Cách đây hơn 45 năm, tại Nhà tù Phú Quốc, chỉ trong một tuần đã xảy ra 2 cuộc vượt ngục của tù binh Cộng sản, gây tức tối cho bọn Mỹ, ngụy trong thời gian dài.
Câu chuyện này được cựu chiến binh Vũ Văn Kim (ở thôn Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) kể lại vào một ngày đầu tháng 7/2016, tại nhà riêng.
Ông Vũ Văn Kim nhập ngũ năm 1965 và vào Đoàn Đặc công 555 thuộc D10 tỉnh đội Bình Định chiến đấu, bị địch bắt tháng 10/1966. Đến năm 1974, ông mới được địch đưa về Lộc Ninh trao trả. Suốt gần 10 năm, ông bị địch giam tại các nhà tù: Playcu, Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo.
Hình ảnh tù nhân bị tra tấn nằm cũi tại Phú Quốc năm xưa |
Ông Kim lật từng trang trong cuốn sổ và nói, trong thời gian giam cầm, ông nhớ nhất là đợt vượt ngục của đồng đội vào tháng 5/1971. Ông nhận định, có lẽ đây là cuộc vượt ngục kỷ lục ở Việt Nam, có thể được xếp hạng ngang ngửa với các cuộc vượt ngục của tù binh khác trên thế giới trong các cuộc chiến tranh.
“Nhẩy hầm”
Vào tháng 5/1971, khi vừa hết giờ giới nghiêm, ông Kim đi ra sân tù thì thấy ngoài hàng rào quân cảnh chạy nhốn nháo, xe Jeep phi rầm rập ngoài đường. Chỉ trong chốc lát, từ các hướng, quân cảnh kéo đến trại A5 (trại giam giữ chiến sĩ miền Nam) đông nghịt.
Anh em tù nhân rỉ tai phán đoán về chuyện hệ trọng sắp xảy ra. Nhiều người cho rằng, ta diệt chiêu hồi; một số phao tin có vụ vượt ngục nên mới thấy hành động khủng bố bất thường.
Ngay sau đó, khi đã ra cổng “nắm tình hình” trở về, đại diện trại C5 cung cấp thông tin cực kỳ sốt dẻo: Trong đêm, 27 tù binh trại A5 đã “nhẩy hầm”, vượt ngục thành công… Nghe tin ấy, các tù binh hỉ hả lắm, vì từ năm 1969 đến nay, đây là vụ “nhẩy hầm” thứ hai thành công, các vụ khác đều bị địch phát hiện. Nhưng các tù binh cũng không khỏi lo âu cho sự an toàn của đồng đội, bởi đã có không ít vụ vượt ngục ra đến rừng mà vẫn bị bắn chết hay bắt lại.
Nhìn qua hàng rào, ông Kim thấy bên trại A5 đang tập trung điểm danh, anh em tù binh bị cai ngục bắt ôm đồ đạc và tập trung chuyển trại. Bọn địch huy động tối đa quân cảnh đến thị uy, làm “hàng rào”, phần lớn cố vấn Mỹ, sĩ quan ngụy của nhà tù xuống “tham quan” vụ “nhảy hầm” ở A5.
Ngoài đường, xe chở lính bảo an, địa phương quân chạy rầm rầm ra bìa rừng, đổ quân bao vây, lùng sục, phục kích. Trên trời, gần 10 chiếc trực thăng HU1A, HU1B quần đảo, thỉnh thoảng lại phóng rốc két, bắn đại liên xuống những khu rừng nghi ngờ. Thỉnh thoảng, đạn bộ binh rộ lên từng đợt ở cánh rừng phía tây, phía bắc và phía đông, khiến các tù nhân trong trại không khỏi lo lắng.
Đến gần trưa, theo các nguồn tin lượm lặt chuẩn xác, có 27 tù binh đã trốn thoát, trong đó có kiện tướng diệt Mỹ Cao Văn Hòa, hai cán bộ trung cao cấp. Ông Kim kể thêm, ngay trưa hôm đó, các tù binh còn nghe được cả chuyện mấy tổ viên đào hầm đi cuối cùng, nhưng bị kẹt lại do đường hầm quá hẹp vì có một đồng chí to cao bị ngất xỉu ở giữa đường hầm, khiến không ai đi được nữa. Phải đến gần sáng, anh em mới kéo được lên và sơ cứu hô hấp cho tỉnh lại trước khi quân cảnh đến.
Sau khi bị 27 tù binh qua mặt, trốn thoát, bọn chúa đảo ra lệnh chia, tách, xé lẻ trại A5, dồn vào các trại khác để giam giữ. Hằng ngày, độ hơn chục tên quân cảnh đến đây đào bới, đo đạc, chụp ảnh. Cố vấn Mỹ với đủ loại cấp bậc cùng sĩ quan cao cấp của ngụy đến xem xét, điều tra nguyên nhân.
Từ đó, trại A5 bị bỏ trống, bọn quân cảnh chỉ canh gác, tuần tra từ hàng rào, giữa A5 và B5 trở lại. Việc tuần tra, kiểm soát, canh gác tại các trại B5, C5, D5 được siết chặt hơn, đề phòng tù binh Việt Cộng đào hầm trốn thoát.
Cú đúp
Một tuần sau, mặc dù đang đau đầu với vụ 27 tù binh vượt ngục thì bọn Mỹ, ngụy cai ngục ở nơi “địa ngục trần gian” lại bị một vố đau hơn nữa, khi bị 20 tù binh qua mặt bằng đường hàng rào, ngay trên mặt đất.
Chuyện là, vào một buổi tối, khi sắp đến giờ giới nghiêm, bên trại D5 (trại chiến sĩ miền Bắc) nhốn nháo lạ thường. Các tù binh ở các trại gần đều nghe rất rõ tiếng kêu thất thanh: - “Ới giám thị ơi, cứu tôi với…”.
Kèm theo tiếng kêu là bóng một người chạy ra cổng giám thị. Phía sau, 5-7 anh em tù binh trại D5 chạy theo rồi bắt giữ, đưa người kia trở về phòng. Họ nói với lính gác và giám thị: “Thằng này nó thần kinh chứ không phải có ai làm gì nó đâu…”.
Mặc dù vậy, nhưng quân cảnh canh gác ở bên ngoài hàng rào vẫn nổ súng loạn xạ như mưa để thị uy và giải cứu. Bất chấp đạn bắn, đất bay tung tóe, anh em bên trại D5 vẫn đưa được người “thần kinh” về phòng mà không có ai bị trúng đạn. Chừng mười phút sau, giám thị chưa đến trại thì lại có tiếng kêu thất thanh lặp lại, tên “thần kinh” lại chạy ra cổng, nhưng đến giữa sân điểm danh thì bị anh em bắt được đưa vào phòng.
Súng nổ, quân cảnh quát tháo om xòm rồi kéo đến vây kín ba phía trại D5. Xe Jeep, ô tô nhà binh, đèn pha, mìn sáng được phát huy hết cỡ, vây quanh trại D5. Trong trại, các tù binh đã xét xử tên Hóa do địch bí mật cài vào trại tù binh D5 để moi tin đào hầm, vượt ngục.
Phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, đề phòng tù binh Cộng sản trại D5 vượt ngục bằng đường hầm, bọn địch đã bỏ mặc sự an toàn của tên Hóa, huy động tối đa lực lượng hiện có để ngăn chặn tù D5 chui hầm trốn ra rừng. Và cũng vì chưa điều được quân cảnh nơi khác đến, đại đội quân cảnh đang canh gác ở B5 được điều đi bao vây ba phía trại D5 và ngoài bìa rừng, nơi chúng nghi cửa hầm sẽ mở.
Nhận thấy lính gác kéo đi hết, đèn pha trên chòi canh cũng quay về phía sau trại D5, nên một số tù binh ở trại B5 (trại chiến sĩ miền Nam) đã chớp thời cơ, nhanh chóng cắt hàng rào dây thép gai, bí mật chui sang trại A5, cắt tiếp rào thép gai ở đây và trốn ra rừng.
Sau khi lính canh được điều động đến thay thế, bọn quân cảnh khu D5 trở lại vị trí cũ mới phát hiện được cuộc vượt ngục thứ hai này. Đồng chí “bọc hậu” bị bắn chết khi chưa kịp thoát ra khỏi hàng rào cuối cùng, còn nấp ở trong bể nước trại A5.
Ngay sau đó, trại B5 điểm danh đột xuất từng phòng. 21 tù binh bị “mất tích”. Đêm ấy và các ngày sau đó, bọn địch tức tối bủa vây, lùng sục ở các khu rừng phía nam của đảo, nhưng chẳng bắt lại hay bắn chết thêm một người nào nữa.
Ý chí phi thường
Sau sự việc, bọn quân cảnh Phú Quốc liên tục gọi tù binh khu 5 ở các trại B, C, D đi khai thác, tìm hiểu về cái mà chúng cho là “kế sách giương đông kích tây hay kế điệu hổ ly sơn…”. Chúng cho rằng trại D5 diệt mật báo ầm ỹ để lừa bộ chỉ huy; rằng D5 đã có hầm mở cửa sắp sửa đi… dẫn đến sự bỏ trống hàng rào giữa A và B5 và thế là mất thêm 20 tù binh vượt ngục khá an toàn.
Tất cả số tù binh bị gọi ra phòng điều hành đều bị điều tra, thẩm vấn rất kỹ về “bí mật” hay sự hiệp đồng bằng cách đánh lạc hướng, tạo thời cơ cho tù binh trốn thoát. Nhưng sự thật thì không có chuyện đó. Chính việc điều quân cảnh canh gác đi làm nhiệm vụ trong một khoảng thời gian đã tạo ra thời cơ ngẫu nhiên và cực kỳ quý hiếm.
Nhân cơ hội này, tổ chức trong tù đã lãnh đạo vượt ngục tức thì. Điều đáng nói là, anh em tù binh là những người khát khao vượt ngục để trở về đội ngũ, nên họ đã không sợ hiểm nguy để đột phá, vượt ra ngoài.
Tuy nhiên, không vì cơ hội hiếm hoi ấy mà họ hành động nhốn nháo, thiếu tập trung; trái lại, họ rút đi rất mau lẹ, cực kỳ trật tự, kỷ luật và bí mật. Cũng phải nói thêm là, việc 20 tù binh trốn thoát bằng cách cắt rào thép gai trên mặt đất, trước mũi súng kẻ thù có công đóng góp rất lớn của những người ở lại.
Trước tính mạng đồng đội, họ không tranh giành, không chen lấn để được đi mà còn coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhờ vậy cuộc vượt ngục đã thành công ngoài sức tưởng tượng...
Duy Hải (ghi)/ Báo Pháp Luật Việt Nam