Thứ Ba

Những chiến sĩ người Việt trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô

Vào ngày thứ tư sau khi quân phát xít tấn công Liên Xô năm 1941, 7 người Việt Nam đã tình nguyện gia nhập Hồng quân và hy sinh để đóng góp cho chiến thắng vĩ đại của đất nước anh em.

Theo Sputnik, đầu tháng 10/1941, Moskva bị đe dọa khi quân phát xít với lực lượng tập trung hai triệu binh sĩ, hơn 14.000 súng, 2.000 xe tăng, 1.500 máy bay, áp sát thủ đô, chỉ cách khoảng 20 km. Trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh nhấn chìm thành phố, biến nơi đây thành "một cái hố khổng lồ".
Trước tình thế nguy cấp, các sư đoàn tinh nhuệ được điều về Moskva. Sau khi chiến tranh bùng nổ 4 ngày, Lữ đoàn Motor Cơ động Đặc nhiệm (OMSBON) được thành lập.

Hình Minh Hoạ
Trong lực lượng này lúc đó có các chiến sĩ người Việt là Vương Thúc Tình, Lý Anh Tạo, Lý Nam Thanh và Lý Thúc Chất. Những chiến sĩ Việt Nam trên chính là nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ Quảng Đông sang Nga vào năm 1926.

Đơn vị của họ đã tham gia bảo vệ thủ đô Moskva tại một khu vực trên đường dẫn tới sân bay quốc tế Sheremetyevo. Hiện giờ nơi đây có một tượng đài lớn tái hiện "hàng rào lông nhím chống tăng" để tưởng nhớ công lao của lực lượng này.

Một người Việt khác trong Hồng quân là ông Lý Phú San. Dù không tham gia chiến đấu mà làm công tác hậu cần tại quân y viện Moskva, ông đã nhiều lần hiến máu để cứu những chiến sĩ Hồng quân bị thương.

Vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát xít Đức, Nga đã truy tặng cho 5 người Việt Nam trên Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga công bố thêm danh tính hai chiến sĩ Hồng quân người Việt là Lý Văn Minh và Lý Chí Thông. Họ cũng chiến đấu trong lữ đoàn OMSBON đến cuối năm 1942. Tuy nhiên, thời điểm và địa điểm họ hy sinh vẫn chưa được xác định.

Trong 7 chiến sĩ Việt Nam tham gia Hồng quân, ông Lý Phú San, là người duy nhất còn sống sau khi cuộc chiến kết thúc ngày 9/5/1945. Giải ngũ, ông làm việc tại xí nghiệp quốc phòng phía đông Liên Xô. Năm 1956, ông về nước và qua đời năm 1980.

Tên thật của ông là Lê Tư Lạc. Tên gọi Lý Phú San do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho ông. Con gái của ông, bà Lê Thị Phượng, đang làm việc ở Moskva, đã cất giữ hộp tro cốt của cha mình trong nhà hơn 10 năm. Năm 2001, bà đưa cả bố và mẹ về an táng tại nghĩa trang ở rìa thành phố.

"Người dân Việt Nam luôn dành sự tôn trọng cho Liên Xô cũ cũng như nước Nga ngày nay. Bản thân tôi, cũng giống như cha tôi, coi nước Nga là quê hương thứ hai của mình", bà Phượng chia sẻ với Spunik.

Con trai của bà, Mikhail, hiện cũng là sinh viên của một trường đại học ở Moskva.

Vào Ngày Chiến thắng 9/5 hàng năm, người dân Nga luôn tổ chức các sự kiện kỷ niệm, đặt hoa tại đài tưởng niệm với tấm lòng biết ơn tất cả những người đã bảo vệ Tổ quốc trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đóng góp cho chiến thắng chống Đức quốc xã, trong đó có những chiến sĩ người Việt Nam.

Theo VIETTIMES / SPUTNIK