Ngụy biện Cửa sổ vỡ (Broken Window Fallacy) có thể dễ dàng bắt gặp trong các chương trình vận động tài trợ từ chính phủ của các chính trị gia. Có những dẫn chứng tưởng chừng như rất logic và khoa học nhưng người nghe không biết rằng một nửa sự thật đã bị che đậy. Bằng cách khai thác những yếu tố không nhìn thấy, người lập luận có thể dễ dàng dẫn dắt người nghe đi theo quan điểm của mình. Vậy thế nào là Ngụy biện Cửa sổ vỡ? Cách tốt nhất để giải thích cho thuyết này là sử dụng chủ đề chiến tranh. Vì thế, tôi sẽ bắt đầu bài viết này bằng câu hỏi: “Liệu chiến tranh có tốt cho nền kinh tế không?”.
Ai cũng biết chiến tranh luôn mang lại đau thương cho nhân loại. Nhưng có một câu chuyện hoang đường là chiến tranh, bằng cách nào đó, có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế. Và một số người đã tìm được những lập luận, bằng chứng có vẻ như ủng hộ cho câu chuyện hoang đường trên. Tất nhiên, không ai muốn chiến tranh xảy ra. Và nhiều người tự an ủi “trong cái rủi có cái may” rằng chiến tranh sẽ tạo ra nhiều việc làm, hay cho rằng chiến tranh cũng là một cách để thúc đẩy kinh tế. Thực tế, niềm tin vào thứ nghịch lý này xuất phát từ cách tư duy kinh tế sai lầm.
Broken Window Fallacy: Liệu chiến tranh có tốt cho nền kinh tế không? |
Lập luận “chiến tranh giúp thúc đẩy nền kinh tế” như sau: Giả sử nền kinh tế đang chạm đáy tại chu kỳ suy thoái, lúc này thất nghiệp tăng cao và chi tiêu tiêu dùng giảm. Nhưng sau đó, đất nước bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh. Chính phủ sẽ cần phải trang bị cho quân đội vũ khí, đạn dược, vật dụng cần thiết để chiến thắng cuộc chiến. Nhiều doanh nghiệp sẽ nhận được những bản hợp đồng “béo bở” từ việc cung cấp trang thiết bị cho quân đội, dẫn đến tăng nhanh nhu cầu thuê lao động để phục vụ sản xuất, từ đó làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Nhiều người có việc làm đồng nghĩa chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng lên. Chi tiêu càng nhiều sẽ càng thúc đẩy khu vực bán lẻ, và khu vực bán lẻ sẽ phải tuyển thêm nhiều nhân viên nữa để mở rộng kinh doanh, tỷ lệ thất nghiệp vì thế sẽ càng giảm hơn nữa.
Một hoạt động tích cực đã được tạo ra bởi chính phủ trong quá trình chuẩn bị cho chiến tranh. Bạn có tin vào câu chuyện đó không? Nếu có, bạn đã mắc phải một lỗi ngụy biện mà các nhà kinh tế học thường gọi là Ngụy biện Cửa sổ vỡ (Broken Window Fallacy). Câu chuyện trên là một thiếu sót rất lớn về mặt logic, vì nó chỉ nêu ra những thứ có thể nhìn thấy, chứ không nói ra những thứ mà ta không thấy.
Ngụy biện Cửa sổ vỡ (Broken Window Fallacy)
Thuyết Ngụy biện Cửa sổ vỡ được đưa ra bởi Frédéric Bastiat vào năm 1850. Sau này, một nhà báo chuyên bình luận kinh tế – Henry Hazlitt – đã giải thích thuyết này trong cuốn sách của mình là Economics in One Lesson theo một cách dễ hiểu hơn. Henry đã đưa ra một câu chuyện như sau:
Có một nhóm thiếu niên gồm những đứa trẻ tinh nghịch ném viên gạch vào một tiệm bánh làm vỡ kính cửa sổ. Ông chủ tiệm bánh nổi điên lên và đám đông xúm lại trách móc lũ trẻ. Bỗng một người trong đám đông bước ra phân tích rằng: “Ồ không! Các bạn nên mỉm cười với đám trẻ này vì nó vừa tạo ra việc làm. Cửa sổ vỡ, ông chủ phải chi tiền để sửa chữa cửa sổ này. Nó sẽ giúp người thợ sửa kính có việc làm và có thêm tiền. Sau đó người thợ này có thể đi ăn tại một nhà hàng nào đó, mua quần áo mới, hay chi tiêu những gì anh ấy thích. Và điều này sẽ tạo ra thêm việc làm cho những người khác. Theo đó, dòng chi tiêu sẽ nhân lên và công ăn việc làm được tạo ra từ việc làm vỡ cửa sổ của đám trẻ nghịch ngợm”. Lúc này, đám đông thấy rằng việc phá hoại này có vẻ mang lại nhiều lợi ích. Và thay vì cố gắng ngăn chặn mọi người phá hoại của cải, tài sản thì ta nên lập một đội quân thiếu nhi “phá làng phá xóm” cầm gạch khắp nơi để ném vào cửa sổ. Và thử nghĩ xem, nếu cánh cửa đủ lớn thì ta sẽ có được một thời kỳ bùng nổ kinh tế?
Tất nhiên là không phải như vậy. Vấn đề là chúng ta đang tập trung vào những thứ nhìn thấy được, mà không để ý đến những thứ không thể nhìn thấy. Chúng ta chỉ nhìn thấy một cửa sổ mới nhưng lại không thấy được ông chủ tiệm bánh sẽ làm gì với số tiền của mình nếu không phải sửa cánh cửa đó. Giả sử ông chủ tiệm bánh phải sửa tấm kính hết 600,000đ. Đám đông đã không xét đến yếu tố ông chủ sẽ làm gì với 600,000đ nếu không phải sửa nó.
Ông chủ sẽ có 600,000đ để chi tiêu cho bản thân như mua bộ quần áo mới, đi chơi cuối tuần, hay giao dịch với những thương gia khác, và điều đó cũng tạo ra việc làm cho xã hội. Thay vì lúc đầu ông chủ có một cửa sổ và 600,000đ, sau khi sửa xong cửa sổ thì ông chỉ còn mỗi chiếc cửa sổ. Việc cửa sổ bị vỡ sẽ làm thợ sửa kính có thêm việc làm nhưng lại lấy đi công việc của những người khác, đồng thời xã hội bị mất đi một cái cửa sổ.
Lỗi logic trong Ngụy biện Cửa sổ vỡ có thể bắt gặp tại bất cứ cuộc vận động tài trợ từ chính phủ. Một chính trị gia sẽ tuyên bố rằng chương trình cung cấp áo khoác mùa đông cho các gia đình nghèo là một thành công vang dội, bởi nó giúp những người nghèo không có áo ấm trong thời tiết lạnh. Tất nhiên, thứ chúng ta không nhìn thấy là việc bớt lại khẩu phần ăn trưa của các học sinh tại các trường công, hay hoạt động kinh tế bị giảm bởi việc tăng thu thuế để trả cho những chiếc áo khoác.
Tại sao chiến tranh không giúp ích cho nền kinh tế?
Từ thuyết Ngụy biện Cửa sổ vỡ, ta dễ dàng thấy được tại sao chiến tranh sẽ không mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Số tiền chi tiêu cho chiến tranh, vì vậy, sẽ không được chi tiêu cho các lĩnh vực khác. Có ba phương thức để chính phủ huy động ngân sách cho chiến tranh:
1. Tăng thuế
Tăng thuế sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, việc này không hề tốt cho nền kinh tế.
2. Giảm chi tiêu ở các khu vực khác
Giảm chi tiêu chính phủ sẽ có lợi cho nền kinh tế. Nhưng trong trường hợp này, chính phủ giảm chi tiêu ở các khu vực khác nhưng lại tăng cường chi tiêu trong lĩnh vực quân sự. Đây không khác gì hành động ném viên gạch vào cửa sổ trong câu chuyện của thuyết Ngụy biện Cửa sổ vỡ.
3. Tăng nợ
Tăng nợ đồng nghĩa chính phủ sẽ tăng thuế hay người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trong tương lai, một trong những thứ kéo dài tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Cộng thêm những khoản lãi suất sẽ trở thành gánh nặng ngân sách lớn cho chính phủ.
Bên cạnh đó, ta còn phải kể đến số người chết trong chiến tranh. Theo một tài liệu, số người chết trong chiến tranh thế giới thứ hai là 70 triệu người. Đây là một mất mát rất lớn về con người, tinh thần và cả về mặt kinh tế.
Chiến tranh luôn là thứ làm tổn thương mọi nền kinh tế. Chiến tranh không khác nào hành động phá hủy của cải rồi chi tiền để sửa chữa, xây dựng lại nó thay vì dùng số tiền đó để chi tiêu hoặc tạo ra thêm của cải cho xã hội. Vì thế, việc phá hoại không mang lại sự thịnh vượng, mà phá hoại sẽ phá hủy sự thịnh vượng.
Nguồn: Nghiên Cứu Kinh Tế