“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” - câu ví này có từ thời tôi thi đại học, cách đây hơn 20 năm.
Hơn 20 năm trước, tôi chọn Sư phạm Ngoại ngữ (khối D) bởi tôi học không tốt khối A, cụ thể là toán.
Nhưng tôi có ưu thế về văn và tiếng Nga. Thi đại học hai môn này tôi đều đạt điểm 9. Học sư phạm, chọn ngành đúng sở thích và sở trường, tôi chưa bao giờ tự ti mình là “chuột chạy cùng sào”. Bạn bè cùng khóa tôi dạo đó phần nhiều là dân trường chuyên, được tuyển thẳng do đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Chúng tôi vẫn họp khóa hàng năm, nhìn thấy nhau thành đạt, và vẫn tự hào với xuất thân Sư phạm Ngoại ngữ, một trường đại học uy tín.
'Một thế hệ thầy giáo tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc' |
Nhưng trong lúc nhiều ngành học lấy điểm rất cao, thậm chí vượt cả mức tối đa, thì tôi ngạc nhiên nhận thấy ngành sư phạm tiếp tục "rớt giá" thê thảm. 9 điểm ba môn vẫn trúng tuyển để được học và trở thành một nhà giáo tương lai. Chúng ta liệu có thể lạc quan với một nền giáo dục mà đứng lớp là những giáo viên thi đại học chỉ đạt 3,6 điểm toán, 2,75 điểm ngữ văn cho chính môn chuyên ngành của mình? Tôi thì cho đó là thảm họa.
Sự sàng lọc phân cấp chất lượng thí sinh đã quá rõ ràng qua bảng điểm chuẩn. Và sư phạm, ngành học lẽ ra cần chọn lọc được những cá nhân ưu tú nhất lại đang phải tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”.
Học sinh giỏi không muốn trở thành giáo viên, phụ huynh tránh chọn sư phạm. Vị trí người thầy, từ chỗ được coi là nghề cao quý trong xã hội, đã ngày càng bị hạ thấp. Nhiều người thậm chí còn ngây thơ tin rằng, Internet cũng có thể thay thế người thầy bằng xương bằng thịt trên bục giảng. Ngành giáo dục trong khi đó dường như không có một nỗ lực nào đáng kể để lôi kéo, thu hút nhân tài trong xã hội. Đồng nghiệp của tôi ở vùng sâu vùng xa sống kham khổ, thiếu thốn; thầy cô ở nông thôn sống chật vật, bấp bênh; còn giáo viên thành thị, tôi tin, đến 80% sẽ không trụ lại được với nghề nếu chỉ sống bằng lương. Dạy thêm, chúng tôi có cơ hội cải thiện thu nhập nhưng sẽ đối diện với sự chỉ trích của xã hội, sự coi thường của phụ huynh, thậm chí của học sinh. Ai sẽ chọn một cái nghề như thế. Tôi hiểu vì sao, thế hệ trẻ bây giờ sẽ chỉ chọn trường sư phạm khi họ không còn lựa chọn nào khác.
Bản thân tôi, kể từ ngày vào ngành, đã hy vọng và chờ đợi hơn 10 năm nay một chính sách, một đường lối thực sự hiệu quả để giải thoát giáo dục khỏi bế tắc. Mỗi đời bộ trưởng, lại là một lần hy vọng và chờ đợi. Hy vọng và chờ đợi cho chính những thế hệ học sinh của tôi, cho chính con cái tôi... Nhưng mỗi đời bộ trưởng dường như chỉ gây bàn tán bằng một phương thức tuyển sinh đại học mới, mà theo cảm nhận và đánh giá của tôi, mỗi lần thay đổi phương thức tuyển sinh lại là một lần gánh nặng học hành thêm trĩu đôi vai của cả cô, trò và cha mẹ. Trong khi cốt lõi của giáo dục là phải làm thế nào để không ngừng nâng cao chất lượng của những người thầy, thì chất lượng này lại đang được phản ánh một cách đầy bi quan qua chính kỳ thi tuyển sinh đại học những năm qua.
Tôi, dù yêu nghề đến đau đớn, cũng đã từ lâu không định hướng cho con nối nghiệp mẹ. Bởi kể cả nếu con tôi có năng lực và đam mê, nhưng liệu có đủ sức để cống hiến và vực dậy một ngành nghề mà đồng nghiệp của mình phần nhiều là những người từng bị xã hội nhìn nhận là “chuột chạy cùng sào”?
Chúng ta đang cố gắng chạy đua với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong cuộc đua đó, chúng ta không tiếc tiền đầu tư nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nhưng nhân sự ngành giáo dục vẫn chưa được đầu tư đúng mức, đúng cách. Chúng ta sẽ sớm hụt hơi nếu tham gia vào cuộc đua là một thế hệ không được trang bị đầy đủ tri thức thông qua giáo dục.
Những điểm 2, 3 của ngành giáo dục đã sớm đưa ra cảnh báo rằng: "Một thế hệ thầy giáo tồi sẽ làm hỏng cả một dân tộc".
Theo ĐỖ SÔNG HƯƠNG / VNEXPRESS