Thứ Sáu

Người Việt và câu chuyện giàu kinh tế, nghèo văn hóa

Vẫn biết rằng phát triển kinh tế thì nhanh và dễ hơn phát triển văn hoá nhưng chẳng nhẽ người ta cứ mải làm giàu mà không cần xây dựng cho mình những kiến thức tối thiểu về văn hoá nghệ thuật. Hình như họ không có nhu cầu tự nâng mình lên.

Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hoá thì ít người biết đến. Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội. Chả lẽ người ta cứ làm giàu, cứ giàu, cứ sống mà không cần quan tâm đến chất lượng sống. Sống không chỉ là chuyện thọ yểu và có bao nhiêu tiền mà là sống thế nào.

Thật đáng mừng là ở Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu (về kinh tế) nhưng cũng thật đáng buồn là chưa có một tầng lớp trung lưu về văn hoá.

Người Việt và câu chuyện giàu kinh tế, nghèo văn hóa
Bảo tàng là nơi tốt nhất để mọi người có thể đến để học hỏi, tự trang bị cho mình những kiến thức phổ thông nhưng giả sử bạn có thời gian và bạn có mặt ở các bảo tàng, Bảo tàng Lịch Sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học trong một năm thì thử hỏi có mấy lần bạn gặp các nghệ sỹ, các ngôi sao, các thương gia ở đó. Huống hồ là người lao động bình thường. Các bảo tàng ở Việt Nam vẫn chỉ là điểm cho khách du lịch nước ngoài.

Tại sao lại chỉ đặt ra chỉ số tăng trưởng về kinh tế mà không có chỉ số tương tự về văn hoá. Một số hội thảo quốc tế gần đây đã đề cập đến chỉ số Hạnh phúc quốc gia – Gross National Happiness ( GNH) trong đó giá trị văn hoá là một yếu tố. Nếu muốn nhìn rõ sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá thì đơn giản nhất là bạn hãy để ý một chút, trên đoạn đường từ nhà đến cơ quan mỗi buổi sáng. Chen lấn xô đẩy không ai chịu nhường ai, còi bóp, khói xả, bụi bặm, rác đổ, nước thải tràn lan, kênh rạch ô nhiễm, đường xá xuống cấp, tình trạng đào bới công trình ngầm vô tổ chức, các loại dây điện, điện thoại chằng chịt, các loại biển quảng cáo dọc ngang lộn xộn, kẹt xe, chửi bới, đánh lộn v.v rồi thì bằng giả, thuốc giả và còn nhiều thứ tưởng rằng không thể giả được cũng là đồ giả, trinh tiết giả, tiến sỹ giáo sư giả, chùa giả, đám cưới giả, mộ (liệt sỹ) giả. Tất cả những điều nêu trên là sự mất mát nhìn thấy nhưng đằng sau đó là sự mất mát lớn nhất, khó nhìn thấy hơn là mất đạo đức, mất nhân cách, mất lương tâm, mất danh dự, mất đạo, mất văn hoá. Hiện nay đô thị thì ngày càng nông thôn hoá còn nông thôn thì ngày càng bị đô thị hoá nhưng rất tiếc là hai khu vực này chỉ nhiễm thói hư tật xấu của nhau. Năm 1987, trong truyện Tướng về hưu, nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đã từng thốt lên như một lời cảnh báo: thằng nào càng có tâm càng nhục. Tôi cứ băn khoăn một điều rằng thời chiến tranh, khi kinh tế đất nước còn khó khăn thì không như vậy mà bây giờ thì… và tự hỏi chẳng biết liêm sỉ, tự trọng, đạo lý, danh dự còn hay mất.

Thời chiến tranh, thời nghèo khổ, mọi sự đều thuần phác, mộc mạc. Thời loạn nhưng lòng người lại yên, bây giờ thì ngược lại, hầu như tất cả đều “năng động”, khôn ngoan, mưu mô, lọc lõi, toan tính. Đời sống văn minh không chỉ tạo ra bởi luật mà chính là văn hoá của mỗi công dân tạo nên sự tự giác, tự nguyện cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Nếu chỉ chăm chăm phát triển kinh tế, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không phát triển văn hoá, không thấy lợi ích lâu dài thì phát triển làm gì. Nếu chỉ chạy theo tiền, chạy theo chỉ số kinh tế để đến mức như thế thì phát triển làm gì. Nếu chỉ cần được tiền thì đó chính là được mà mất. Nên chăng trước khi quyết định phát triển kinh tế thì nên học bài học đầu tiên là bài văn hoá của sự phát triển.

Chỉ có người mình mới không nhìn thấy hoặc cố tình không nhìn thấy rằng bao giờ cũng phải phát triển song song cả kinh tế và văn hoá. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Hà Nội đã có hầu hết các trung tâm văn hoá của các nước có nền kinh tế mạnh. Ví dụ: Viện Goethe, Hội đồng Anh, L’espace, Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Italy, Trung tâm Văn hoá Nga và Trung tâm Văn hoá Nhật, Trung tâm Mỹ… Muốn làm ăn buôn bán với ai thì phải hiểu người ta, mà cách hiểu biết tốt nhất là thông qua văn hoá. Đã có trung tâm văn hoá Việt Nam nào được thành lập ở những thị trường (xuất khẩu) trọng điểm? Có được mấy doanh nhân Việt hiểu được văn hoá mình, lịch sử nước mình chứ đừng nói là hiểu người ngoài. Không biết mình, không biết người thì vẫn có thể đi buôn, vẫn có thể trúng vài ba vụ nhưng để được gọi là doanh nhân thực thụ, để sánh được với khu vực thì phải có văn hoá đã.

Văn hoá không chỉ là phương tiện để phát triển kinh tế bền vững mà suy cho đến cùng thì đó là mục đích của phát triển kinh tế. Một cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp cho đến một quốc gia cũng vậy. Người ta lao động vất vả, kiếm tiền, giàu hơn và cuối cùng là để đạt được, phải đạt được một đời sống tinh thần giàu có hơn, vương giả hơn, một mặt bằng văn hoá cao hơn, một cuộc sống chất lượng cao hơn và đẹp hơn.

Vừa qua đã có nhiều người thành đạt cả ở Hà Nội và Sài Gòn nhập xe hơi đắt tiền (và cả du thuyền) với giá vài trăm ngàn đến trên triệu USD từ nước ngoài về nhưng phần lớn đều đề nghị giấu tên. Họ không muốn mọi người để ý cái sự giàu của họ, cũng đúng thôi nhưng lại giả sử rằng nếu có ai đó mua một bức tranh của một danh hoạ nước ngoài về thì chắc chắn anh ta sẽ không có ý định ẩn mình như vậy. Hình như họ cũng tự cảm thấy cái sự mua ô tô đắt (dù bằng đồng tiền chính đáng) có cái gì đó hơi lố? Và những người đang phải lo ăn từng bữa, không biết bát cơm ngày mai đến từ đâu, sẽ nghĩ gì khi nhìn những chiếc xe đó. Ấy là chưa kể những người giàu trong thời gian qua, phần lớn là buôn bán đất cát. Sự thành công của cá nhân họ có đáng tung hô không vì nó chả tạo ra bất kể giá trị gia tăng gì cho xã hội cả. Khác hẳn với những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, ví dụ như những công ty làm đồ gỗ, đồ gốm v.v.. Họ thu lợi nhuận cho mình và đồng thời tạo ra rất nhiều công ăn việc làm. Thế kỷ trước, chúng ta đã từng có một doanh nhân, một nhà sưu tập nghệ thuật lớn, ông Đức Minh nhưng hiện nay bói cũng chẳng ra một người như thế cho dù sự giàu có của doanh nhân thời nay thì lớn hơn trước rất nhiều. Ngày càng có nhiều người biết làm ăn, biết kiếm tiền, kinh doanh giỏi nhưng lại không biết sống. Ngày càng có nhiều người biết làm giàu nhưng lại càng có ít người biết làm giàu văn hoá.

20 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã phát triển lên một bậc nhưng để văn hoá phát triển lên dù nửa bậc thì có lẽ gấp đôi, gấp ba khoảng thời gian đó cũng chưa chắc đã đủ nhưng dẫu sao thì cũng phải bắt đầu. Mất văn hoá thì mất nước nhưng trong lịch sử thế giới đã có những trường hợp mất nước nhưng văn hoá của họ không mất.

Theo LÊ THIẾT CƯƠNG / TẠP CHÍ TIA SÁNG