Trong nhiều thập kỷ, các khoản viện trợ kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam nằm trong khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD. Cho đến giữa những năm 1980, khi Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, họ vẫn dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD mỗi năm.
Ngày 16/3, tờ RBTH – một ấn phẩm của hãng truyền thông Rossiyskaya Gazeta (Nga) có bài viết với tiêu đề “Liên Xô đã giúp Việt Nam tái thiết thời hậu chiến như thế nào”. Bài báo đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Liên bang Xô viết và Việt Nam kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1950) đến nay và nhấn mạnh đến tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Liên minh kinh tế Á – Âu (2015).
Các chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam trên công trường nhà máy thủy điện Hòa Bình. |
Sự giúp đỡ về kinh tế của Liên Xô đối với Việt Nam đã bắt đầu rõ nét và ấn tượng sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30 tháng 1 năm 1950. Trong giai đoạn từ 1955 đến 1958 thì “các yếu tố Liên Xô” bắt đầu đóng góp một vai trò nổi bật trong việc hình thành nền móng của nền kinh tế quốc gia Việt Nam. Hàng loạt hiệp ước, hiệp định nhằm xây dựng và củng cố nền tảng của các cơ sở kinh tế và sự phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khoa học, kỹ thuật, tài chính... Mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam) cứ tăng dần đều theo các năm cho đến khi kết thúc chiến tranh và tiếp tục duy trì cho đến khi Liên bang Xô viết tan rã.
Phần lớn các khoản viện trợ kinh tế của Liên Xô hướng vào việc tái thiết và phát triển của các ngành công nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Liên Xô giúp khôi phục và xây dựng các cơ sở của ngành công nghiệp mới nổi của Việt Nam, giúp tạo ra các nông trường quốc doanh, khảo sát địa chất, phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc, cũng như trong các lĩnh vực giáo dục và y tế...
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô đã chuyển thành "hợp tác cùng có lợi", nhưng với tinh thần "anh em", Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ kinh tế lớn cho đến giữa những năm 80.
Trong giai đoạn từ năm 1978 đến giữa những năm 1980, Liên Xô đã cung cấp các khoản viện trợ từ 700 triệu đến 1 tỷ USD viện trợ hàng năm cho Việt Nam. Các viện trợ bao gồm các khoản cho vay, tín dụng thương mại, đào tạo kỹ thuật, các dự án hỗ trợ, trợ giá...
Với việc ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu trong năm 2015, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rằng sẽ nâng cao mức thương mại song phương với các nước thuộc liên minh kinh tế gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ lên 10 tỷ vào năm 2020. Nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với mức thương mại song phương hàng năm giữa Hoa Kỳ và Việt Nam với hơn 30 tỷ USD.
Một thời gian dài trong quá khứ, Moscow chính là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội, mối quan hệ đặc biệt này kéo dài từ những năm 1970 đến năm 1991 với một thực tế rằng Liên Xô là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Việt Nam.
"Toàn bộ các cơ sở công nghiệp của Việt Nam sau chiến tranh đã được khôi phục và xây dựng bởi sự giúp đỡ của người Liên Xô," Hoàng Khư, một cựu chuyên viên kỹ thuật của liên doanh dầu khí Vietsovpetro cho biết.
Ông cho biết, sự giúp đỡ của người Liên Xô/ Nga đã vượt ra ngoài cả dầu khí. "Sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và sau này là Nga đã vượt ra ngoài phạm vi lĩnh vực dầu và khí đốt. Chuyên gia Liên Xô đã giúp đỡ rất nhiều trong việc tái thiết miền Nam, làm sạch những vùng đất nông nghiệp đã bị nhiễm chất độc da cam và các hóa chất độc hại khác".
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, cũng có một số quốc gia viện trợ tái thiết cho Việt Nam. Trung Quốc đã góp khoản tiền khoảng 300 triệu USD viện trợ hàng năm, cho đến khi hai nước xảy ra xung đột biên giới năm 1979. Nhật Bản cũng là một quốc gia sẵn sàng cung cấp các khoản viện trợ cho Việt Nam và các khoản viện trợ này bị ngưng khi Việt Nam đem quân giải phóng Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Polpot.
Ở phương Tây, chỉ có một quốc gia duy nhất cung cấp sự hỗ trợ cho Việt Nam bất chấp Chiến tranh Lạnh, đó là Thụy Điển. Khoản viện trợ trung bình hàng năm của Thụy Điển cho Việt Nam cho đến năm 1986 là khoảng 100 triệu USD. Các khoản viện trợ của Liên Xô đến Việt Nam tăng vọt khi Hà Nội gia nhập khối Comecon, một tổ chức kinh tế của các quốc gia khối XHCN bao gồm Liên Xô, Bulgaria, Cộng Hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Romania.
Trong một nghiên cứu đã được công bố bởi Thư viện Quốc hội Nga (Library of Congress), các khoản viện trợ kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam nằm trong khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD trong năm 1978. Cho đến giữa những năm 1980, khi Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, họ vẫn dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD hàng năm.
"Chúng tôi đã xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện ở Việt Nam..." Nikolai Baltak, một chuyên gia kỹ thuật người phục vụ ở Việt Nam từ năm 1983 đến năm 1987 cho biết, "Chúng tôi đã giúp đỡ cho đến khi Liên Xô không còn khả năng để trợ giúp Việt Nam”.
"Tuyến đường sắt Bắc-Nam từ thành phố Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh đã được người Liên Xô giúp xây dựng lại, Liên Xô đã cũng cung cấp sự hỗ trợ về kỹ thuật để xây dựng lại các cây cầu lớn nhất trong cả nước." Ông Khư cho biết.
"Các cơ sở hạ tầng du lịch thời Pháp bị phá hủy bởi chiến tranh đã được người Liên Xô giúp đỡ xây dựng lại. Những khách du lịch đầu tiên từ châu Âu đến Việt Nam sau khi kết chiến tranh chính là người Liên Xô/ Nga. Việt Nam sau chiến tranh đã bị bao vây cô lập, nhưng ngay cả với người Liên Xô bình thường họ cũng có một cái nhìn sâu sắc vào việc tái thiết lại Việt Nam. Hiện tại Việt Nam hiện là một trong những điểm thu hút khách du lịch Nga phổ biến nhất ở châu Á", Ông Khư chia sẻ.
Hiện tại thương mại Việt - Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần so với Việt-Nga, nhưng "có rất nhiều cơ hội mà người Nga có thể thấy ở thị trường Việt Nam. Nga chắc chắn vẫn là đối tác ưu tiên của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, quốc phòng và điện hạt nhân." Ông Khư cho biết thêm.
Nhiều hy vọng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa Moscow và Hà Nội. Xuất khẩu xe Renault và thành lập cụm công nghiệp Việt Nam tại Moscow sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế với quốc gia đã từng là người bạn quan trọng nhất của Việt Nam.
Hồ Trung Nghĩa (tổng hợp)/Baomoi