Trong một thời gian dài, chính phủ Hàn Quốc có thái độ đầy mâu thuẫn về những tội ác trong quá khứ, khi mà các quan chức chính phủ hoặc là thủ phạm, hoặc tìm cách bảo vệ những người chịu trách nhiệm.
Bài viết của tác giả Benjamin Katzeff Silberstein, nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử Triều Tiên tại trường Đại học Pennsylvania, và là đồng biên tập của trang North Korean Economy Watch.
Nguồn: Benjamin Katzeff Silberstein “South Korea’s dark history still unresolved”, East Asia Forum, 10/05/2016.
Biên dịch: Hoàng Thu Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Lch sử đen tối về các cuộc vi phạm nhân quyền và thảm sát của Hàn Quốc ít được chú ý ở cả trong và ngoài nước. Nói một cách công bằng, tuy một vài sự kiện như cuộc Thảm sát Kwangju được thường xuyên kỷ niệm, nhưng đó chỉ là những ký ức có chọn lọc.
Những sự thật lịch sử đen tối bị che giấu của Hàn Quốc |
Đây là một trong số 36 trại giam, nơi chính phủ giam giữ những người bị coi là ‘người lang thang’, bao gồm những kẻ trộm vặt, tội phạm chính trị, người vô gia cư, trẻ em và người khuyết tật lang thang đường phố – nhằm gạt bỏ những thành phần không mong muốn ra khỏi các đô thị. Một số người bị đưa vào trại khi Hàn Quốc chuẩn bị cho Thế vận hội Seoul năm 1988.
Theo AP, tính đến năm 1986, có tổng số 16.000 người bị giữ tại 36 trại giam trên khắp cả nước. Trong đó, có khoảng 4.000 người bị giam tại trại ‘ Ngôi nhà anh em’. Tại đó, tù nhân thường xuyên bị hiếp dâm, bị bỏ đói, bị đánh hoặc bị giết bởi các nhân viên.
Từ năm 1975 đến năm 1986, có ít nhất 513 người chết, và trong thực tế, con số đó có thể cao hơn. Trại giam bị đóng cửa vào năm 1988 sau khi một công tố viên mới tình cờ điều tra ra. Một trong những tiết lộ gây chấn động nhất của AP là thị trưởng của Busan lúc bấy giờ, Kim Jooho, đã năn nỉ công tố viên thả giám đốc trại giam, trong khi Park Heetae, công tố viên trưởng của Busan đã ‘ra sức thúc đẩy để giảm phạm vi điều tra’.
Park Heetae sau này trở thành Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc và hiện đang là cố vấn cho Đảng Saenuri cầm quyền. Cuối cùng, giám đốc trại giam Park Inkeun chỉ bị tuyên án hai năm rưỡi tù vì tội tham ô và tội vi phạm quản lý đồng cỏ và vi phạm luật ngoại tệ. Chỉ một vài năm trước khi bị kết án, Park Inkeun đã nhận được hai huy chương quốc gia vì những thành tích về phúc lợi xã hội.
Trường hợp của ‘Ngôi nhà anh em’ chỉ là một phần nhỏ trong một hình mẫu vấn đề lớn hơn. Trong một thời gian dài, chính phủ Hàn Quốc có thái độ đầy mâu thuẫn về những tội ác trong quá khứ, khi mà các quan chức chính phủ hoặc là thủ phạm, hoặc tìm cách bảo vệ những người chịu trách nhiệm. Nhiều ví dụ có thể được tìm thấy trong những tội ác xảy ra trước và trong chiến tranh Triều Tiên do dân quân và quân đội của chính phủ Hàn Quốc gây ra, những trường hợp mà chính phủ từ chối điều tra một cách đầy đủ.
Trong chiến tranh, tại các thành phố như Yeosu và Suchon, một số lượng lớn dân thường bị giết khi chính phủ phát hiện ra rằng họ đang che giấu hoặc giúp đỡ những người cộng sản. Một trường hợp điển hình cho các vụ giết chóc như vậy là cuộc Thảm sát Liên đoàn Bodo (Bodo League Massacre). Trước khi chiến tranh xảy xa, chính phủ Hàn Quốc đã thu thập danh sách những người bị tình nghi là cộng sản. Trong số đó, có nhiều người không liên quan gì tới phong trào cộng sản, tuy nhiên các quan chức địa phương phải thực hiện chỉ tiêu được giao về số lượng tên đối tượng cần thu thập được.
Khi miền Bắc Triều Tiên tấn công miền Nam vào tháng 6 năm 1950, hàng chục ngàn người dân (một số người ước tính khoảng 100.000) đã bị chính quyền miền Nam bắt và xử tử, do họ bị nghi ngờ là “đạo quân thứ năm” đang nằm vùng. Một lý do tương tự cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc Thảm sát đảo Jeju vào năm 1948. Trong cuộc đấu tranh nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy của phe cánh tả trên đảo, quân đội của chính phủ Hàn Quốc và các nhóm du kích đã giết ít nhất 30.000 người, chiếm khoảng 10% số dân trên đảo, trong số đó phần nhiều là dân thường.
Chính phủ đã xây dựng một bảo tàng tưởng niệm, tuy vậy những ký ức về cuộc thảm sát này vẫn còn gây tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc. Gần đây, vào năm 2014, Moon Changkeuk, ứng cử viên Thủ tướng của tổng thống Park Geunhye, đã tuyên bố rằng cuộc Thảm sát Jeju không là gì khác ngoài một cuộc nổi dậy của cộng sản. Đây dường như là quan điểm chính thức cho hầu hết các cuộc thảm sát. Năm 2014, lần cuối tôi tới thăm Hàn Quốc, Bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên tại Seoul không có một từ tiếng Anh hay tiếng Hàn Quốc nào nói về các cuộc thảm sát. Tất cả đều được miêu tả như là những cuộc nổi dậy của cộng sản.
Trong hàng thập niên sau chiến tranh, những người sống sót và người thân của các nạn nhân có nguy cơ bị tống giam nếu họ lên tiếng về những vụ thảm sát đó. Vào năm 2005, chính phủ theo chủ nghĩa tự do của Roh Moo-hyun đã thành lập Uỷ ban Sự thật và Hoà giải nhằm điều tra các vấn đề liên quan đến các cuộc thảm sát hàng loạt. Nhưng Uỷ ban đó không có thẩm quyền tư pháp và khi chính phủ bảo thủ của Lee Myung-bak lên nắm quyền vào năm 2008, chính phủ này đã từ chối gia hạn sứ mệnh của uỷ ban khi nhiệm vụ của uỷ ban hết hiệu lực vào năm 2010.
Tôi đã nói chuyện với nhiều học giả và tác giả, những người hoặc làm việc với Uỷ ban hoặc theo sát các hoạt động của nó. Họ nói với tôi rằng những người bảo thủ trong chính phủ và trong giới truyền thông đã liên tục làm suy yếu hoạt động của Uỷ ban. Có lẽ, đây chính là Uỷ ban mà một quan chức đến từ Bộ Nội vụ của Seoul đã nhắc đến khi ông nói với AP rằng các nạn nhân đáng lẽ phải lên tiếng sớm hơn nhằm biện minh cho việc tại sao chính phủ hiện thời sẽ không xem xét lại trường hợp của trại ‘Ngôi nhà anh em’.
Chính phủ của Park đã không ngần ngại thảo luận về những vết thương lịch sự trong trường hợp tội ác chiến tranh của Nhật Bản đối với Hàn Quốc. Tuy vậy, những cuộc thảm sát và xâm hại ở trong nước vẫn còn quá gây tranh cãi và chia rẽ để có thể được đề cập đến.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ