Thứ Hai

Phim tài liệu The Vietnam war: Vẫn chỉ là ‘cái nhìn Mỹ’

Những ngày vừa qua, một bộ phim đã thu hút sự quan tâm của không ít người Việt Nam, “The Vietnam war” (Chiến tranh Việt Nam) của hai đạo diễn người Mỹ, Ken Burns và Lynn Novick.

Người Mỹ từng làm nhiều phim về cuộc chiến mà họ gọi là “The Vietnam war”. Gần đây nhất là “Vietnam in HD” công bố năm 2011, xa hơn một chút là “Battlefield Vietnam” (Chiến trường Việt Nam, 1999), “Vietnam: A Television History” (Việt Nam thiên lịch sử truyền hình, 1983) và “Vietnam The Ten Thousand Day War” (Việt Nam cuộc chiến 10.000 ngày, 1980).

Phim tài liệu The Vietnam war: Vẫn chỉ là ‘cái nhìn Mỹ’
“The Vietnam war” là cái tên mới nhất trong danh sách này, đồng thời cũng là cái tên mà người Mỹ đặt cho cuộc chiến mà ngày nay, họ rộng rãi thừa nhận là “sai lầm”, bắt nguồn từ tham vọng và dối trá của các đời tổng thống, từ Harry S. Truman tới Gerald Ford.

Đây cũng là nội dung trọng tâm trong 10 phần của bộ phim của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, với những thông tin không mới nhưng được nhấn mạnh, liên tục củng cố bởi câu chuyện từ những nhân chứng trực tiếp tham gia cuộc chiến khi tuổi đời còn rất trẻ.

Hầu hết họ là những người lính bước chân đầu tiên vào đời cũng là bước chân vào chiến trường cách nước Mỹ nửa vòng trái đất. Theo diễn biến của cuộc chiến, họ dần biến đổi từ những chàng trai thơ ngây, trong sáng của nước Mỹ, mang hoài bão phục vụ Tổ quốc, trở thành những kẻ trơ lì, thậm chí sắt máu, tàn bạo. Nhiều người trong số họ đã trở thành những tên tội phạm chiến tranh. Những tội ác mà người lính Mỹ trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến đã trở thành nỗi ám ảnh của cả nước Mỹ, mang tên “Hội chứng Việt Nam”.

Sự chia sẻ suy nghĩ của họ trong bộ phim dường như là lời sám hối cho những sai lầm của bản thân và chính quyền Mỹ. Thế nhưng, dù vậy, thông điệp trong bộ phim vẫn thể hiện của thái độ “dĩ Mỹ vi trung”, lấy quan điểm của người Mỹ làm cốt lõi. “The Vietnam war”, dù các nhà làm phim đã gắn mác “There is no single truth in war” (Không có sự thật đơn nhất trong cuộc chiến) thì những phân tích bình luận, nhận xét của người Việt, ở hai bên chiến tuyến, cũng chỉ để minh họa cho quan điểm cơ bản của người Mỹ.

Bởi vậy, nhiều sự kiện lịch sử, đáng lẽ cung cấp cho khán giả cái nhìn đầy đủ về thời cuộc, đã vô tình hoặc cố ý bị lờ đi. Ví dụ, sau tháng 9/1945, đứng trước nguy cơ tái lập thuộc địa của người Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đã gửi thư tới các lãnh đạo cường quốc, kêu gọi sự ủng hộ cho nền độc lập vừa được thiết lập của Việt Nam, gồm có Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Joseph Stalin. Vậy mà bộ phim chỉ nhắc tới bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ, dường như Washington là niềm hy vọng duy nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Một sự kiện khác, cái chết của Peter Dewey – thành viên OSS ở Sài Gòn vào ngày 26/9/1945. Dewey được cho là người hiểu rõ khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam, và cũng là người có thể tác động tới chính quyền Mỹ đề ra những chính sách đối ngoại có lợi cho Việt Nam trước dã tâm tái xâm lược của người Pháp.

Bị tưởng nhầm là người Pháp nên Dewey đã bị bắn chết trong một vụ phục kích của Việt Minh. Trường hợp của Dewey, tất nhiên là một sự tiếc nuối nhưng dường như đã bị đẩy cao quá tầm mức của vai trò cá nhân và sự kiện. Bởi ai cũng rõ, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ cần nước Pháp ở châu Âu như thế nào trong cuộc đối đầu ý thức hệ với Liên Xô và đó là lý do để Mỹ dung dưỡng một nước Pháp thực dân ở châu Á.

Hơn nữa, và nếu như Dewey là người Mỹ đầu tiên thiệt mạng ở Việt Nam (kể từ 1945) thì bộ phim đã không hoàn toàn không nhắc tới bất kỳ người Việt Nam nào cũng hy sinh trong cuộc chạm súng với phái bộ OSS cuối tháng 9/1945 ấy.

Nói như chính ông Đại sứ Mỹ: “Chúng ta cần thừa nhận và thành thực về quá khứ” – thì để thành thực với quá khứ, The Vietnam war còn phải có thêm nhiều “sự thật đơn nhất” một cách đầy đủ và công bằng hơn.

Liên quan tới bộ phim tài liệu được phía Hoa Kỳ đưa ra gần đây mang tựa đề “The Vietnam War” và sự phản ánh về cuộc kháng chiến chống Mỹ được nêu lên trong bộ phim này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu:
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa, đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng là thống nhất đất nước”.

Theo DƯƠNG TUẤN LINH / NGƯỜI ĐƯA TIN