Lại bốn cuộc họp liên tiếp, đều triệu tập cô. Họ xem cô như người đang phá không để yên cho họ làm việc.
1. Từ nhà lên xã. Xã lên huyện. Tập trung hai đêm lại đi. Đường đi thăm thẳm, cây cối lút mặt người. Cứ tưởng đi đâu hóa ra là lên Tân Kỳ. Dọc đường, các anh không xưng tên mà cứ một hai gọi cô là “con o”. Bảy thanh niên của xã cùng đi đợt này chỉ mình cô là nữ. Mẹ không cho cô đi. Mẹ khóc. Con là chị cả, sau còn bốn đứa em ngơ ngơ. Cô bảo, con là đoàn viên, phải gương mẫu. Xã mình chưa có ai là nữ xung phong đi cả.
Cha ra cửa hàng nhờ may cho cô chiếc túi xách màu nâu để mang bên người, đựng hai bộ quần áo. Thanh niên cộng sản không được khóc. Khóc là yếu đuối. Cha chúc cô lên đường khỏe mạnh. Mẹ của anh cũng sang khuyên cô ở lại. Con đi lỡ nó về thì sao? Anh đã chết một năm rồi. Chưa có giấy báo tử nên gia đình vẫn nuôi hy vọng.
Sự thật ở Truông Bồn, lịch sử không thể làm giả được |
Lên mà thấy có con thì về, sao đâu. Thấy con sống và công tác thế này, mẹ yên tâm rồi. Mẹ vừa lên đã về ngay. Gần hai tháng nấu ăn thì được chuyển lên tổ làm đường. Nghe mà phấn khởi. Nấu ăn mãi thì chán chết, cứ có cảm giác tù túng. Anh em lại mỗi người mỗi ý, không biết nấu thế nào cho vừa.
2. Chiến tranh không chỉ ác liệt ở trong Nam. Cô nhận ra điều đó khi lần đầu chứng kiến cảnh máy bay ném bom hàng loạt xuống ven rừng vào một buổi chiều. Truông Bồn chiều hè. Gió lào khô khốc. Mùi khét của bom. không một tiếng chim. Sáng đi làm, thấy một dãy dài xe chở hàng cháy khét, lửa vẫn còn âm ỉ.
Chỉ thấy những hình người lái. không thể nhận ra các anh là ai. Nhìn rồi đi tiếp. Lại thấy hai chị em. Con chị độ mười tuổi, bế con em chắc chưa đầy tuổi, cánh tay sắp đứt lìa khỏi cơ thể vì mảnh đạn. Đứa em không khóc. Con chị mặt không chút cảm xúc. Sao mọi người cũng chỉ nhìn mà chẳng ai làm gì, nói gì?
Tiểu đội mười bốn người. Mười hai nữ, hai nam. Đang bữa cơm, con Vinh khuỳnh tay chỉ hướng sang mâm bên kia. Khuy quần anh Hạp bị tuột. Anh vẫn tỉnh bơ ăn, không biết bốn đứa con gái bên này đang không nhịn được cười. Thương anh quần đùi cũng không có mà mặc. Con Đang đẹp nhất đội. Có nụ cười rất tươi.
Một anh cùng đơn vị yêu thầm, dù biết nó đã có người yêu ở nhà. Vác xẻng ra san đường, nó kể, hôm qua anh ấy lại gửi trộm thư cho em. Đã đọc chưa? Dài lắm, mới đọc sơ sơ. Tối về ta cùng đọc. Tối về đã rất khuya. Vừa rửa tay rửa chân, thay quần áo xong lại có lệnh ra làm tiếp. Chờ đoàn xe đi qua thì cào đất lấp dấu bánh xe. Đi làm còn cố chọn quần chọn áo cho vừa, cho đẹp.
Máy bay nha, tất cả chui vô hầm nha. Mọi lần máy bay dạo một vòng rồi mới thả bom. Lần này phát hiện máy bay là đã thấy bom rơi. Mười ba người cùng chết. Không biết lúc đó họ có kịp cảm nhận cái chết không? Họ có đau đớn không? Chiến tranh không chỉ ác liệt ở trong B. Đi thanh niên xung phong cũng có thể không trở về.
Đó là những điều bốn năm trước cô không thể ngờ tới, không tưởng tượng ra. Tiểu đội chỉ còn mình cô. Được gom về đội thu dung. Lý do sức khỏe yếu. Cô không muốn về đó. Về đó là nhận mình có tư tưởng buông xuôi. Cô không buông xuôi. Vậy là được ghép vào một tiểu đội khác.
4. Chẳng ai biết đến cô cho đến 29 năm sau. Hôm đó, cô bế thằng con út đi xem ké ti vi nhà hàng xóm. Đang phát chương trình thời sự. Cô nhìn lên thấy dòng chữ “Hướng về Truông Bồn”, nói về một đơn vị anh hùng, một tiểu đội có 10 cô gái đã hy sinh.
Một phụ nữ được giới thiệu là người sống sót duy nhất, là tiểu đội trưởng. Cô ấy mặc bộ quần áo thanh niên xung phong, đội mũ tai bèo, tay cầm một nắm hương to, thắp cho từng ngôi mộ có tên từng người, đến mộ nào cũng khóc nức nở, nước mắt đầm đìa. Cô phát hoảng, bật kêu to “Ôi trời ơi!”. Những người cùng ngồi xem giật mình, quay nhìn cô. Chuyện gì vậy? Không, không có gì. Cô bế con về. Cô kể với chồng đoạn phim vừa xem. Chú sửng sốt. Hỏi đi hỏi lại xem có thật vậy không? Sao lại vậy?
Chồng cô chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị. Một lần, xe qua chỗ bọn cô thì bị lầy. Trong khi chờ dọn đường cho xe qua, chợt có tiếng hỏi thăm ở đây có ai đồng hương Hưng Nguyên không, cho gửi nhờ lá thư về nhà. Cô gọi con Hoài lại. Rồi Hoài cầm thư nhờ người chuyển về giúp. Hết nhiệm kỳ thanh niên xung phong, đầu năm 1970 cô về làm việc ở một nhà máy, được phân ở nhờ nhà một người dân Hưng Nguyên.
Con trai nhà ấy từ chiến trường về thăm bố ốm nặng. Thấy có cô gái ở nhờ nhà mình thì hỏi chuyện. Hóa ra, hai người từng gặp nhau năm 1968. Anh chính là người hôm ấy nhờ đưa thư về cho bố mẹ. Mấy mươi phút ngắn ngủi trong bóng tối nhập nhòe nên chẳng rõ mặt nhau. Chú hỏi thăm cô gái đồng hương. Cô kể lại chuyện đã xảy ra với tiểu đội mình.
Sao em thoát được khi cả mười ba người đều chết? Em là tiểu đội trưởng. Tiểu đội trưởng được mang súng trường. Khi anh Hạp hô to máy bay nha, em quay lại nhặt súng khoác vào người rồi mới nhảy xuống hầm. Em nhảy xuống cuối cùng. Có lẽ nhờ đầu ruồi súng nhô lên mặt đất, người ta phát hiện đến lay lay thì nghe tiếng rên.
Có lẽ nòng súng đã tạo kẽ hở cho chút không khí lọt vào nên em không chết. Người ta đã moi em lên, đầy bùn đất. Giấy tờ ngày đó cô còn giữ. Phòng sau này chưa già mà đã ốm yếu thì có cái để chứng minh cho con cháu biết vì sao sức khỏe mẹ như thế. Mẹ tham gia chiến tranh, mẹ bị sức ép của bom.
Giờ mình phải viết cái đơn. Chú nói sau vài ngày nghĩ ngợi. Cô không ngờ chuyện đó lại khiến chú mất ngủ suốt mấy đêm. Viết đơn gửi cho ai, viết thế nào? Nếu họ muốn lấy Truông Bồn làm di tích lịch sử thì phải làm cho đúng. Mình phải viết đơn xin trình bày rõ sự thật.
Thứ nhất, số người hy sinh trong trận bom đó không phải 10 người, mà chính xác là 13 người, 2 nam và 11 nữ. Thứ nhì, nhân chứng sống không phải là người đã lên ti vi. Một cái đơn chép tay thành bốn bản. Gửi Tỉnh đoàn, Ty Văn hóa, cơ quan thương binh xã hội và nghĩa trang Truông Bồn. Tên các cơ quan là chỉ ghi áng chừng, chứ chẳng biết xưng chính xác thế nào.
Một cuộc họp được tổ chức. Vợ chồng cô cùng có mặt. Khi cô bước vào, hai người đàn ông đứng đón khách nói nhỏ với nhau “hắn đang còn”. Cô nghe nhưng làm ngơ. Cuộc họp nêu vấn đề cô chú trình bày trong thư. Mọi người tranh cãi. Chỉ vậy rồi thôi. Chẳng ai nhắc gì nữa. Phải rất lâu sau, vào chiều hai chín tết, có người đàn ông tìm đến nhà cô.
Ông ta đưa một phong bì ba trăm nghìn đồng nói là thăm ốm, tiền của cơ quan nào đó trong Nam gửi cho Tỉnh đoàn làm từ thiện. Ông dặn cô: Từ nay về sau o đừng nói chi về Truông Bồn nữa. O không đứng tên ở Truông Bồn thì rồi sẽ về đứng tên ở Hoàng Mai, Cầu Cấm hoặc Bến Thủy gì đó. Tỉnh đang làm địa điểm để lấy thành tích, làm mô hình cho thế hệ sau học tập.
Cô nghe mà không chịu được. Ngứa tai! Cô nói: Bác ạ, tôi là thanh niên xung phong ở Truông Bồn thì tôi nhận là ở Truông Bồn, tôi ở tiểu đội nào thì tôi nói ở tiểu đội đó thôi. Ông nói tiếp: Thôi thì có chuyện gì o cứ trình bày lên Tỉnh, khoan ra Trung ương. Cô nói: Sự việc chưa rõ ràng, tôi còn phải gửi đơn nữa. Đây là vấn đề lịch sử. Người này không biết thì người khác biết. Người này không viết thì người người khác viết.
Lại bốn cuộc họp liên tiếp, đều triệu tập cô. Họ xem cô như người đang phá không để yên cho họ làm việc. Cô cùng 53 người được mời đi nhận kỷ niệm chương Thanh niên xung phong. Đến nơi, ai cũng được nhận, cô thì không. Có cái kỷ niệm chương chứng nhận mình từng là thanh niên xung phong thì cũng vui; mà không có cũng chẳng sao. Nhưng cô phải hỏi cho biết lý do. Họ nói: “Em còn thắc mắc chi nữa. Trước sau gì em cũng là tiểu đội trưởng rồi. Bữa nào họ gửi giấy mời làm lễ đón nhận đơn vị anh hùng thì đi thôi. Thứ Năm này có đợt đi an dưỡng ở Cửa Lò đấy, em có muốn đi thì sắp xếp luôn”.
Nào cô có đòi hỏi gì đâu. Cô chỉ muốn nói cho đúng sự thật. Đồng đội chết hết cả rồi, mình phải nói thay họ.
Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh. Chỉ mình cô Trần Thị Thông còn sống.
Nguồn: Thanh Hà/báo mới