(Mặc dù bài viết được báo điện tử Nhân dân đăng cách đây là 3 năm 5 tháng, nhưng đến nay nó vẫn nóng hổi tính thời sự. Xin phép bác Hồ Ngọc Thắng được chép lại bài viết này)
Sau khi Báo Nhân Dân đăng loạt bài liên quan tới xu hướng "xét lại lịch sử, viết lại lịch sử", từ CHLB Ðức, tác giả Hồ Ngọc Thắng đã gửi tới Tòa soạn bài viết với một số dẫn chứng từ xu hướng này ở CHLB Ðức và nêu lên những suy nghĩ của tác giả. Ðể nhìn nhận vấn đề trên một bình diện rộng hơn, xin giới thiệu bài viết để bạn đọc tham khảo.
Ở châu Âu nói chung và ở CHLB Ðức nói riêng, xu hướng xét lại lịch sử đã xuất hiện từ khá lâu nhưng không liên tục; thường thì sau một thời gian có vẻ trầm lắng, khi có điều kiện thuận lợi thì xu hướng đó lại trỗi dậy. Những năm qua, từ một số biểu hiện tiêu cực của nó, xu hướng "xét lại lịch sử" dẫn đến nỗi lo ngày càng lớn với Nhà nước và xã hội Ðức. Nhiều chính trị gia, một số nhà chính trị học, xã hội học, luật học, tâm lý học,... đã tranh luận gay gắt về xu hướng này, và đưa ra nhiều luận chứng khác nhau về nguyên nhân, biện pháp xử lý. Nhưng có một điểm thống nhất chung là, đánh giá về hậu quả nghiêm trọng trước mắt cũng như lâu dài của xu hướng xét lại lịch sử một cách cực đoan, và đều nhất trí, cần phải hành động ngay.
Những quan điểm sai trái trong nghiên cứu lịch sử, 'xét lại lịch sử, viết lại lịch sử' |
Một trong các biện pháp để chống lại xu hướng xét lại lịch sử cực đoan mà cơ quan lập pháp và tư pháp CHLB Ðức đưa ra là các quy định trong Ðiều 130 Bộ luật Hình sự. Theo đó, từ năm 1994, công khai "từ chối Holocaust" là một tội phạm, và có thể bị phạt từ ba tháng đến năm năm tù, hoặc bị phạt tiền. Trong những năm qua, một số người phải hầu tòa vì tội danh này, và hình phạt tù giam cũng đã được thực thi. Một cố gắng khác của Quốc hội, Hội đồng liên bang và Chính phủ CHLB Ðức để cấm các hoạt động của NPD là đệ đơn ra Tòa án hiến pháp Liên bang - tòa án cao nhất của CHLB Ðức. Nhưng đến nay cố gắng đó vẫn chưa thành công. Ngày 18-3-2003, Tòa án hiến pháp Liên bang đã đình chỉ thủ tục xét xử vì "lỗi của thủ tục". Nguyên nhân sâu xa là một thực tế được phanh phui: Ccơ quan bảo vệ hiến pháp, tức cơ quan tình báo đối nội, đã cài nhiều điệp viên ngầm vào hàng ngũ lãnh đạo của NPD. Cho đến nay, câu hỏi: Liệu NPD có phải là một đảng đã vi hiến hay không (?) vẫn chưa được xem xét, nên vấn đề chưa được phán quyết. Trong đợt bầu cử Quốc hội tiểu bang vừa qua, một số đảng viên của đảng này đã thu đủ số phiếu của cử tri để trở thành đại biểu Quốc hội tiểu bang ở hai tiểu bang.
Hiện nay, có một vụ án hình sự lớn nhất ở CHLB Ðức trong vòng 20 năm qua đang được xét xử tại TP Munich. Sự việc bắt đầu từ sự tình cờ, sau một vụ án cướp ngân hàng, cơ quan công an phát hiện một nhóm "cực hữu Quốc xã bí mật" (NSU). Trong mấy năm gần đây, nhóm này đã ám sát chín người nước ngoài và một nữ cảnh sát CHLB Ðức. Theo kết quả điều tra của cảnh sát hình sự, thì nhóm NSU đã nhận được hỗ trợ tích cực của một số đảng viên NPD. Sau khi tình tiết của vụ án NSU được tiết lộ, các tiểu bang mới thống nhất sẽ cho khởi động lại thủ tục cấm NPD. Và đó cũng là một lý do để thời gian vừa qua nhiều cá nhân và đảng phái phê phán các lực công an, an ninh. Họ cho rằng, cơ quan nhà nước đã quá lơ là với lực lượng cực hữu - gồm những người cực đoan luôn đưa ra đòi hỏi xem xét lại lịch sử.
Là người sống ở nước ngoài nhưng luôn hướng về Tổ quốc, luôn quan tâm tới quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, qua báo chí tôi cũng nhận thấy ở Việt Nam đang có một số cá nhân theo xu hướng xét lại lịch sử. Phần lớn ý kiến và bài viết của mấy người này được phát tán trên internet, hoặc được một số báo, đài phương Tây đăng tải. Theo quan sát của cá nhân tôi, phần lớn bài viết theo xu hướng xét lại lịch sử thường liên quan đến cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; bên cạnh đó là đề cao một số người, nhóm người trước đây từng bị phê phán; thậm chí ca ngợi, phục dựng và tô vẽ bộ mặt của chế độ Sài Gòn trước đây. Nhưng may mắn cho tôi là không những đã được học lịch sử, đọc sách lịch sử, mà thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên trong chiến tranh nên đã nghe tận tai và nhìn tận mắt rất nhiều sự kiện, vấn đề đã xảy ra trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Những điều tai nghe, mắt thấy đó trở thành ký ức không quên, ăn sâu vào tiềm thức, giúp chúng tôi nhìn nhận một cách khách quan toàn diện về rất nhiều vấn đề lịch sử. Nên tôi không thể nào đồng tình với một vài người, trong những năm tháng kháng chiến gian khổ không trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nay muốn "nhìn nhận lại" cuộc kháng chiến đã qua rồi đặt câu hỏi "đã được gì sau cuộc chiến" (!?). Ðọc các bài có quan điểm này, thường tôi hồi tưởng tới những năm tháng chiến tranh. Như ngày 5-8-1964, lúc 10 tuổi, lần đầu tôi thấy máy bay Mỹ bay rất thấp ở quê tôi, một vùng biển Thanh Hóa. Rồi đến ngày 3-4-1965, lần đầu máy bay Mỹ ném bom từ sáng đến tối quanh làng tôi, ngay bên nhà tôi. Và đó cũng là lần đầu tôi đã thấy nhiều người chết và bị thương do bom đạn của đế quốc Mỹ... Ký ức năm xưa giúp tôi nhận ra các bài viết đó không phải là nghiên cứu lịch sử, không phải xem xét lại để giúp hiểu thêm quá khứ, mà chỉ nhằm xuyên tạc, tuyên truyền cho cái nhìn lệch lạc, gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều tài liệu mật của nước Mỹ, của quân đội Mỹ liên quan tới chiến tranh Việt Nam, từ những vấn đề cơ bản như nguyên nhân, vai trò của chính quyền Mỹ, diễn biến từng giai đoạn,... đã được giải mã, các nhà nghiên cứu được phép tiếp cận. Nhưng trong thời gian qua, không chỉ một số người ở hải ngoại mà có người ở trong nước vẫn đưa ra luận điệu xuyên tạc "miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam", "cộng sản tàn sát dân chúng". Từng là "Bộ đội Cụ Hồ", năm 1972 tham gia Chiến dịch Xuân hè ở Quảng Trị, sau khi vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, tôi và đồng đội được đưa đến trú ẩn trong một làng thuộc huyện Gio Linh. Dù hơn 40 năm trôi qua, tôi không thể quên sự tiếp đón, chăm sóc của nhân dân ở ngôi làng này. Bà con còn nghèo nhưng thương quý chúng tôi như con em trong nhà. Ðó là nguồn sức mạnh to lớn trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những ai đang tán phát bài viết để "hạ bệ thần tượng" với ý đồ thực hiện "diễn biến hòa bình", gây nghi ngờ trong nhân dân, từ đó tiến công vào chế độ, tôi xin kể chuyện này: Ðó là trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam, khi đơn vị nghỉ dừng chân vài ngày tại một Binh trạm của Binh đoàn 559, tôi gặp một tù binh Mỹ da trắng. Máy bay bị bắn hạ và anh ta bị bắt. Lực lượng bảo vệ cho chúng tôi biết, người tù binh này nghiện thuốc lá và biết nói một ít tiếng Việt. Nên khi mấy anh chàng lính trẻ chúng tôi tặng một bao thuốc lá, anh ta liền nói: "Cảm ơn!". Sau đó anh ta nói với tôi cùng các chiến sĩ khác của đơn vị đang đứng chung quanh là: "Hồ Chí Minh muôn năm", "Không gì quý hơn độc lập tự do"... Tôi nghĩ, một người tù binh có thể làm các công việc miễn cưỡng, nhưng chỉ khi có lòng tôn kính lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, một người ngoại quốc mới tự nguyện nói ra những điều như thế.
Viết và gửi bài này tới Báo Nhân Dân, tôi không có ý định coi những người có xu hướng xét lại lịch sử ở Việt Nam cũng tương tự như những phần tử cực đoan ở CHLB Ðức mà tôi đã đề cập. Nhưng những gì đã xảy ra ở CHLB Ðức trong thời gian qua là một bài học nếu không được cảnh tỉnh, thì một số tác giả có xu hướng "xét lại lịch sử" ở Việt Nam rất có thể đi tới sự lầm lạc. Tôi nghĩ bài học đó là: Dù động cơ trong sáng thì khi xét lại lịch sử vẫn phải thận trọng, cần nhìn nhận vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể, có quan điểm lịch sử, cái nhìn khách quan, tôn trọng sự thật. Với người đọc cũng vậy, cần tỉnh táo để nhận biết đúng sai, để không bị chi phối rồi hoài nghi về quá khứ, hoang mang về tương lai đất nước. Riêng với luận điệu của các thế lực thù địch, và các hành vi lợi dụng "xét lại lịch sử" để kích động hận thù dân tộc, tôi nghĩ Nhà nước và các nhà nghiên cứu cần có biện pháp thiết thực, kịp thời lên tiếng phê phán quan điểm sai trái để vừa giữ gìn sự lành mạnh của môi trường tri thức, vừa điều chỉnh nhận thức chung của xã hội.
Bài từ CHLB Đức của tác giả Hồ Ngọc Thắng/ báo nhân dân