Có thể, sau khi tung ra một lời hạ nhục với cô "hoa khôi bán d.âm", những "chúng ta" sẽ chẳng còn nghĩ gì, sẽ quên khuấy trong ba nốt nhạc. Nhưng những bản án dư luận ấy sẽ đeo đẳng suốt đời đối với cô gái, với gia đình cô, và cả những đứa trẻ sẽ ra đời sau này.
Xin hãy ghé qua trang Facebook cá nhân của cô gái vừa bị giữ trong "đường dây mãi d.âm ngàn đô". Ghé qua không phải để xem cô ấy như thế nào, từng nói gì, quan hệ, mỉm cười ra sao, mà ghé qua để chứng kiến sự độc ác của chính chúng ta.
Hoa khôi P.T.T.H vừa bị bắt vì nằm trong đường dây mại d.âm giá nghìn đô. |
Rồi cái danh hiệu hoa khôi của cô. Rồi cả việc cô từng bảo "muốn giữ sự trong sáng"... Tất tật được đem ra mỉa mai, nhạo báng, giễu cợt, chửi rủa... từ những đồng bào chẳng hề liên quan, không quen không biết, chẳng oán không thù.
Từ bao giờ chúng ta đóng vai cảnh sát kiêm công tố rồi tuyên xử luôn như vậy?
Định kiến trong một xã hội pháp luật coi mại d.âm là bất hợp pháp đang khiến chúng ta bỗng trở nên thù địch trong cách nhìn, nhất là đối với những cô gái có chút ít tiếng tăm, chút ít nhan sắc, chút ít hình ảnh, chút ít phát ngôn. Trong khi thực ra, hành vi bán d.âm chỉ là một vi phạm hành chính.
Juno, một cô gái điếm từng xuất hiện trên một diễn đàn để "gửi tới thế giới một thông điệp". Rằng: Các cô gái bán d.âm là một con người thật. Họ không muốn bị tội phạm hoá. Họ muốn được nhìn nhận mại d.âm như một thứ lao động.
Tôi không nghi ngờ vào sự trong sáng của các cô gái. Cô ấy lao động và nhận tiền từ lao động, không lừa đảo, không cưỡng đoạt, không trộm cắp, không tham nhũng của ai. Một người bán d.âm chưa và không bao giờ là sự phủ nhận của hai chữ trong sáng cả thưa "chúng ta"!
Mạt sát cái xấu không phải là cách khiến chúng ta tốt đẹp hơn. Một cái xấu, cũng không thể xoá bỏ bằng một sự độc ác tập thể.
Mại d.âm sẽ không bao giờ chấm dứt chừng nào trong xã hội còn hai chữ "cung- cầu". Và sẽ càng không thể chấm dứt trước những câu chuyện đại loại "Đồ Sơn, Quất Lâm" không có mại d.âm.
Có lẽ, chúng ta nên học cách tôn trọng lao động của những người khác thay vì "pha thuốc độc" trong những lời lẽ rủa xả, thay vì "găm những viên đạn vào bàn phím"! Thay vì hạ nhục bằng những chữ "nhân phẩm"!
Trong Lời đề tựa trong cuốn "Thiện, ác và smartphone" của TS Đặng Hoàng Giang có một câu thế này: Vấn đề ở đây là máu thật, và những số phận người thật".
Còn Juno, cô ấy từng đặt một câu hỏi: Hình như chưa một ai trên thế giới này đặt câu hỏi "các cô gái cần gì".
Theo Anh Đào/laodong.com.vn