trong đại gia đình, má đỡ bận bịu, lo công tác cho tốt để chóng được đoàn tụ. Hồi đó má ghĩ: sau 5, 3 năm là nhiều lắm chứ gì! Con vẫn đang còn bé, đang ham chơi khuây khỏa, không sao… Nhuận không thể sống không có má được, nó đau ốm luôn, phải đeo đẳng nuôi nó… Má còn nghe tiếng con khóc xé ruột buổi chiều hôm trước khi má đưa thuyền ông bà và cậu Hào đem con về Bến Tre… Những tưởng 5, 3 năm, mà bằn bặt xa cách, chia lìa.
Nay con đã tuổi thanh niên; má hết lo rồi, những nỗi lo vẩn vo thời con đang còn trứng nước, nhưng má lại buồn vì trách nhiệm của má đối với con không biết làm cách nào để khỏi phải như miễn đi, như qua đi, như vắng lặng đi…
Con có đầy đủ cha mẹ đây, anh em đây, cộng thêm truyền thống cách mạng của gia đình con, đủ bảo đảm cho con một thanh niện có học vấn và có đạo đức tốt đẹp. Đó cũng là điều mà ông bà hết sức chăm lo bù đặp. Nhưng má đã tước đi cái quyền hạnh phúc dĩ nhiên ấy của con, để mơ ước hão lúc ra đi chịu cảnh hối hận ngày nay là bất lực trước cảnh bị chia cắt, tin tức rất thưa, rất hiếm, biết có còn trông thấy con nữa không! Biết làm sao nâng đỡ đùm bọc con khỏi những khó khăn mấy ai ngừa trước được!
Má mong con mạnh khỏe và mong con kính yêu ông bà, biết ơn họ hàng, thân thuộc và bà con chòm xóm. Ngoài ra má mong con biết thi tài góp sức cùng với chị em bè bạn, vui vẻ, tích cực, phục vụ công cuộc chống Mỹ và viết thơ báo cho ba má biết thành tích chiến đấu, bước tiến bộ không ngừng của con. Má mong con hãy suy nghĩ kỹ về đường lối của con và mong sao con suy nghĩ đúng hay; mong con có chí tiến thủ! Má tin tưởng ở đời, ở tương lai, ở những sự may mắn, ở những điều không thể quá ư đau khổ, ở những cảnh không phải bị chia cắt, xa vắng vĩnh viễn!
Xin giới thiệu với ba má, cháu Cường bạn học của Nhuận. Cháu phải xa nhà đi chiến đấu, mong ba má tin yêu và coi như con cháu trong gia đình.
Kính mong gia quyến bình an, mạnh khỏe. Rất mong được tin tức. Má hôn Tiệp”.
Không có cơ hội trao tận tay bức thư của một người con đau đáu nhớ thương cha mẹ, của một người mẹ luôn dằn vặt vì không làm tròn trách nhiệm với người con do đất nước chia cắt, PGS.TS Trần Đức Cường đã quyết định giữ lại “lá thư đã theo tôi vượt Trường Sơn hàng ngàn cây số trong chiếc ba lô nặng trĩu, rồi tiếp đó là chiếc bòng nhẹ hơn đi khắp chiến trường Đông Nam Bộ”.
Đây là lá thư minh chứng cho một thời đau thương của đất nước, minh chứng cho tâm tình của những người cha mẹ, người con phải xa cách biền biệt và không có ngày gặp lại vì bom đạn.
Lăng Dương/VietQ