Hình ảnh của các tù nhân trong lồng đã khắc sâu vào tâm trí tôi, đến giờ vẫn không tẩy xóa nổi…
Trích đăng bài viết của nhà báo Don Luce – một trong những nhân chứng trong vụ phát hiện khu “Chuồng cọp” Côn Đảo làm chấn động dư luận thế giới tháng 7/1970.
Người bạn tốt nhất của tôi đã bị tra tấn đến chết vào năm 1970. Anh là Nguyễn Ngọc Phương – một người đàn ông hiền lành. Nhưng anh ghét chiến tranh và sự tàn phá của nó với đất nước mình. Sau ba ngày bị thẩm vấn và tra tấn liên tục, anh qua đời. “Anh bị các cảnh sát người Việt tra tấn, nhưng các chuyên viên người Mỹ đứng đó và chỉ đạo”, một trong những bạn tù của anh cho biết như vậy.
Có lẽ đây là sự khác biệt lớn nhất giữa nhà tù ở Việt Nam và nhà tù Abu Ghraib (Iraq). Ở Việt Nam, Mỹ chủ yếu đào tạo và tài trợ cho cảnh sát và quân đội Sài Gòn để làm tay sai của họ. Ở Abu Ghraib và các nhà tù khác tại Iraq, quân đội Mỹ trực tiếp tiến hành hoạt động tra tấn.
Hình ảnh khu Chuồng cọp Côn Đảo được đăng trên tạp chí Life năm 1970 đã khiến thế giới rúng động. |
Năm 1970, Tổng thống Nixon đã gửi một phái đoàn gồm 10 nghị sĩ đến Việt Nam để nắm tình hình thực tế. Một phần nhiệm vụ của họ là chuyến viếng thăm một nhà tù ở miền Nam Việt Nam để được chấp thuận thăm một nhà tù đang giam giữ lính Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Ông Tom Harkin, khi đó là nhân viên, trợ lý của đoàn Quốc hội Mỹ, đã thuyết phục hai nghị sĩ trong đoàn điều tra hoạt động tra tấn trong “Chuồng cọp” tại nhà tù ngoài khơi bờ biển của Việt Nam. Các dân biểu bay 200 dặm đến Côn Đảo, nơi có nhà tù được người Pháp xây từ năm 1939 này. Tôi được tham gia chuyến đi trong tư cách một thông dịch viên và chuyên gia về các nhà tù ở Việt Nam.
Chúng tôi đã nhìn thấy những cảnh tượng rất trái ngược nhau khi đến nhà tù. Sử dụng bản đồ được một cựu tù nhân bị giam trong “Chuồng cọp” vẽ, chúng tôi chuyển hướng từ các lộ trình được lên kế hoạch từ trước và vội vã đi xuống một con hẻm giữa hai dãy nhà tù. Chúng tôi tìm thấy cánh cửa nhỏ dẫn đến các lồng sắt giữa các bức tường nhà tù. Một bảo vệ bên trong nghe thấy những tiếng động bên ngoài và mở cửa. Chúng tôi bước vào.
Hình ảnh của các tù nhân trong lồng đã khắc sâu vào tâm trí tôi, đến giờ vẫn không tẩy xóa nổi: một người đàn ông với ba ngón tay bị cắt rời; một người khác (sớm qua đời sau đó) được đưa đến từ tỉnh Quảng Trị có hộp sọ đã vỡ toác; và nhiều tu sĩ Phật giáo Huế – những người đấu tranh chống sự đàn áp các Phật tử – trong tình trạng thê lương. Tôi nhớ rõ mùi hôi thối khủng khiếp do tiêu chảy và và các vết thương lở loét ở mắt cá chân các tù nhân do xiềng xích cắt vào.
Các bức ảnh do ông Harkin – nay là Thượng nghị sĩ bang Iowa – chụp ở nhà tù đã được đăng trên tạp chí Life ngày 17/7/1970. Một cuộc biểu tình quốc tế nổ ra sau đó, dẫn đến việc 180 người đàn ông và 300 phụ nữ được chuyển khỏi các Chuồng cọp. Một số đã được chuyến đến các nhà tù khác. Nhiều người bị đưa đến bệnh viện tâm thần.
Grace Paley đã mô tả cuộc sống trong tù của một trong số 300 phụ nữ bị giam giữ tại Chuồng cọp trong cuốn sách xuất bản năm 1998, giống như những gì tôi hình dung:
Trong tù, Thiều Thị Tạo bị đánh vào đầu bằng dùi cui. Đầu cô bị kẹp giữa hai thanh thép. Nước được rót xuống cổ họng cô. Cô đã bị giam hãm trên nền đất. Sau đó, vào ngày 20/11/1968, cô bị chuyển đến trụ sở cảnh sát quốc gia…
…Cuối năm 1969, Tạo đã được chuyển đến Chuồng cọp của Côn Đảo. Trong vài ngày, cô đã bị treo lên một cái móc sắt. Hình thức tra tấn này khiến xương sống của cô đã bị hư hại và đến nay cô vẫn phải đeo nẹp ở cổ. Sau một năm ở Côn Đảo, cô được chuyển giao cho các nhà thương điên ở Biên Hòa.
Trước khi vào tù, Tạo là một học sinh trung học 16 tuổi. Cô đã bị tống giam vì không chào cờ. Cô đã tỏ ra bất tuân phục, giám đốc nhà tù lúc đó cho biết.
Tù nhân lâu năm nhất ở khu Chuồng cọp là bà Sáu. Bà đã bị mù do vôi ăn da đã được ném vào tù như một biện pháp kỷ luật.
Ngày nay, phía sau khi Chuồng cọp tai tiếng là nghĩa trang cho 20.000 người đã chết trong nhà tù Côn Đảo. Hầu hết các ngôi mộ không có bia. Các tù nhân tại Côn Đảo thậm chí không có số hiệu. Khi những người sống sót quay lại thăm nơi từng giam giữ mình, họ mang theo hoa, cầu khấn và khẽ hát những bài hát đã được thì thầm trong Chuồng cọp khoảng 35 năm trước đây…
Theo KIẾN THỨC