Hỡi các quý ngài, tôi 25 tuổi và cho đến thời điểm này, chính tôi đã tiêu diệt 309 tên phát xít. Vậy các ngài nghĩ sao về việc cứ trốn sau lưng tôi chừng đấy thời gian?”
Lời mở màn buổi nói chuyện của cô gái trẻ mang tên Lyudmila Pavlichenko ngay lập tức khiến đám đông phải lắng nghe và vỡ oà ngay sau đó. Đó là 1 ngày cuối năm 1942 tại Chicago, khi cô gái hồng quân nhỏ nhắn này trở thành công dân Xô Viết đầu tiên được chào đón tại Nhà Trắng theo lời mời của tổng thống Mỹ lúc đấy là Franklin Roosevelt.
Chúng ta đang nói về người phụ nữ được mệnh danh là “Lady Death”, nữ xạ thủ bắn tỉa vĩ đại và có thành tích xuất sắc nhất được ghi nhận trong lịch sử chiến tranh. Bà đồng thời cũng là nỗi kinh hoàng của binh lính Đức trong thế chiến thứ II, là niềm tự hào của Hồng Quân Liên Xô trong cuộc trường chinh tiêu diệt Chủ nghĩa Phát Xít.
Người phụ nữ được mệnh danh là “Lady Death”, nữ xạ thủ bắn tỉa vĩ đại của Liên Xô |
Sinh ngày 12 tháng 7 năm 1916 tại thành phố Bila Tserkva thuộc đất nước Ukraine. Ngay từ bé, Lyudmila đã thể hiện niềm đam mê với súng trường nói riêng và khí tài quân sự của nói chung. Nhưng phải đến năm 14 tuổi, khi theo gia đình chuyển về Kiev, bà mới có điều kiện tham gia câu lạc bộ bắn súng OSAAVIAKhIM và nhanh chóng phát triển các kỹ năng cơ bản về bắn tỉa trong khi vẫn đang thực hành công việc thợ mài tại nhà máy thuốc súng Kiev.
Tự ví mình như một “tomboy” và dù không nổi trội về mảng học tập trong trường, nhưng về tranh tài các môn thể thao, Lyudmila không muốn để cho bản thân thua kém bất cứ một cậu con trai nào.
"Khi thằng nhóc hàng xóm khoe khoang về thành tích cự ly của mình trong môn bắn súng", Pavlichenko đã hùng hồn tuyên bố với đám bạn rằng: "Chắc chắn nữ giới cũng có thể làm được như vậy" và tự bắt bản thân phải luyện tập nặng hơn rất nhiều lần để chứng minh lời nói ấy.
Nếu không có chiến tranh, chắc hẳn Pavlichenko sẽ là nhà nghiên cứu lịch sử sau khi hoàn tất bằng cử nhân chuyên ngành này tại trường Đại Học Kiev. Tuy nhiên, định mệnh đã khoác lên cho bà tấm áo lính khi vào tháng 6 năm 1941, nghe tin Đức Quốc Xã bắt đầu mở chiến dịch xâm lược đánh vào Liên bang Xô Viết. Pavlichenko lúc ấy đang học năm thứ 4 tại trường đã quyết định tạm xếp ngòi bút và xin tình nguyện nhập ngũ để tham gia chiến đấu.
“Khi ấy tôi đang ở Odessa khi quân Đức và Romania chuẩn bị xâm lăng. Nhưng họ không cho phép nữ giới được tham gia chiến trường, vì thế tôi đã phải nghĩ đến mọi mánh mà trong đầu có thể nghĩ ra để gia nhập hàng ngũ binh sĩ.” Mặc cho quân đội cố gắng hướng bà vào đơn vị y tá lúc ấy, Pavlichenko vẫn nằng nặc muốn được cầm súng để chứng minh khả năng của mình.
Không thể chối từ sự nhiệt tình ấy, quân đội Hồng Quân đành đưa ra một thử thách cho bà tại một ngọn đồi mà họ đang đóng quân khi đưa khẩu bắn tỉa Tokarev SVT-40 bán tự động với ống 3.5X vào tay bà và nói hãy thử bắn hai người Romania lúc ấy đang làm việc trong quân Đức.
“Sau khi tiêu diệt hai mục tiêu được chỉ định, tôi đã được công nhận về khả năng. Nhưng hãy đừng tính hai mục tiêu này vào chiến tích của tôi vì đơn giản đây chỉ là những phát súng bắn test.”
Cô gái trẻ sau đó được nhận vào Sư đoàn Thiết Giáp Chapayev số 25. Tại đây, bà trở thành một trong 2000 nữ xạ thủ bắn tỉa của Hồng Quân tham gia cuộc chiến (chỉ có 500 người còn sống sót khi kết thúc chiến tranh) và nhanh chóng được điều động ra tiền tuyến.
“Nhiệm vụ của tôi đơn giản chỉ là bắn hạ càng nhiều kẻ địch càng tốt. Trên lý thuyết thì là vậy, thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều khi phải tham gia vào chiến trường thực thụ”.
Trong ngày đầu tiên trên chiến trường, sau khi trinh sát địa hình, bà phát hiện mình đang đứng ở rất gần quân địch. Cầm trong tay khẩu Mosin-Nagant 7.62mm với ống PE 4x, nhưng thay vì cảm giác cần có của một người lính bắn tỉa là điềm tĩnh thì đó lại thay bằng sự run rẩy trên đôi bàn tay khiến bà không thể nhấc nổi khẩu súng lên.
Một người lính Hồng Quân trẻ đi cùng với bà trong nhiệm vụ hôm ấy nhưng trước khi cả hai có cơ hội ổn định vị trí của mình, một viên đạn của một lính Đức đã hạ gục người lính trẻ kia ngay trước mắt bà.
Pavlichenko sốc đến ngỡ ngàng.
“Cậu lính đấy là một thanh niên tốt, nhiều năng lượng và tràn đầy sự lạc quan. Nhưng chàng trai trẻ đó đã bị sát hại ngay trước mắt tôi. Sau cú sốc đó, không có gì có thể ngăn cản được tôi nữa.”
Nếu như viên đạn ấy bay lệch về phía bà, có lẽ lịch sử đã đổi khác. Nhưng bước ngoặt về cái chết người đồng đội trẻ ấy, đã tạo ra một chiến thần cho Hồng Quân Liên Xô, phủ lên sự ám ảnh khủng khiếp về những cái chết chớp nhoáng bất ngờ cho quân đội Đức.
Cuối ngày hôm đó, Pavlichenko ghi dấu đầu tiên trong bảng thành tích “tiêu diệt 309 quân địch” bằng việc hạ gục 2 lính trinh sát Đức đang thăm dò tại khu vực đó.
Trong 2 tháng rưỡi chiến đấu tại Odessa, đã có 187 lính địch bị tiêu diệt dưới bàn tay xạ thủ của bà. Khi quân Romania áp đảo và gia tăng được sự kiểm soát tại đây, đơn vị của bà được chuyển về Sevastopol cố thủ. Trong hơn 8 tháng tại cứ điểm mới, bảng thành tích của bà tăng dần lên với số lượng địch quân bị hạ gục trong sự chính xác đến lạnh lùng của Pavlichenko.
Sự nguy hiểm cũng vì thế tăng lên theo cấp số nhân, Đức Quốc xã cũng nhận ra rằng để hoàn toàn làm chủ tình thế phải triệt hạ quân bài chiến thuật đáng sợ của Liên Xô. Đối phó với Pavlichenko, họ cắt cử những xạ thủ bắn tỉa mạnh nhất của mình với mục đích tiêu diệt bà.
Pavlichenko không bao giờ mất đi sự tập trung trong các cuộc đối đầu như thế, bằng chứng là có đến 36 lính bắn tỉa của Đức đã mất mạng khi cố gắng triệt hạ bà.
“Đó là trải nghiệm căng thẳng nhưng cũng là trải nghiệm tẻ nhạt nhất trong cuộc đời tôi. Bạn phải gồng người để duy trì sự bền bỉ và sức mạnh cần thiết để có thể ẩn nấp, nguỵ trang 15 đến 20 tiếng cố định trong một chỗ. Cuối cùng, những người lính bắn tỉa Đức bị bắn hạ chỉ vì thiếu kiên nhẫn và chuyển động nhiều hơn.”
Cứ điểm Sevastopol cuối cùng cũng không thể giữ nổi do lực lượng quân Đức vượt trội hơn về quân số. Với thành tích tiêu diệt 257 lính Đức tại thời điểm đó, bà được triệu tập về lực lượng Hồng Quần miền Nam vào tháng 5 năm 1942 để tiếp tục chiến đấu.
Không những là sát thần của quân địch, bà còn từ chối lời gọi của ngay chính tử thần nhiều lần trong cuộc chiến. Trong tổng số 4 lần bị thương nặng, có thể kể đến việc vị trí của bà bị dội bom tập kích làm cho những mảnh vụn của bom văng thẳng vào mặt mình. Sau lền chấn thương thứ 4, Liên Xô quyết định lui Pavlichenko về làm nhiệm vụ đào tạo những lính bắn tỉa mới.
“Thời gian đó, ngay cả những người Đức cũng nhớ tới tên tôi. Họ cố gắng chiêu dụ tôi qua loa phát thanh như: Lyudmila Pavlichenko, qua đây với chúng tôi nào. Nước Đức sẽ cung cấp cho bạn nhiều sôcôla và được trọng dụng với tư cách sĩ quan Đức.”
Tuy nhiên, khi việc chiêu dụ thất bại, Đức Quốc xã hăm doạ sẽ xé xác bà ra thành 309 mảnh. Điều đó vô tình lại làm bà hào hứng hơn “Ôi, không thể ngờ họ còn có bảng thành tích của tôi trong tay.”
Sau khi được thăng cấp lên trung uý, Pavlichenko rút khỏi tiền tuyến về hậu phương. Và dấu mốc 309 địch quân bị hạ thủ, cũng là dấu mốc cuối cùng của bà trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã tại chiến tranh thế giới thứ 2. Các hoạt động chính trường của bà trong thời gian đấy cũng đem lại nhiều sự tích cực về mặt ngoại giao cho Liên bang Xô Viết.
Ở trên có nói, nếu không có chiến tranh hẳn bà sẽ là một sử gia. Và dù có chậm hơn 4 năm, nhưng sau khi kết thúc cuộc chiến, Pavlichenko trở về ĐH Kiev để hoàn thành nốt khoá học của mình và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lịch sử. Từ năm 1945 đến 1953, bà còn là trợ lý nghiên cứu tại Tổng tư lệnh Hải Quân Liên Xô, trước khi về làm tại Uỷ ban Cựu Chiến Binh Xô Viết. Pavlichenko qua đời vào ngày 10 tháng 10 năm 1974, hưởng thọ 58 tuổi, bà được chôn tại nghĩa trang Novodevichye thuộc thành phố Moscow.
Năm tháng trôi qua, thời cuộc xoay vần khắc theo dòng lịch sử, Liên Xô không còn và tan rã, tranh chấp tại Crimea khiến quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng thêm leo thang. Nhưng có một thứ sẽ không bao giờ thay đổi, sự yêu mến dành cho bà của người dân hai đất nước, sự kính phục của bên đối địch. Và trên hết, bà là hình ảnh đại diện cho sự tự tôn, mạnh mẽ, đầy chủ quyền của nữ giới dù trong binh biến hay thời bình.