Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh ngày 1-3-1906 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi (mất 29-4-2000). Từ năm 1925, ông đã tham gia phong trào bãi khóa chống Pháp của học sinh – sinh viên. Năm 1926, ông sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện cách mạng do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Nam kỳ, rồi Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 7-1929, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, ông ra tù, hoạt động ở Hà Nội. Năm 1940, ông bí mật sang Trung Quốc với tên Lâm Bá Kiệt cùng với Võ Nguyên Giáp, gặp Bác Hồ cả hai ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông và ông Giáp được Bác Hồ giới thiệu đi Diên An học chính trị, quân sự. Khi đang chờ chuyến đi thì Bác Hồ điện gọi hai ông trở lại về nước chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền, vì nước Pháp đã đầu hàng phát xít Đức.
Về hoạt động ở Việt Bắc ông có bí danh là Tô, nên mọi người thường gọi anh Tô hơn tên thật của ông.
Bác Hồ trao đổi công việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Ảnh tư liệu |
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông được giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Tháng 3-1946, ông được bầu làm Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội. Ông liên tiếp là đại biểu Quốc hội từ khóa I tới khóa VII.
Ông hai lần được Đảng, Bác Hồ cử đi hội nghị với người Pháp: lần thứ nhất năm 1946 tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp) và năm 1954 tại Hội nghị Genève về Đông Dương, với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Từ năm 1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng duy nhất. Tháng 9-1955, ông được cử làm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và từ năm 1976 là Thủ tướng của nước Việt Nam thống nhất cho tới khi về hưu năm 1987.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương/ Đảng Lao động Việt Nam lần thứ hai năm 1951, ông được bầu vào Bộ Chính trị Trung ương Đảng cho tới nghỉ hưu, hết nhiệm kỳ thứ 5.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp Bác Hồ từ năm 1926 là người học trò, cộng sự gần gũi của Bác, nhất là từ khi về Hà Nội sau 1954. Ông có phong cách sống giản dị, cần kiệm, thanh liêm giống Bác Hồ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có duy nhất một người con trai sinh ở Việt Bắc lấy tên địa phương Sơn Dương nơi ở lúc đó đặt tên con. Vợ ông là bà Phạm Thị Cúc, bị bệnh thần kinh dù được đưa sang Trung Quốc, Liên Xô chữa trị nhưng không khỏi. Chính hoàn cảnh ấy nên Bác Hồ rất thương quý ông, hai Người thường ăn cơm chung, hôm nào Thủ tướng đi công tác về trễ, Bác luôn để cho ông món ngon. Tình cảm của Bác dành cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng thật đặc biệt. Có lần nhân ngày Tết nhân viên đem hoa tặng Bác, Bác Hồ khen:
- Các chú mua hoa đẹp đấy! Ta mang sang chúc Tết Thủ tướng đi! Tặng Thủ tướng bó hoa này thì tốt lắm!
Bác cùng đi với anh em, gần tới nhà Thủ tướng, Bác vui vẻ nói to lên:
- Năm mới các chiến sĩ, cán bộ tới chúc Tết Thủ tướng. Chúc Thủ tướng mạnh khỏe, cùng nhân dân giành nhiều thắng lợi mới!
Đồng chí Thủ tướng nghe thấy giọng nói của Bác, vội vàng từ trong nhà ra đón, nét mặt Thủ tướng vui vẻ, sung sướng, đáp lễ lại lời chúc mừng của Bác.
Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng không bao giờ có ý định viết hồi ký. Những năm cuối đời, nhiều người nêu vấn đề này với ông nhưng ông gạt đi và dành thời gian để nghiên cứu, viết về Bác Hồ. Là người học trò, một cộng sự vinh dự nhiều năm sống và hoạt động cách mạng bên cạnh Bác Hồ, ông hiểu về Người hơn nhiều người khác. Với Phạm Văn Đồng, Bác Hồ vừa là người thầy vừa là người cha ông luôn tôn kính. Ông hiểu rất rõ đời sống và những tư tưởng, tình cảm của Bác. Trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói:
“Thật lạ lùng, rất kỳ diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành toàn bộ thời gian có thể được để viết về Bác Hồ. Ông có 16 tác phẩm ghi lại những ý kiến chân thật nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ năm 1991 đến 1998, ông đã viết được 4 cuốn sách về Bác Hồ, ngoài ra còn 2 cuốn sách Văn hóa và đổi mới, Về vấn đề giáo dục và đào tạo cùng trên 40 bài báo. Cho đến vài tuần trước khi vào nằm ở Viện Quân y 108 và ra đi vào cõi vĩnh hằng, ông mới đồng ý kể lại cho những người cháu ghi lại một phần cuộc đời mình, chủ yếu viết về gia đình.
Trước khi mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi con trai duy nhất là Phạm Sơn Dương lại bảo: “Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ có một sự nghiệp để tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, con xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta”.
Với bề dày hơn 70 năm hoạt động trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều năm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt, ông được nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản và học giả trong và ngoài nước, những người gần gũi với ông đánh giá là có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét ông “tác phong giản dị mà lịch thiệp”, “lối sống đạm bạc mà văn hóa”, “rất mực ôn hòa”, “hết mức bình dị”.
Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên Trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể: – Từ năm 1926, khi được gặp Bác Hồ ở Quảng Châu cho đến tận những năm sau này sống làm việc gần Bác, đồng chí Phạm Văn Đồng đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ một cách tuyệt vời.
Khi cùng làm việc với Bác Hồ và cả sau khi Bác mất, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn giữ nếp sống rất đơn giản với một chút cơm, một chút cá hoặc thịt và mấy cọng rau. Tác phong công việc, cách quan hệ, tiếp xúc với mọi người, đồng chí Phạm Văn Đồng đều chịu ảnh hưởng từ Bác Hồ. Ông Nguyễn Tiến Năng nhớ nhất hình ảnh lúc Bác mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khóc rất nhiều. Có thể nói, đồng chí Phạm Văn Đồng học Bác Hồ từ chuyện nhỏ nhất, điều đó tạo nên ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân.
“Một cuộc đời vì nước vì dân, ông ra đi không để lại tài sản gì. Đó là một tấm gương cao đẹp mà chúng tôi là những người giúp việc hết sức thấm thía, tự nhủ mình phải rèn luyện bản thân. Điều đó bác Phạm Văn Đồng làm theo tấm gương Bác Hồ, tất cả sinh hoạt hằng ngày gần giống Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc sống, làm việc, sinh hoạt rất giản dị, sâu sắc” (Lời ông Nguyễn Tiến Năng).
Cũng theo ông Năng, khi nghe báo cáo kết quả về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hoan nghênh nông thôn Hải Phòng đã đổi mới, đồng thời nhấn mạnh cái mới luôn là cái khó khăn. “Mười phần mà làm tốt năm phần, hai phần vừa vừa và ba phần hỏng cứ mạnh dạn mà làm, dũng cảm mà làm, có sai thì sửa”. Sau khi tổng kết kinh nghiệm giao khoán hộ xã viên ở một số địa phương trong đó có Hải Phòng, ngày 13-1-1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh – tại Đà Lạt – nghe Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh dẫn đoàn cán bộ chủ chốt và doanh nghiệp của thành phố báo cáo, đã tháo gỡ khó khăn của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, cho phép Thành phố Hồ Chí Minh làm thử cơ chế mới. Ông cũng ủng hộ Long An đột phá về bù giá vào lương. Từ đó đã chuyển nhận thức trong các đồng chí lãnh đạo, đổi mới về nguyên tắc quản lý kinh tế, được khẳng định ở Đại hội Đảng lần thứ VI.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Ở Phạm Văn Đồng có khát vọng đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc, đồng bào mình.
Khi đã trở thành người có cương vị trong bộ máy nhà nước thì toàn tâm, toàn ý hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, không màng lợi ích riêng tư. Đặc biệt ở đồng chí Phạm Văn Đồng, nổi bật nhân cách “cần kiệm liêm chính – chí công vô tư”, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân.
GS Nguyễn Trọng Phúc nói tiếp: “Phạm Văn Đồng thể hiện tầm nhìn chiến lược, người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chiến lược thì phải có tầm nhìn xa có phân tích, dự báo, điều đó đòi hỏi người ấy có tầm trí tuệ. Bác Phạm Văn Đồng chính là người học được Bác Hồ ở điểm đó, luôn luôn làm giàu trí tuệ của mình bằng tất cả sự học hành quan sát tiếp nhận để từ đó phân tích đánh giá và đưa ra những dự báo cần thiết”.
“Học theo Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng suốt đời tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Đồng chí là tấm gương phấn đấu, hy sinh, trọn đời vì độc lập của Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi và phong phú của đồng chí Phạm Văn Đồng là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cộng sản. 32 năm với cương vị người đứng đầu Chính phủ, với trọng trách người đứng đầu cơ quan hành pháp, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân” (*).
Nguyễn Xuân Ba
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 415