Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển được thành lập từ năm 1889 và là một trong những chính đảng giàu truyền thống đấu tranh của phong trào XHCN ở châu Âu cũng như trên thế giới. Đây là đảng đóng vai trò then chốt trong hệ thống chính trị Thụy Điển từ những thập niên đầu thế kỷ XX đến nay. Trong 76 năm (1932-2008), Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển đã có 65 năm cầm quyền. Hướng tới mục tiêu CNXH dân chủ, Đảng này được coi là đã có những đóng góp lớn trong xây dựng nền dân chủ dưới chế độ quân chủ đại nghị, đưa Thụy Điển vào hàng ngũ các quốc gia phát triển với mức thu nhập GDP trên đầu người đứng thứ nhì châu Âu (sau Thụy Sĩ) và xếp thứ nhất thế giới về phúc lợi xã hội. Với tư cách là một chính đảng có thời gian cầm quyền dài nhất ở Bắc Âu, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm rất đáng tham khảo.
Hoạt động trong hệ thống chính trị đa đảng được hình thành từ khá sớm và có tính ổn định, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển với ưu thế nổi trội hơn về thời gian cầm quyền, cùng với phái bảo thủ và phái tự do đã trở thành ba xu hướng chính trị chủ yếu chi phối chính trường Thụy Điển suốt một thế kỷ qua. Hiện nay ở Thuỵ Điển, một nước với gần 9 triệu dân, có 26 đảng chính trị đăng ký hoạt động trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên theo quy định, đảng nào giành được tối thiểu 4% số phiếu bầu mới được tham gia Nghị viện, do đó hiện thời trong Nghị viện Thụy Điển chỉ 7 đảng có đại biểu, gồm: Đảng Xã hội dân chủ, Đảng Ôn hòa (thuộc phái bảo thủ ra đời năm 1904), Đảng Nhân dân Tự do (Đảng Tự do trước đây -1890), Đảng Trung tâm (trước đây là Đảng Nông dân - 1914), Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (1964), Đảng Xanh (1981) và Đảng Cánh tả (trước đây là Đảng Cộng sản - 1917).
Thuỵ Điển |
Trong 30 năm đầu kể từ khi thành lập, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển công khai tuyên bố bênh vực quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, giương cao ngọn cờ đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và Đảng đã cùng với cánh tả của phái tự do kiên trì đòi mở rộng quyền bầu cử, thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu. Vì lẽ đó, uy tín chính trị của Đảng Xã hội dân chủ ngày càng được củng cố và nâng cao. Với thắng lợi giành được tại cuộc bầu cử Nghị viện tháng 9-1917, lần đầu tiên Đảng Xã hội dân chủ tham gia chính phủ liên minh với Đảng Tự do, cho dù mới chỉ giữ vai trò thứ yếu và phụ thuộc. Hai năm sau, trước sự lan tỏa của cao trào cách mạng ở châu Âu dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc đấu tranh vì quyền phổ thông đầu phiếu do Đảng Xã hội dân chủ và các lực lượng cấp tiến phát động đã đạt kết quả. Chế độ phổ thông đầu phiếu ở Thụy Điển được chính thức ban hành vào giữa năm 1919 và bắt đầu áp dụng vào năm 1921, đưa lại quyền bầu cử cho tất cả công dân từ 23 tuổi trở lên (54% dân số), trong đó lần đầu tiên nữ giới được hưởng quyền bầu cử như nam giới. Đây là bước tiến lớn trong quá trình dân chủ hoá nền chính trị Thụy Điển, nếu so với đạo luật bầu cử có hiệu lực từ 1909 chỉ cho phép các nam công dân đủ 24 tuổi được quyền tham gia bầu cử Hạ viện (chiếm 19% dân số). Tháng 10-1921, tại cuộc tổng tuyển áp dụng quy chế phổ thông đầu phiếu đầu tiên, Đảng Xã hội dân chủ giành thắng lợi lớn với 39,4 % số phiếu, đứng ra lập chính phủ liên minh, mở đường cho Đảng này đạt được quyền lực chính trị hoàn toàn bằng con đường đấu tranh nghị trường. Như vậy, sau hơn 30 năm kể từ khi thành lập, Đảng Xã hội dân chủ, về cơ bản, đã đạt tới mục tiêu đấu tranh chính trị được xác định: từ “đấu tranh giành quyền bầu cử” sang “đấu tranh tham gia Nghị viện” và tiến tới “đấu tranh giành đa số trong Nghị viện”.
Nửa cuối thập niên 20 thế kỷ XX, do liên minh giữa Đảng Xã hội dân chủ và Đảng Tự do bị tan vỡ, nên Đảng Bảo thủ trở lại nắm chính quyền (năm 1925). Từ đầu thập niên 30, Đảng Xã hội dân chủ tìm cách liên minh với Đảng Nông dân (tiền thân của Đảng Trung tâm ngày nay) và giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử tháng 9-1932, mở ra một thời kỳ cầm quyền liên tục suốt 44 năm (9/1932 - 10/1976). Từ đó đến nay, Đảng Xã hội dân chủ còn có 21 năm cầm quyền trong hai giai đoạn dài 1982-1990 và 1994-2006, nâng tổng số năm cầm quyền của Đảng này lên 65 năm trong 76 năm (1932-2008). Đây thực sự là kỷ lục độc nhất vô nhị trong các nền chính trị đa đảng ở phương Tây đương đại.
Thành công trên phương diện cầm quyền của Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển do nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết phải kể đến những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội khi cầm quyền. Đảng này đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng Thụy Điển từ một nước lạc hậu ở châu Âu trở thành một nước kinh tế phát triển, được ca ngợi là một “mô hình” thành công của “con đường thứ ba” theo CNXH dân chủ. Theo các số liệu thống kê, bước sang thế kỷ XXI, Thụy Điển có GDP trên đầu người đạt trên 22.200 USD. Năm 2006, dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Gô-ran Pe-son thuộc Đảng Xã hội dân chủ, tăng trưởng kinh tế ở mức 6%, cao nhất trong các nước EU, lạm phát dưới 2%, ngân sách bội thu. Thụy Điển được coi là cơ bản đã thanh toán xong sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa công nhân với nông dân, giữa lao động trí óc với lao động chân tay, 10% số người có thu nhập thấp nhất chiếm 3,7% GDP, 10% số người có thu nhập cao nhất chiếm 20,1%, chênh lệch giàu nghèo khá nhỏ so với các nước khác, chỉ số này ở Pháp là 2,5 và 24,9% và ở Mỹ là 1,5 và 28,5%. Phúc lợi xã hội và trợ cấp xã hội cao nhất thế giới, người thất nghiệp được hưởng trợ cấp tương đương 80% lương cũ trong vòng 12 tháng. Phụ nữ và cả nam giới có quyền nghỉ 18 tháng để chăm con mới sinh mà vẫn hưởng 80% lương. Người già được trợ giá đến 90% tiền thuê nhà và được chăm sóc miễn phí tại gia, v.v...
Mặt khác, thành công trên chính trường của Đảng Dân chủ xã hội còn bắt nguồn từ việc đảng này có sách lược liên minh, tập hợp lực lượng một cách mềm dẻo, linh hoạt. Trong 65 năm ở vị trí cầm quyền, Đảng Xã hội dân chủ dựa vào ba sách lược chủ yếu để duy trì quyền lực bất chấp việc đảng này không nắm được đa số trong nghị viện: Thứ nhất, chính phủ liên minh với các đảng khác thuộc phái tự do; thứ hai, đạt được sự thỏa hiệp và nhất trí rộng rãi của một hoặc hai đảng khác trong nghị viện; thứ ba, trông cậy vào sự ủng hộ của các đảng thuộc cánh tả, chủ yếu là Đảng Cánh tả (trước đây là Đảng Cộng sản) mà không cần có một thỏa thuận công khai về việc này. Thực tế cho thấy, tuy chưa bao giờ có sự hợp tác chính thức giữa Đảng Xã hội dân chủ và Đảng Cánh tả, nhưng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là trong những tình huống gây tranh cãi ở Nghị viện, những người thuộc Đảng Xã hội dân chủ có thể dựa vào sự ủng hộ của Đảng Cánh tả. Trong một thập niên gần đây, trên chính trường Thụy Điển, đã dần hình thành hai liên minh chính trị: Liên minh cánh tả với nòng cốt là Đảng Xã hội dân chủ với Đảng Xanh và Đảng Cánh tả cầm quyền từ 1994-2006; Liên minh trung - hữu gồm 4 đảng: Đảng Ôn hoà, Đảng Trung tâm, Đảng Nhân dân Tự do và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo giành thắng lợi sát nút, chỉ hơn 1% số phiếu bầu so với Liên minh cánh tả trong cuộc tuyển cử tháng 9-2006.
Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển hiện nay có trên nửa triệu đảng viên, chiếm một tỷ lệ cao trong tổng dân số, khoảng 6% và có tổ chức cơ sở đảng ở tất cả 21 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, bộ máy cơ quan đảng rất gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả, cơ quan Trung ương Đảng chỉ trên dưới 100 cán bộ, nhân viên. Trong hệ thống chính trị đa nguyên, Đảng Xã hội dân chủ luôn cố gắng chứng tỏ luôn giữ cho mình một hình ảnh giàu mà không xa xỉ, bình đẳng đối xử với quần chúng, bảo đảm công bằng xã hội, quan chức của Đảng tham gia chính quyền đều được giám sát chặt chẽ để không thể hoặc không dám lãng phí, tham nhũng. Bên cạnh số lượng đảng viên đông đảo, Đảng còn có ảnh hưởng lớn và sự gắn bó mật thiết với một tổ chức công đoàn công nghiệp lớn nhất, đó là Liên đoàn các công đoàn Thụy Điển (LO) với hơn 2 triệu đoàn viên, tương đương với khoảng 85% công nhân “cổ xanh” của Thụy Điển. Đồng thời, Đảng cũng có ảnh hưởng nhất định tới gần 2 triệu những người làm công “cổ trắng” gắn với Liên đoàn những người làm công chuyên ngành (TCO) hoặc Liên đoàn các tổ chức chuyên ngành của Thụy Điển (SACO). Với cơ sở xã hội rộng rãi, Đảng Xã hội dân chủ rõ ràng có lợi thế lớn trong việc củng cố và duy trì quyền lực chính trị.
Xét về mặt quan điểm lý luận chính trị, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển tuy đã nhiều lần thay đổi cương lĩnh, nhưng cũng giống như hầu hết các đảng thuộc trào lưu xã hội dân chủ, họ vẫn kiên trì đa nguyên chính trị, khẳng định rõ tư tưởng C.Mác, Ph.Ăngghen vẫn là một cơ sở lý luận chủ yếu của Đảng. Cơ sở giai cấp của Đảng rộng rãi nhưng chủ yếu là giai cấp công nhân, bao gồm cả công nhân “cổ xanh” cả công nhân “cổ trắng”. Chế độ xã hội mà Đảng chủ trương xây dựng là “CNXH dân chủ”. Đối với họ, CNXH và dân chủ là hai mục tiêu song song, gắn bó với nhau và khi cần thiết phải chọn lựa, phải đặt mục tiêu dân chủ, tự do lên trên mục tiêu bình đẳng… Về kinh tế, thời kỳ đầu Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển xác định phải thực hiện chế độ sở hữu công cộng, phân phối theo lao động và quản lý có kế hoạch.
Tuy nhiên, từ cuối thập niên 20 thế kỷ XX, Đảng này điều chỉnh lại quan điểm kinh tế, trong đó nhấn mạnh rằng trong việc thực hiện CNXH thì xã hội hoá quyền sở hữu không phải là một vấn đề căn bản, xã hội hoá phân phối mới là vấn đề căn bản, nghĩa là thực thi phân phối công bằng của cải xã hội như thế nào để đảm bảo quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động. Do đó không cần lập thật nhiều doanh nghiệp sở hữu công cộng, trừ các lĩnh vực bắt buộc phải do Nhà nước làm, mà cần khuyến khích ủng hộ sự phát triển kinh tế sở hữu phi công cộng, để cho các doanh nghiệp tư nhân làm ra càng nhiều của cải càng tốt. Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển chủ trương xây dựng nền kinh tế hỗn hợp, theo đó về chế độ sở hữu thì thực hành pha trộn chế độ sở hữu công cộng và chế độ tư hữu; về chế độ phân phối thì thực hành phân phối theo lao động kết hợp với phân phối theo vốn (tư bản); về phương thức vận hành kinh tế thì thực hành Nhà nước điều hành vĩ mô kết hợp với kinh tế thị trường. Năm 1982, sau khi giành được thắng lợi trong bầu cử (với 45,6% số phiếu bầu) dưới khẩu hiệu “Bảo vệ phúc lợi, chấn hưng nền kinh tế”, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển đã thực thi chính sách kinh tế “Con đường thứ ba” của mình với biện pháp chính: Nâng cao sức cạnh tranh, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, cải tổ các xí nghiệp quốc doanh, giảm thuế, theo đuổi “đoàn tàu nhất thể hoá châu Âu” và năm 1994, chính phủ Đảng Xã hội dân chủ quyết định đưa Thụy Điển gia nhập EU.
Tháng 11-2001, Đại hội 34 Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển trong cương lĩnh mới được thông qua thừa nhận Thụy Điển vẫn là một xã hội giai cấp. Cương lĩnh nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi cuộc đấu tranh của phong trào công nhân phải toàn cầu hóa, phải liên hiệp các lực lượng tiến bộ của các nước trên thế giới, thành lập liên minh chính trị mới, biến toàn cầu hóa thành công cụ thúc đẩy dân chủ, phúc lợi và công bằng xã hội dẫn dắt xã hội phát triển. Cương lĩnh chỉ rõ nền tảng ý thức hệ của Đảng là chủ nghĩa duy vật lịch sử và trong cuộc xung đột giữa tư bản và lao động, Đảng luôn đại biểu cho lợi ích của phía lao động...
Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển rất quan tâm chế độ phúc lợi, ngoài 4 loại bảo hiểm lớn được pháp luật qui định như: bảo hiểm hưu trí dưỡng lão, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, còn có nhiều loại hình phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, chế độ phúc lợi cao này là dựa vào chế độ thu thuế cao. Do thu thuế cao nên thu nhập tài chính nhà nước của Thụy Điển chiếm gần 60% GDP, mức cao nhất thế giới. Nghĩa là gần 3/5 của cải toàn xã hội bị Nhà nước tập trung vào tay mình, tỷ lệ để lại cho các doanh nghiệp và người dân quá nhỏ, điều này ảnh hưởng tới tính tích cực của doanh nghiệp và người lao động, khiến cho khả năng cạnh tranh của Thụy Điển bị giảm sút trong nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ. Hơn nữa, chế độ phúc lợi cao rất dễ bị một số người lợi dụng kiếm chác những khoản lợi ích họ không đáng được hưởng. Tình hình nêu trên khiến cho người dân nhiều năm gần đây đã không còn thỏa mãn với một “Nhà nước phúc lợi” hào phóng khi cái giá phải trả là thuế cao, nạn thất nghiệp gia tăng và việc ngày càng có nhiều dân nhập cư chỉ sống bằng trợ cấp. Chính phủ xã hội dân chủ của Thủ tướng Pe-son tuy có thành tích tăng trưởng kinh tế đạt 6%, nhưng vẫn bị phe trung hữu đối lập phê phán là không thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp lên đến 10% và sự suy giảm tính cạnh tranh quốc tế của kinh tế Thụy Điển vào thời điểm cuộc bầu cử tháng 9-2006. Với chủ trương cắt giảm thuế, cải cách chế độ an sinh xã hội, tăng sức cạnh tranh của đất nước trên thị trường toàn cầu mà vẫn dựa trên những nguyên tắc nền tảng của “Nhà nước phúc lợi”, Liên minh trung - hữu đứng đầu là thủ lĩnh Đảng Ôn hòa - Fredrik Reinfeldt - đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 9-2006 lên cầm quyền.
Là một chính đảng cánh tả theo khuynh hướng CNXH dân chủ, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển đã có những cống hiến lớn đối với quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị và phát triển kinh tế Thụy Điển. Những kinh nghiệm hoạt động của Đảng này trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền có giá trị tham khảo hữu ích đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong quan hệ với Việt Nam, Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển đã từng ủng hộ tích cực nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây. Ngày nay, Việt Nam tiếp tục phát triển hợp tác hữu nghị truyền thống trên nhiều mặt với Thụy Điển, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ với Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển. Các thế hệ người Việt Nam trong tâm khảm vẫn luôn ghi nhớ và trân trọng những tình cảm hữu nghị đối với Việt Nam của Thủ tướng Ô-lốp Pan-mơ, một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển.
Tư liệu tham khảo: Học thuyết Mác-Leenin và chủ nghĩa xã hội - trào lưu hay quy luật tất yếu
Nguồn: Chungta.vn