Lúc còn làm Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh từng nói: “Bà con họ yêu quý mình, cái chi họ cũng nói Bá Thanh, Bá Thanh. Từ chuyện tương cà mắm muối đến chồng đánh, vợ bỏ nhà đi đều điện thoại kêu Bá Thanh. Nói thiệt, không có sự đồng thuận của người dân thì việc giải tỏa mấy chục vạn ngôi nhà có mấy chục Bá Thanh cũng chịu”.
Sau này nghiệm lại, việc ông làm “khác thường” lúc bấy giờ như gặp mặt xích lô xe thồ; các ông chồng vũ phu; thiếu niên hư… rồi có nhiều cuộc đối thoại, trong đó có cuộc cả ngàn cán bộ công chức đến nghe và chất vấn… tất cả đều là tìm kiếm sự đồng thuận của người dân thành phố.
Mà quả vậy, nếu như ở nhiều nơi, cần mở rộng một con đường thêm một mét chiều rộng thôi, dân tình cũng đòi cho được đến bù, dù đất ở nông thôn không phải là quá đắt, thì ở Đà Nẵng người dân tự đập bỏ hàng rào, cổng ngõ xây kiên cố để nhường đất mở rộng đường. Nếu không có sự đồng thuận thì “mấy chục Bá Thanh cũng chịu”…
Ông Nguyễn Bá Thanh và chuyện đồng thuận trong dân |
Tất cả những việc lùm xùm xưa nay đa phần đều xuất phát từ việc người dân không đồng thuận. Không đồng thuận vì thấy bất hợp lý, vì thấy không minh bạch, vì thấy hơi hướng cá nhân trục lợi và vì thấy dân… không được tôn trọng.
Việc xây một ngôi làng tái định cư cho người dân như những ngôi biệt thự sát liền nhau cho đồng bào dân tộc. Vì sao nhà cao cửa rộng nhưng họ vẫn bỏ đi nơi khác làm lán, làm nhà, để những “ngôi làng biệt thự” bỏ hoang hay việc xây một nhà văn hóa cộng đồng mà dân không đến sinh hoạt, xây một ngôi chợ khang trang mà dân vẫn họp chợ nơi khác… Đây là những điển hình về việc người dân không đồng thuận. Không đồng thuận vì bất hợp lý nhưng cán bộ chủ quan theo ý chí của mình, không lắng nghe nguyện vọng của người dân.
Muốn đồng thuận thì trước tiên phải nghĩ đến người dân, làm việc gì cũng nghĩ đến dân trước đã. Điều này không mới mà là rất xưa, xưa mà không làm, ít làm, xao nhãng thì bây giờ làm lại đúng tinh thần đó đã là… rất mới.
*****
Mới đây, làm việc tại Q.1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói không thể để người dân nơm nớp sống trong chung cư có thể sập bất cứ lúc nào.
“Nhà sập thì không chỉ chết dân mà còn sập cả mấy ông lãnh đạo nữa”. Riêng với Khu đô thị Tây Bắc, dọc theo QL 22 hiện nay còn khoảng 22.000 hộ dân đang kẹt trong quy hoạch. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt vấn đề: “Các ông hãy đặt địa vị của mình là người dân ở trong đó suốt 10 năm nay không được làm nhà. Người ta ở bao nhiêu đời lại quy hoạch thành đất cây xanh, trong khi ở phía sau là đất đầm lầy, đất trống nhà đầu tư nhìn là không muốn vào thì lại quy hoạch thành đất phát triển đô thị? Các ông thử chui vào nhà dân trong khu vực đó xem có ở được không?”
Muốn đồng thuận thì cán bộ phải quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và “đánh trúng” vào điều đó.
*****
Mới rồi, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã cảm ơn dân vì những “hành động đẹp”, đó là biểu hiện rõ nét về việc hướng đến và đánh giá đúng vai trò của người dân. Mỗi người dân không tự bỏ rác vào bao mà xả ra vô tội thì có cả ngàn lãnh đạo cũng chẳng đi gom được. Anh công an cạy nắp cống lấy điện thoại cho du khách, người dân tự nguyện nhặt rác do ai đó vừa thải cũng là một “hành động đẹp”. Nếu cán bộ quan tâm và biết khích lệ những hành động đẹp đó, khiến nó có sự lan tỏa, đó chính là tìm được sự đồng thuận.
Du khách đến Đà Nẵng khi về thường viết trên trang cá nhân của mình: “Đà Nẵng đẹp quá, sạch quá, đáng sống quá, mình vào Đà Nẵng ở thôi”. Chọn nơi cư trú là quyền của công dân, nhưng ơ hay, Đà Nẵng đâu phải sinh ra đã sạch, đã đẹp, đó là do công dân Đà Nẵng (lãnh đạo cũng là công dân) chung tay mà thành, tại sao không đồng thuận, chung tay mà thành như Đà Nẵng để mình đáng sống ngay tại quê mình?
Nói thế không có nghĩa Đà Nẵng cái gì cũng tốt, cũng hoàn hảo, vì Đà Nẵng không phải… thiên đường. Nhưng những gì TP này đã làm được chính là bài học về sự đồng thuận có thể để nơi khác tham khảo, nhất là các tỉnh miền Trung vốn có vị trí địa lý và phong tục tập quán khá giống nhau.
Nguyễn Thế Thịnh/ Báo Thanh Niên