Những ngày qua, tôi đã sống với những băn khoăn, trăn trở lẫn lộn buồn vui, thất vọng và hi vọng. Tôi đã xúc động thật sự trước những lời bộc bạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phút nghẹn ngào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 6 bế mạc, TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại Thủ đô Hà Nội và TP. HCM.
Ở hai đầu đất nước, cả hai vị đứng đầu của Đảng và Nhà nước thông báo những thành công của Hội nghị đồng thời thẳng thắn giải đáp những bức xúc và trả lời câu hỏi của các cử tri. Đặc biệt là ở hai lĩnh vực, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và chống tiêu cực, tham nhũng.
Lời bộc bạch của Chủ tịch nước và phút nghẹn ngào của Tổng bí thư (ảnh minh hoạ) |
Đối với tình hình tiêu cực, tham nhũng, Chủ tịch nước hết sức day dứt. Ông day dứt vì tình trạng tiêu cực tham nhũng ngày càng nhiều và tinh vi. Ông day dứt vì không bảo vệ được những người tố cáo tham nhũng. Ông day dứt vì những tài sản không minh bạch của một số cán bộ, đảng viên và thẳng thắn thổ lộ là khi nghỉ, ông sẽ về quê, trả lại nhà cho Đảng. Ông bộc bạch: “Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.
Đọc đến đây, tôi rất xúc động và kính phục ông bởi sự giản dị đến ngỡ ngàng. Một người đã từng nhiều năm nắm những cương vị cao, gắn liền với lĩnh vực kinh tế như Chủ tịch UBND TP. HCM, Trưởng ban kinh tế Trung ương và giờ đây là Chủ tịch nước mà gia đình sống trong căn nhà chỉ có 51m2, hơn căn nhà của tôi có 10 m2 thì sự giản dị đến mức ngạc nhiên.
Với đời sống sinh hoạt như vậy minh chứng suốt bao nhiêu năm qua, ông đã giữ được mình, giữ cho gia đình vợ con mình tránh xa ma lực của cám dỗ vật chất. Đây quả là một nỗ lực phi thường. Chỉ một điều này thôi, ông đã dành trọn vẹn niềm tin yêu, kính phục của nhân dân cả nước.
Và có lẽ từ thâm tâm mình, Chủ tịch Trương Tấn Sang biết ơn vợ con và những người thân của ông về điều đó.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ phút nghẹn ngào của TBT Nguyễn Phú Trọng lúc đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Khi ông thay mặt Bộ chính trị, Ban bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước, giọng ông bỗng nghẹn ngào.
Thế nhưng sự nghẹn ngào của ông là tất yếu bởi không nghẹn ngào sao được khi mà một Đảng sinh ra từ nhân dân, nguyện chiến đấu quên mình vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; phấn đấu hết mình vì lợi ích của nhân dân mà ở một số nơi, một số thời điểm đang có biểu hiện xa dân, rời dân, suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.
Không nghẹn ngào sao được khi một số đồng chí của ông là cán bộ cao cấp cả đương chức và nguyên chức có những việc làm chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, ảnh hưởng đến uy tín, đến hình ảnh của Đảng.
Không nghẹn ngào sao được bởi tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng trầm trọng và tinh vi trong khi công cuộc phòng chống lại ít hiệu quả, nhất là sự xuất hiện của các “lợi ích nhóm”.
Không nghẹn ngào sao được khi để xảy ra những vụ như Vinashin, Vinalines gây tổn thất lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nền kinh tế mà còn suy giảm niềm tin của nhân dân cũng như của các tổ chức kinh tế thế giới…
Ông nghẹn ngào còn bởi ông là người thanh liêm, chính trực, gia đình con cái không một điều tiếng mà giờ đây phải đứng ra nói lời xin lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân là nỗi đau quá lớn.
Ông nghẹn ngào bởi ông và các đồng chí của ông phải đối mặt trước lịch sử của dân tộc. Ngày mai, lịch sử sẽ viết như thế nào về ông và các đồng chí của ông những tháng năm này?
Hình ảnh mái tóc bạc phơ, cặp kính trắng trễ xuống khi ông nghẹn ngào nói lời xin lỗi với Đảng, với Dân chắc lòng ông đau đớn, xót xa và còn hơn thế nữa là một quyết tâm không gì lay chuyển…
Những ngày qua, tôi đã sống với những băn khoăn, trăn trở lẫn lộn buồn vui, thất vọng và hi vọng. Tôi đã xúc động thật sự trước những lời bộc bạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phút nghẹn ngào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đối với tôi, cả hai ông đã để lại một ấn tượng sâu sắc, sự kính trọng thực lòng và một niềm tin bởi ở vì hai ông, một người là lãnh đạo cao nhất về Đảng và một người là lãnh đạo cao nhất đất nước.
Khi Đảng, Nhà nước cộng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chắc chắn đất nước sẽ mở sang một trang mới, phải không các bạn?
Nguồn: Bùi Hoàng Tám/ Báo Dân Trí đăng năm 2012